Lao động và văn hóa nghề trong lao động nước ta
TCCS - Văn hóa nghề là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần được tạo ra do quá trình hành nghề của người lao động với sự chuẩn mực về trình độ kiến thức, kỹ năng lao động, đạo đức và thái độ hành xử với môi trường lao động nhất định. Văn hóa nghề chính là sự hành nghề có văn hóa. Một bộ phận người lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc đã bị chủ sử dụng lao động đánh giá là những người lao động thiếu văn hóa. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ đào tạo người lao động không chỉ có kiến thức, kỹ năng nghề mà còn có cả kiến thức văn hóa nghề.
Bức xúc lao động thiếu kiến thức văn hóa
Nước ta có 46,61 triệu lao động, chiếm 54,8% số dân. Số lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 45,6 triệu người, chiếm 97,64% tổng số nguồn lao động. Đây là nguồn tài sản quý giá nhất của đất nước. Từ địa phương đến cả nước nếu có sự gắn kết chặt chẽ và kết hợp hài hòa giữa yếu tố lao động với tiềm năng đất đai, tài nguyên, môi trường, nguồn vốn, khoa học - công nghệ mới cùng cơ chế, chính sách, kinh tế mới, chúng ta sẽ có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, tạo mở nhiều việc làm mới.
Trong công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn lao về kinh tế - xã hội, cải thiện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới, nền kinh tế nước ta vẫn còn thấp kém, còn khoảng cách khá xa. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận dân cư còn thấp, trong khi GDP bình quân nước ta năm 2007 đạt khoảng 840 USD/người, một số nước trong khu vực đạt từ 10.000 USD đến 25.000 USD/người, nhiều nước trên thế giới đạt 26.000 USD - 30.000 USD/người, thậm chí một số nước đạt 36.000 USD - 40.000 USD/người. Điều đó cũng có nghĩa nước ta vẫn căn bản là nước nghèo với nền sản xuất nông nghiệp còn lớn nên thu nhập thấp. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch khá, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm, công nghiệp và dịch vụ tăng, nhưng dân số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn ở mức cao hơn 70%, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm hơn 52%. Trong khi ở các nước công nghiệp phát triển tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm dưới 10%, không ít nước lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 1% - 2%.
Qua hội nhập kinh tế quốc tế, người lao động Việt Nam đã qua đào tạo cơ bản, được quốc tế đánh giá cao về tính thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, hoạt bát, thích nghi nhanh với môi trường công nghiệp. Song, cũng qua hội nhập, người lao động Việt Nam bộc lộ những yếu kém như tính tự do vô kỷ luật, chưa quen tác phong công nghiệp, tính tùy tiện, cẩu thả, một bộ phận lao động thiếu trung thực, thiếu tự giác, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, dễ bị lôi kéo, kích động, thậm chí tệ nạn cờ bạc, uống rượu, nghiện hút đã dẫn họ đến những hành vi gây rối nơi công cộng... Thực chất, đó là do thiếu kiến thức văn hóa nghề. Qua nghiên cứu cho thấy, những người lao động được đánh giá thiếu văn hóa nghề thường tiềm ẩn ở những lao động chưa qua đào tạo nghề nghiệp nhất định nên khi điều kiện môi trường thích hợp thì những tính xấu trên có cơ hội bộc lộ, thể hiện rõ nét tính cách người tiểu nông. Các vụ đình công tự phát thể hiện rõ điều đó. Do chưa có sự chuẩn bị đồng bộ các yếu tố sản xuất, nhưng người chủ doanh nghiệp muốn nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên không ít cơ sở chưa quan tâm đến những vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, chưa đào tạo một cách bài bản, căn cơ cho người lao động trước khi đưa doanh nghiệp vào hoạt động. Số lao động được tuyển dụng “ào ạt” chủ yếu là lao động nông nghiệp, vùng nông thôn, những người chưa từng ra khỏi lũy tre làng. Hôm qua họ còn là nông dân, hôm nay họ đã thành công nhân trong khu công nghiệp lớn. Có doanh nghiệp cũng chỉ hướng dẫn, kèm cặp gấp gáp về quy trình trong dây chuyền sản xuất, một số thao tác, động tác mà họ phải đảm nhận trong dây chuyền sản xuất nên mặc dù đã là người công nhân nhưng tính cách, tác phong người nông dân chưa thay đổi, họ dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật.
Việc tuyển người đi lao động ở nước ngoài thời gian qua cũng chủ yếu chọn lao động phổ thông ở khu vực nông thôn, có những người trình độ học vấn mới lớp 7, lớp 8, hiểu biết xã hội, tác phong công nghiệp, quan hệ ứng xử, nhất là với người chủ sử dụng lao động, với môi trường của họ còn rất hạn chế, cùng với công tác giáo dục định hướng ban đầu chưa tốt đã ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguyên nhân từ đâu?
Trước hết, do các ngành, các cấp, do mỗi người chúng ta chưa hiểu đầy đủ yếu tố văn hóa nghề cần có, cần được trang bị cho người lao động. Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, vấn đề này chưa được chúng ta quan tâm đầy đủ, các cấp học phổ thông mới quan tâm dạy chữ mà chưa chú trọng nhiều đến dạy làm người. Thứ đến, các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng chưa thật quan tâm, chưa coi trọng yếu tố văn hóa trong nghề nghiệp để có chương trình đào tạo cho người lao động.
Suy cho cùng, do cơ quan chức năng, do các ngành, các cấp chưa gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực tương ứng. Nhất là, không ít ngành, địa phương chỉ quan tâm đến chương trình dự án đầu tư, chưa chủ động đào tạo đội ngũ lao động, chưa chú ý đến cơ cấu trình độ nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh nên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là công nhân kỹ thuật, lao động chất lượng cao cho vận hành nhà máy, dây chuyền sản xuất, một số tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn phải nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm việc.
Tính chung cả nước hiện còn thiếu hàng trăm ngàn công nhân kỹ thuật, lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp trọng điểm. Thời gian qua, tại các hội chợ, sàn giao dịch việc làm được tổ chức ở các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp cũng không tuyển được lao động cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh của mình. Như vậy, không phải thiếu việc làm mà thiếu những lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Coi trọng hơn nữa đào tạo văn hóa nghề
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, thứ nhất, phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Không chỉ coi trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề mà cần coi trọng yếu tố văn hóa nghề. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt đối với nước ta vẫn còn là một nước nông nghiệp, kinh tế chưa phát triển. Nguồn lao động cung cấp cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho xuất khẩu lao động vẫn chủ yếu là nguồn lao động có trình độ học vấn phổ thông, chưa qua đào tạo nghề ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng chính là điểm yếu của lao động Việt Nam. Do vậy, cần xem xét yếu tố văn hóa nghề trong chương trình đào tạo nghề, trước hết ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật, đại học sư phạm kỹ thuật ở nước ta. Tiến tới đi đôi với phổ cập nghề cho thanh niên, cho nông dân phải trang bị những kiến thức nhất định về văn hóa nghề cho họ để khắc phục dần những điểm yếu vốn có của lao động Việt Nam, đó là kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, quan hệ giao tiếp ứng xử của người lao động với người sử dụng lao động, với môi trường để xây dựng mối quan hệ thân thiện, hài hòa trong xã hội. Muốn vậy, trước hết phải làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về tính bức thiết về kiến thức văn hóa nghề của người lao động để chất lượng nguồn lao động nước ta không thua kém các nước; đồng thời phát huy hơn nữa mặt mạnh của lao động nước ta, đó là tính thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy với môi trường lao động, cần cù và kiên nhẫn trong công việc.
Qua hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn lao động Việt Nam còn bộc lộ những yếu kém trong văn hóa nghề. Vì vậy, cần coi trọng hơn nữa đào tạo văn hóa nghề; nhanh chóng đưa môn văn hóa nghề vào chương trình đào tạo nghề ở các cấp học.
Thứ hai, trong hội nhập quốc tế, chính người lao động phải thấy rõ những hạn chế của chính mình so với lao động các nước để nhanh chóng có sự tự điều chỉnh, thích nghi với môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn lên không thua kém người lao động nước ngoài để giữ việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thứ ba, các doanh nghiệp, người chủ sử dụng lao động phải tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, văn hóa nghề, nhất là bố trí hợp lý ca kíp làm việc với thời gian nghỉ ngơi, thời gian học tập nâng cao về trình độ học vấn, nghề nghiệp; quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nơi ăn ở của công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đó chính là nhân tố ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thứ tư, nhanh chóng thiết kế môn văn hóa nghề nằm trong chương trình đào tạo nghề ở các cấp học, từ chương trình phổ cập nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đặc biệt trong các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật, đại học sư phạm kỹ thuật, nơi đào tạo giáo viên dạy nghề cần có nhận thức đầy đủ về yếu tố văn hóa nghề của người lao động nước ta, để trong giáo trình, bài giảng môn văn hóa nghề không chỉ kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà phải tiếp thu nhanh, có chọn lọc những tinh hoa văn hóa tiên tiến của thế giới nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta./.
Thông cáo khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII  (20/05/2009)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (20/05/2009)
Diễn văn Khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng  (20/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên