Ngày 25-6-2008, tại Bộ Công Thương đã diễn ra hội nghị, luận bàn vấn đề “Việt Nam không được hưởng thuế suất ưu đãi nhập khẩu (GSP) kể từ 1-1- 2009 và rà soát áp dụng thuế chống bán phá giá giày mũ da (AD) tại thị trường EU” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Da – Giày Việt Nam tổ chức.

Hội nghị hệ thống lại quá trình đàm phán vụ kiện chống bán phá giá giày, mũ da vào thị trường châu Âu từ năm 2006 đến nay, bàn hướng giải quyết khi Ủy ban châu Âu rà soát cuối kỳ việc chống phá giá vào đầu tháng 10 tới, nếu có tổ chức sản xuất giày nào của châu Âu tiếp tục kiện từ nay đến ngày 7-10-2008 thì thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục được áp dụng hoặc gia hạn. Đến nay, chưa có một thông tin chính thức nào về các nhà sản xuất giày châu Âu phản ứng Việt Nam bán phá giá trong 2 năm qua (từ ngày áp dụng AD). Các doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược phát triển cho mình khi lợi thế cạnh tranh bị giảm nhiều do EU không cho Việt Nam được hưởng GSP.

Hiện nay, ngành Da – Giày Việt Nam được xếp hạng là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu trên thị trường quốc tế về giày dép. Kim ngạch xuất khẩu ngành giầy dép Việt Nam trong năm 2007 đạt 3,99 tỉ USD, đứng thứ 3 sau ngành dệt may, dầu khí. Thị trường chính là EU, trước năm 2005, hàng năm thị trường này đón nhận 60 – 80% sản lượng giày dép của Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, do ảnh hưởng của việc EU áp thuế chống phá giá giày dép ở mức 10% cùng với tác động khác như yêu cầu cao về chất lượng, các yêu cầu liên quan tới việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nên tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp sang các nước EU chỉ đạt khoảng 55%. Nếu diễn biến tốt đẹp, sau tháng 10-2008, Ủy ban châu Âu bỏ áp dụng AD. Dù có hay không áp dụng AD với Việt Nam, nhưng chính thức từ 1-1-2009 EU không thực hiện tiếp GSP, với lý do Việt Nam đã “tốt nghiệp” nhóm những quốc gia nghèo nhất. Động thái này đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, lợi thế cạnh tranh về giá suy giảm so với các nước khác trong khu vực, do bình quân mỗi đôi giày xuất khẩu phải tăng thêm thuế nhập khẩu vào EU từ 3,5–5% (tính theo kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2007 là 2.198,79 triệu USD thì có khả năng phải tăng thêm chi phí 109,94 triệu USD/năm); một số đối tác nước ngoài sẽ di dời đơn hàng sang các nước khác trong khu vực để tranh thủ lợi thế về GSP; các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ mất đơn hàng cao hơn do khách hàng có thêm các lựa chọn tại các nước khác như In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đet...; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp suy giảm, nếu tự doanh sẽ giảm lợi nhuận khi muốn giữ đơn hàng; nếu làm hàng gia công, tiền lương công nhân có thể sẽ bị cắt giảm do áp lực từ phía đặt hàng.

Để hỗ trợ ngành Da - Giày Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn về sức ép chống phá giá, không còn được hưởng ưu đãi thuế quan, Hiệp hội Da – Giày kiến nghị Chính phủ đàm phán để EC xem xét, xóa bỏ thuế chống bán phá giá; tiếp tục đàm phán để mặt hàng giày dép vẫn được hưởng GSP, tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu vào EU. Đồng thời, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý mới nhằm tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, coi đây là giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU sẽ gặp khó khăn./.