Lời Bộ Biên tập: Với khoảng 72% số dân là nông dân, Việt Nam luôn coi trọng những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, hiện người nông dân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường sống, do thiên tai bão lụt và tình trạng giá cả nông sản bấp bênh... Những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Nhà nước để bảo đảm cuộc sống cho người nông dân là việc làm cần thiết và cấp bách.

* Hỏi: Thực trạng môi trường sống nông thôn hiện nay?

Đáp: Môi trường sống ở nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Người dân nông thôn đang phải đối mặt với nguy cơ của dịch bệnh, ngộ độc, nguy cơ suy thoái môi trường đất, nước, không khí...

Ô nhiễm môi trường nước: Ô nhiễm môi trường nước ở nông thôn, nhất là các làng nghề nông thôn trở nên nghiêm trọng khi không có các biện pháp giải quyết đồng bộ về quy hoạch, công nghệ, về xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư giải quyết cấp nước sạch và thoát nước.

Nước ngầm nhiều nơi bị ô nhiễm nặng về mặt sinh học và hóa học. Một số ít làng xây dựng được hệ thống cống rãnh thoát nước nhưng mất tác dụng do bị lấp bởi chất thải rắn, gây ngập úng mỗi khi mưa. Tại các làng nghề, nước thải được xả thẳng ra cống rãnh, không qua bất kỳ khâu xử lý nào, tồn đọng thời gian dài, gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất, suy giảm chất lượng nước ngầm.

Phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm ở nông thôn còn mang tính truyền thống, thiếu khoa học, chủ yếu là thả rông, làm chuồng trại dưới nhà sàn, phân thải lâu ngày không được xử lý mà xả thẳng vào nguồn nước. Ngoài ra, việc nuôi gia súc, gia cầm gần nơi ở đã làm cho môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm. Nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh chỉ đạt 28% - 30%.

Ô nhiễm môi trường đất: Các chất thải rắn và lỏng ở vùng nông thôn, ở các làng nghề thải vào môi trường đất đã làm thay đổi thành phần lý, hóa, sinh học của đất. Lượng rác thải này không được xử lý hợp vệ sinh sẽ phân hủy bốc mùi hôi thối, gây các bệnh về da, mắt, viêm xoang và đường hô hấp (viêm phế quản, ung thư phổi, hen suyễn). Kết quả điều tra mẫu đất ở một số xã làng nghề đều cho kết quả hàm lượng kim loại nặng cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của nhân dân và chất lượng sản phẩm nông sản.

Ô nhiễm môi trường không khí: Hầu hết nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than (than củi, than cốc, than cám...), chỉ ít doanh nghiệp dùng ga và điện. Vì vậy, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2, NO trong nhiều làng nghề vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần khiến tỷ lệ người mắc các bệnh phổi, phế quản cao hơn mức trung bình từ 1 - 2 lần do hít phải nhiều loại bụi và chất thải nguy hiểm. Ngoài ra, không khí ở nông thôn đang bị ô nhiễm về nhiệt, tiếng ồn, hơi độc, bụi khói; không gian bị thu hẹp do đất bị chiếm dụng để xây dựng cơ sở sản xuất, chứa nguyên vật liệu, sản phẩm hàng hóa và nhất là chất thải đủ loại.

* Hỏi: Nhóm hàng nông sản chiến lược trong thời gian tới? Nguyên nhân và giải pháp nào để giúp hàng nông sản tránh cảnh rớt giá ?

Đáp: * 10 nhóm hàng nông sản gồm: lúa gạo; rau, đậu các loại; cà-phê; cao-su; hồ tiêu; điều; chè; cây ăn quả và ca-cao mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào chiến lược phát triển trồng trọt tại Việt Nam đến năm 2020.

Theo bản chiến lược này, về lúa gạo, dự tính đạt mức sản lượng lúa vào năm 2010 là 36,5 triệu tấn, năm 2015 là 38 triệu tấn và năm 2020 là 39,8 triệu tấn.

Về cà-phê, ổn định diện tích khoảng 500.000 ha, trong đó có 40.000 ha cà phê chè ở các vùng có điều kiện phù hợp như Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Năng suất trung bình cà-phê ước đạt 976.000 tấn vào năm 2010 và 1,1 triệu tấn năm 2020.

Cũng theo bản chiến lược, nhóm nông sản chủ lực của vùng Đông Bắc là chè, lúa gạo, ngô, khoai, cam quít, vải, nhãn, quế, hồi; của vùng Tây Bắc là ngô, đậu tương, chè, cây ăn quả ôn đới, nhãn, cà-phê, chè, lúa đặc sản...; của đồng bằng sông Hồng là cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hằng năm với diện tích lúa khoảng 550.000 ha và của đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, rau các loại, mía, dừa, cây ăn quả, với trọng tâm phát triển vùng lúa chất lượng cao khoảng 1 triệu héc-ta phục vụ xuất khẩu.

* Một trong những nguyên nhân chính khiến cho hàng nông sản và nhiều loại cây trồng khác thường xuyên rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá, là do chưa quy hoạch được vùng chuyên canh theo lợi thế, quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ làm tăng giá thành; chưa tổ chức được liên kết vùng dẫn đến nhiều vùng, nhiều địa phương cùng trồng một loại cây và hệ thống tiêu thụ chưa chuyên nghiệp...

Ngoài ra, do trình độ nhận định thị trường của người nông dân còn hạn chế, thấy loại cây trồng nào đang có giá ngay lập tức chuyển sang trồng cây đó ngay, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dư thừa không tiêu thụ được và chất lượng không ổn định.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu. Cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thì hàng nông sản sẽ phát triển bền vững, cảnh trúng mùa rớt giá và việc thừa, thiếu nguyên liệu sẽ nhanh chóng được khắc phục.

* Hỏi: ý nghĩa bảo hiểm nông nghiệp? Tại sao bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại chưa được thực hiện?

Đáp: Bảo hiểm nông nghiệp là một biện pháp kinh tế hình thành nên quỹ bảo hiểm nhằm mục đích giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và bù đắp thiệt hại cho nông dân khi có rủi ro xảy ra trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định nông thôn.

Khi thực hiện bảo hiểm nông nghiệp sẽ đem lại 5 lợi ích to lớn: Bù đắp thiệt hại cho nông dân khi có rủi ro xảy ra một cách nhanh chóng và chính xác; góp phần tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại cũng như phòng chống thiên tai thông qua các biện pháp mang tính nghiệp vụ; nhanh chóng chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại vào nông nghiệp (thông qua bảo hiểm giống, cây con...); kiện toàn tổ chức hợp tác xã, Hội Nông dân (thông qua các quy định về đối tượng được bảo hiểm); tiết kiệm, tạo công ăn việc làm cho xã hội.

* Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế - tài chính, sở dĩ bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển ở thị trường Việt Nam thời gian qua là do người dân ở nhiều địa phương chưa có thói quen tham gia bảo hiểm, chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích, vai trò của bảo hiểm trong việc duy trì ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh. Mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn chưa phủ kín địa bàn, chưa vươn đến những nơi có nhu cầu.

Nhiều hộ gia đình không đủ khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm, mặc dù phí bảo hiểm đã được tính ở mức thấp hơn so với các loại hình bảo hiểm khác. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp luôn chứa đượng rủi ro bất khả kháng, chi phí cho bán bảo hiểm lớn, việc kiểm tra, giám định tổn thất và bồi thường gặp khó khăn, trong khi hoa hồng lại thấp so với số phí bảo hiểm thu được nên không thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm còn chậm, thủ tục phiền hà, gây bức xúc cho người tham gia bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thiết kế chưa phù hợp với điều kiện dân trí, nhiều điều khoản bảo hiểm còn phức tạp, dễ dẫn đến nhầm lẫn từ đó xảy ra tranh chấp, nhất là khi đại lý không hoàn thành nghĩa vụ giải thích hợp đồng./.