Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc tại Hoa Kỳ
TCCS - Trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 22-9-2024, giờ địa phương (ngày 23-9-2024, giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Hoa Kỳ tại New York; dự buổi tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)"; gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin...
* Cuộc gặp gỡ và trao đổi với Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Hoa Kỳ tại New York do Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức Liên hợp quốc phối hợp tổ chức. Đông đủ các đại biểu đến từ các bang khác nhau, đại diện tiêu biểu cho hàng nghìn bạn bè Hoa Kỳ yêu mến Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, các tổ chức cánh tả, các nhà hoạt động hòa bình, cựu chiến binh, bạn bè, đại diện các tổ chức từ thiện, nhân đạo, tôn giáo, phi chính phủ và các doanh nghiệp đã tham dự cuộc gặp.
Trong không khí thân tình, ấm áp, các đại biểu bày tỏ xúc động được tham dự cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, chia sẻ những tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ Việt Nam dưới các hình thức khác nhau qua các thời kỳ.
Đồng Chủ tịch Đảng Cộng sản Hoa Kỳ Rossana Cambron bày tỏ ấn tượng sâu sắc và được truyền cảm hứng về một nước Việt Nam hiện đại, thịnh vượng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là mô hình cho tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và là mẫu mực của việc đưa lý thuyết về xã hội xã hội chủ nghĩa thành hiện thực; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai Đảng trong thời gian tới.
Chủ tịch Quỹ hòa giải và phát triển John McAucliff bày tỏ ấn tượng về sự hòa giải giữa hai nước sau chiến tranh, về sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của mình để thúc đẩy sự hòa giải và phát triển trong quan hệ giữa các dân tộc.
Nhiều đại biểu chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm cá nhân trong hành trình thúc đẩy hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Giám đốc điều hành Tổ chức Dự án 2 Margot Delogne xúc động chia sẻ về nỗ lực kết nối những gia đình, cá nhân bị mất người thân trong chiến tranh ở cả hai phía, thúc đẩy hiểu biết, xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn các đồng chí, bạn bè đã thu xếp thời gian đến dự cuộc gặp; bày tỏ trân trọng, xúc động trước sự ủng hộ, tình cảm của những đồng chí cộng sản, bạn bè, nhân dân Hoa Kỳ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thông tin về những thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, các kết quả đạt được trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Đại hội XIII; chia sẻ Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2026 sẽ là mốc son quan trọng, đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trong quan hệ của Việt Nam với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhấn mạnh thông điệp Việt Nam tích cực đóng góp vào hòa bình, hòa giải trên thế giới, tham gia giải quyết những thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng trao huân chương hữu nghị cho các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước.
* Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu đã dự Lễ kỷ niệm 1 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sự kiện có sự tham dự của cựu Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cùng nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền cùng đông đảo bạn bè Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, đây là quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, hai nước đã trở thành bạn bè, phát triển quan hệ lên thành đối tác toàn diện vào năm 2013 và sau 10 năm triển khai khuôn khổ đối tác toàn diện, với những bước tiến quan trọng đạt được trong việc củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023, đúng với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả này là kết tinh của vô vàn nỗ lực hàn gắn, xây dựng lòng tin bền bỉ trong suốt ba thập niên của nhiều thế hệ lãnh đạo, chính quyền, Quốc hội và nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh những kết quả đáng khích lệ hai bên đạt được sau một năm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời cho rằng với nội hàm toàn diện và cụ thể của khuôn khổ quan hệ mới, hai bên còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển ổn định, thực chất, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và quốc tế. Quan trọng hơn, điều đó giúp hai bên xây dựng lòng tin, cơ sở quan trọng để "chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau" như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào năm 2015.
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, nhất là tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao; đưa hợp tác khoa học - công nghệ cao (bán dẫn, trí tuệ nhân tạo), đào tạo nhân lực chất lượng cao trở thành đột phá chiến lược trong quan hệ hai nước; tiếp tục dành ưu tiên cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh góp phần xây dựng và củng cố lòng tin hai bên; tăng cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ lợi ích và các quan tâm chính đáng của nhau; tăng cường phối hợp, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, cựu Ngoại trưởng John Kerry chia sẻ trải nghiệm cá nhân từng trải qua khi chứng kiến những khó khăn trong tiến trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước. Nhờ nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, người dân hai bên, ngày hôm nay hai nước không chỉ vui mừng trước việc hai bên đã tìm ra công thức thúc đẩy hàn gắn, kết thúc chiến tranh, mà còn đứng trước cơ hội thực hiện những điều như Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ John Adams đã từng nói: “Cùng nhau trao cho thế hệ trẻ những cơ hội mà thế hệ chúng ta không thể tưởng tưởng được”.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân của cơn bão số 3; bày tỏ sự trân trọng đối với sự đóng góp của các thế hệ nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, như cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Thượng nghị sĩ John Kerry đối với quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước.
Thượng nghị sĩ Sullivan khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ, với tiềm năng phát triển to lớn, cùng đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”, một quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu ở khu vực.
* Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu chính sách Asia Society cùng một số bạn bè Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã sẵn sàng bước vào khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nói chung và Hoa Kỳ nói riêng trong tiến trình này.
Vui mừng trước việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đạt được nhiều kết quả thực chất trong một năm qua, những người bạn của Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; khẳng định sẵn sàng đồng hành trong tiến trình vươn mình, phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
* Nhân dịp tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)".
Trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện của các tổ chức, tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, chỉ ra những tiềm năng to lớn và cơ hội hợp tác với Việt Nam để phát triển các lĩnh vực này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030 là thể chế, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao, như bán dẫn và AI là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, với 2 trụ cột hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghiệp bán dẫn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên. Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp lớn về điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn và AI, như Samsung, Amkor, Hana Micron, Intel, Foxconn, LG, Viettel, VNPT, FPT…, cùng nhiều nhà đầu tư lớn đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam...
* Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Vatican, nổi bật là Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam và Văn phòng Đại diện thường trú tại Hà Nội đã đi vào hoạt động trong năm 2024. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Giáo hoàng Francis đã thăm hỏi, động viên nhân dân Việt Nam vượt qua hậu quả của cơn bão số 3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao và trân trọng những tình cảm tốt đẹp của Giáo hoàng và ngài Thủ tướng, Hồng y dành cho Việt Nam; nhấn mạnh thời gian qua, Việt Nam đã tạo thuận lợi cho các chuyến thăm mục vụ của Đại diện thường trú hiện nay và Đặc phái viên không thường trú trước đây.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trân trọng những sứ điệp, huấn từ, thư của các Giáo hoàng tiền nhiệm và Giáo hoàng Francis gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam, nhấn mạnh tinh thần “người công giáo tốt là người công dân tốt”, khuyến khích Giáo hội Công giáo Việt Nam “đóng góp vào đời sống quốc gia, vì lợi ích của toàn thể dân tộc trên tinh thần đối thoại và hợp tác”.
Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong chuyến thăm trước đây; khẳng định Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trên tinh thần chân thành, trách nhiệm và tin cậy. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và cơ chế họp Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.
Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin khẳng định, Đại diện thường trú của Tòa thánh tích cực hợp tác với Việt Nam và cho biết Giáo hoàng Francis mong sớm thăm Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Vatican.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm còn gặp gỡ một số tập đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ, thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, gặp mặt với các thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại Hoa Kỳ.../.
Hà Phương (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới  (20/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng  (17/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto  (14/09/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam