17 năm trên cương vị Tổng Bí thư, ở hai giai đoạn, cách nhau 30 năm (1956 – 1986), đồng chí Trường Chinh phải thực hiện hai cuộc chuyển hướng lớn về chiến lược cách mạng. Lần thứ nhất vào năm 1941, có sự chỉ đạo của Bác Hồ. Lần thứ hai vào năm 1986 khi ông là người lãnh đạo cao nhất. Vai trò Tổng Bí thư của đồng chí Trường Chinh đặc biệt nổi bật trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 và công cuộc đổi mới năm 1986.

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta ngày càng suy giảm, và trong nửa đầu những năm 80 thì trở nên khủng hoảng sâu sắc. Chúng ta không còn nhận được viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, buộc phải vay nợ, trả nợ. Tình trạng sản xuất cả công nghiệp lẫn nông nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Dân và cán bộ đều thiếu đói, nhà máy thiếu nguyên liệu, năng lượng, nông nghiệp thiếu phân bón. Người lao động không có việc làm ngày càng nhiều, đồng tiền giảm giá nhanh chóng, tình trạng lạm phát tới ba con số, giá cả tăng vọt. Mỹ và đồng minh thực hiện cấm vận nước ta. Cuộc chiến tranh mới tuy đã thấy báo hiệu nhưng không ngờ lại ập đến nhanh như vậy. Dân tộc ta buộc phải đương đầu với cuộc đấu tranh ấy tới mười mấy năm nữa vì nghĩa vụ quốc tế và sự an toàn của chính mình.

Phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội của ta mấy chục năm là vẫn theo con đường đã có ở một số nước. Nhờ có nguồn viện trợ to lớn của các nước anh em nên những điều không ổn trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội nước ta còn được che lấp. “Sai lầm lớn của các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội đi trước, nói chung, đều là những nước chậm phát triển, bắt đầu từ nền kinh tế nông nghiệp còn ở giai đoạn tự cấp tự túc đã muốn xông thẳng đến chủ nghĩa cộng sản” (1).

Từ ngay năm 1976 trở đi, kinh tế đất nước ngày một khó khăn hơn, lại gặp phải cuộc chiến tranh biên giới và tình hình đối ngoại ngày càng xấu đi. Kinh tế tập trung bao cấp ngày càng bộc lộ những hạn chế lớn của nó và tỏ rõ sự không phù hợp. Hội nghị Trung ương 6 khóa IV họp vào tháng 8-1979 bàn về chính sách lương thực rất sôi nổi. Đồng chí Trường Chinh đưa ra quan điểm mới: “Nhà nước phấn đấu cung ứng tốt hơn cho nông dân phân bón, xăng dầu, các vật tư nông nghiệp, trên cơ sở đó mua lại lượng thóc tương ứng theo giá nghĩa vụ; ngoài ra hết sức tranh thủ mua thêm thóc của nông dân theo giá thỏa thuận để có đủ lương thực bảo đảm cung cấp cho những người làm công ăn lương, lực lượng vũ trang và những người sản xuất theo hợp đồng với Nhà nước cùng gia đình của họ. Để cho nông dân được tự do bán phần thóc hàng hóa còn lại trên thị trường tự do ở bất cứ nơi nào mà họ muốn, chính thức chấp nhận thị trường tự do về lương thực; xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông lương thực trên thị trường cả nước để những người không sản xuất lương thực và không được nhà nước bảo đảm cung cấp lương thực có thể mua được lương thực trên thị trường tự do...”(2).

Quan điểm này được nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, tán thành. Tuy vậy, ngoài thực tiễn xã hội, việc khoán hộ đang diễn ra ở một số nơi vẫn mang danh nghĩa “khoán chui” vì chưa trở thành nghị quyết.

Sau một thời gian, đến đầu năm 1981, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra ở nông thôn một số địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị 100 về “Mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, đánh dấu một mốc quan trọng về đổi mới tư duy kinh tế và chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng ta.

Nghị quyết số 25-CP ngày 21-01-1981 về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh là một đổi mới có ý nghĩa trong quản lý công nghiệp, cũng là sự thể hiện tinh thần đổi mới của Đảng ta, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Trường Chinh.

Có thể nhìn một cách khái quát thời kỳ 1976-1986, tức là 10 năm trước đổi mới, như sau:

- Đây là thời kỳ sử dụng mô hình cũ, cơ chế tập trung bao cấp, sớm xóa bỏ các thành phần kinh tế tư bản, cá thể... được phát triển ở mức cao và mở rộng trong phạm vi cả nước. Những nhược điểm, khuyết điểm của mô hình đã trở thành sức cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trở nên gay gắt. Cuộc sống đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi mô hình cũ bằng mô hình phù hợp để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đổi mới, trước hết lĩnh vực kinh tế, trở thành vấn đề sống còn của dân tộc.

- Đây cũng là thời kỳ tư duy mới từng bước hình thành và phát triển, biểu hiện chủ yếu ở nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV), Nghị quyết Đại hội Đảng V của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 và Nghị quyết Bộ Chính trị (khóa V) về các quan điểm kinh tế.

Hội nghị Trung ương 8 khóa V do đồng chí Trường Chinh chủ trì đã đi tới quyết định: “phải dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu- bao cấp,... chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa”(3) và khẳng định xóa bỏ quan liêu, bao cấp trong giá, lương, tiền là khâu đột phá mang tính quyết định cần phải tiến hành để thực hiện sự chuyển hướng đó. Tuy vậy, do vội vàng với nhiều yếu kém trong nhiều mặt công tác nên tình hình kinh tế - xã hội nước ta cuối năm 1985, đầu năm 1986 lại diễn biến xấu thêm. Trong những cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương từ đầu năm 1986, đồng chí Trường Chinh phê phán mạnh mẽ những quan điểm cho rằng “chúng ta sai lầm chạy theo thị trường” và chỉ ra rằng “xóa bỏ tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa” là hoàn toàn đúng đắn. Nguyên nhân của những khó khăn lúc này là do chủ trương và chỉ đạo điều hành, thực hiện Nghị quyết Trung ương có những sai lầm về tổng điều chỉnh giá, tiền, lương, đổi tiền... Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh giúp cho Đảng ta giữ vững được định hướng đổi mới kinh tế đúng đắn, tránh được sự dao động mà quay lại cơ chế cũ, đồng thời tập trung trí lực của Đảng vào việc tìm tòi, xác định bước đi hợp lý hơn, phương cách giải quyết đúng đắn hơn.

Tư duy mới ra đời có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn. Chính thực tiễn với những khó khăn gay gắt của đất nước buộc Đảng ta phải suy nghĩ, phân tích tình hình, nguyên nhân, tìm tòi các giải pháp; chính thực tiễn đổi mới bộ phận ở các cơ sở, địa phương đã cung cấp tư liệu cho hoạt động tư duy của Đảng trong việc đề ra những chính sách cụ thể có tính chất đổi mới từng phần.

- Quá trình hình thành tư duy mới cũng là quá trình mô hình cũ từng bước bị xóa bỏ.

Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư (tháng 7-1986) vào thời điểm nước ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Lúc này, công việc chuẩn bị toàn diện cho Đại hội VI của Đảng rất khẩn trương. Đồng chí Đỗ Mười có viết: “Dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi xuống các cấp lấy ý kiến. Nhưng đồng chí Trường Chinh với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được nhất trí rất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng. Trên cơ sở đó Báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản”(4).

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhắc lại: “Trong cuộc nói chuyện ở Hà Nội, anh Trường Chinh đã kết luận: Hiện nay nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Anh nhấn mạnh: Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt.

Lúc đầu, ý kiến còn khác nhau. Cuộc đấu tranh trong nội bộ không phải là bình thường. Sau khi xem bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, anh Trường Chinh đã không tán thành và đề nghị dự thảo lại lần thứ hai. Căn cứ theo tình hình lúc bấy giờ, anh nhận định: “Chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo kinh tế, sai lầm về chỉ đạo chiến lược, về tổ chức thực hiện và chính sách cụ thể thôi. Vì vậy phải đổi mới, đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, phải chấp nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phục vụ cho chủ nghĩa xã hội”.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã khẳng định rằng: “Đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được Ban chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư và bắt tay chuẩn bị Đại hội VI. Phải nói rằng, vào thời điểm đó chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống, mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI, Đại hội của đổi mới. Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” - nói chính xác hơn là “chủ biên” - của đổi mới lại là một người vốn được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh... đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở.

Tôi cũng có điều kiện tham gia ở mức nhất định vào quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và đích thân sửa chữa từng câu chữ trong dự thảo văn kiện...

Tôi được biết trong thời gian chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng VI, một số đồng chí lặn lội từ miền Nam ra, tới xin gặp đồng chí Trường Chinh để “năn nỉ” đồng chí tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong ký ức tôi, đồng chí Trường Chinh luôn là một nhà lãnh đạo uyên thâm, đáng kính. Đồng chí là tấm gương lớn về nghị lực, nguyên tắc. Đồng chí chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng đổi mới mà còn đóng góp lớn cho việc giữ gìn kỷ cương của Đảng”(5).

Cũng trong một bài viết “Đồng chí Trường Chinh - nhà thiết kế chiến lược của công cuộc đổi mới”, cố Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã viết: Đồng chí Trường Chinh, một nhà lãnh đạo nguyên tắc và rất chân thực lúc đó đã phát biểu: Trước đây, tôi đã nghe nhiều báo cáo sai lầm, không đúng thực tế. Sau đó, chính đồng chí là người thiết kế dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12-1986. Chúng tôi thật vui mừng và thường nói với nhau là anh đã quay một trăm tám chục độvà đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Nhờ đó mà chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại như ngày nay”(6). Và ông cho rằng: “Nghị quyết đổi mới của Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh dự thảo là chiến lược lâu dài của Đảng ta sau chiến tranh. Nó phải là tài liệu gối đầu giường của mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta phải đọc đi, đọc lại để thấm nhuần và thực hiện cho được những tư tưởng cơ bản ở trong đó”(7).

Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh ngày 5-10-1988 đã đánh giá: “Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”(8)”.

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta có quá trình công tác gần gũi với đồng chí Trường Chinh đã ghi nhận đồng chí là “tác giả”, là “chủ biên” của công cuộc đổi mới đất nước không ngoài ý nghĩa là Đảng phải đưa ra được lời giải đúng cho bài toán cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay để nhanh chóng đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn không hề thay đổi. Nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là bước đi cụ thể, là phương thức thích hợp để phát triển tối đa lực lượng sản xuất, khai thác mọi nguồn lực để chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có như vậy thì chủ nghĩa xã hội mới có thể trở thành hiện thực trong tương lai. Đổi mới để phát triển, để đi lên.

Hơn hai mươi năm đổi mới được mở đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào khẳng định rằng, những thành tựu toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội do công cuộc đổi mới mang lại thực sự to lớn, đã làm biến đổi đời sống của mỗi người và mọi người theo chiều hướng ngày một tốt hơn. Hội nhập nhưng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là hội nhập để phát triển bền vững. Chúng ta cảm phục và biết ơn những người đi trước, trong đó có cố Tổng Bí thư Trường Chinh “chủ biên” công trình đổi mới của Đảng và nhân dân ta./.



(1) Hoàng Tùng, Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp, viết trong Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 151

(2) Phan Diễn, sđd, tr 86

(3) Văn kiện Đảng, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t 46, tr116-117

(4) Sđd, tr 25-26

(5) Sdd, tr 40-41-42

(6) (7) Mai Chí Thọ, Đồng chí Trường Chinh - nhà thiết kế chiến lược của công cuộc đổi mới, sđd, tr 80,81,82

(8) Điếu văn do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, sđd, tr 17, 18