Chuyến công du chiến lược
Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đang có chuyến công du trong vòng 1 tuần (từ ngày 21 đến ngày 27-9) tới 6 quốc gia tại châu Á và châu Âu. Ngoài mục đích kinh tế, chuyến đi còn nhằm tới đích lớn hơn, đó là thắt chặt các mối quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh thế giới đang bắt đầu “được sắp xếp lại trong một trật tự mới”.
Tổng thống Hu-gô Cha-vết thăm 6 nước gồm Cu-ba, Trung Quốc, Nga, Bê-la-rút, Pháp và Bồ Đào Nha. Chuyến công du nước ngoài lần này được Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vết mô tả là mang lại “lợi ích chiến lược lớn”.
Thắt chặt quan hệ đối tác
Với Cu-ba, chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du, Tổng thống Hu-gô Cha-vết bày tỏ tình đoàn kết đặc biệt bằng cam kết giúp đỡ Cu-ba về mọi mặt để khắc phục hậu quả thiên tai do hai cơn bão Gustav và Ike gây ra. Lãnh đạo hai nước cũng thảo luận dự án xây dựng lại đường ống dẫn dầu dài 189 km nối bờ biển phía Nam và phía Bắc của Cu-ba nhằm tăng lượng dầu thô cung cấp cho liên doanh lọc dầu Cu-ba - Vê-nê-xu-ê-la.
Tại Trung Quốc, hai nước đã ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực mậu dịch, tài chính, khoa học - công nghệ, năng lượng, luyện kim, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, viễn thông, giáo dục, thể thao và văn hóa... Theo các văn kiện này, hai bên sẽ hợp tác xây dựng một nhà máy lọc dầu tại mỏ Giu-nin 8 ở dải dầu khí Ô-rin-ô-cô của Vê-nê-xu-ê-la, đóng 4 tầu chở dầu tại Trung Quốc, mỗi chiếc có khả năng chuyên chở 1 triệu thùng dầu. Vê-nê-xu-ê-la-quốc gia đứng thứ 4 về trữ lượng khí đốt và thứ 2 thế giới về trữ lượng dầu mỏ, sẽ tăng cung cấp dầu thô cho Trung Quốc - quốc gia “khát” năng lượng từ 331.000 thùng hiện nay lên 400.000 thùng vào cuối năm 2008, lên 500.000 thùng trong năm tới và 1 triệu thùng vào năm 2012.
Ngoài ra, hai nước đã ký bản ghi nhớ về việc tăng gấp đôi Quỹ đầu tư chiến lược được đưa vào hoạt động trong năm nay, từ 6 tỉ USD lên 12 tỉ USD, đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án phát triển tại Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống Hu-gô Cha-vết khẳng định, kế hoạch mua 24 máy bay huấn luyện và chiến đấu K-8 của Trung Quốc nhằm tăng cường phi đội máy bay của không quân Vê-nê-xu-ê-la vào năm tới.
Tại Nga, chuyến công du thứ 2 trong vòng 2 tháng qua, ông Hu-gô Cha-vết nhận được cam kết của Thủ tướng V.Pu-tin rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ Vê-nê-xu-ê-la phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời cùng mở ra hướng hợp tác kinh tế mới trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, chế tạo máy và hóa dầu.
Thủ tướng V.Pu-tin cũng cam kết Nga sẽ thực hiện các thỏa thuận hợp tác về quân sự với Vê-nê-xu-ê-la, đồng thời sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong lĩnh vực này. Tổng thống Hu-gô Cha-vết khẳng định, hai bên sẽ thành lập tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới với sự tham gia của các công ty hàng đầu của hai nước như Gazprom, Lukoil, TNK-BP và "Petroleos de Venezuela". Tập đoàn sẽ tiến hành khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh dầu lửa không chỉ ở Vê-nê-xu-ê-la mà còn mở rộng sang các nước khác. Nga quyết định cung cấp cho Vê-nê-xu-ê-la khoản tín dụng trị giá 1 tỉ USD nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật - quân sự song phương. Ngoài ra, hai nước cũng ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng liên doanh Nga - Vê-nê-xu-ê-la để đầu tư cho các dự án năng lượng và công nghiệp quy mô lớn.
Sau chuyến thăm Nga, Tổng thống Hu-gô Cha-vết sẽ tiếp tục công du đến Pháp, Bê-la-rút và Bồ Đào Nha. Ông Hu-gô Cha-vết, trước chuyến thăm, cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di những vấn đề quan trọng nhất về châu Âu, thế giới và quan hệ song phương. Tại Bồ Đào Nha, hai bên sẽ ký kết các thoả thuận về nhà ở và công nghệ máy tính. Bồ Đào Nha cũng là đối tác lớn của Vê-nê-xu-ê-la trong các dự án về khí đốt.
Thúc đẩy tiến trình hình thành địa chính trị mới
Không chỉ đơn thuần nhằm củng cố các mối quan hệ giữa Vê-nê-xu-ê-la với các nước nói trên thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế, các hợp đồng về mua bán vũ khí quân sự, chuyến công du của Tổng thống Hu-gô Cha-vết còn được giới phân tích nhìn nhận dưới góc độ khác. Từ mấy năm trở lại đây, quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ trong đó có Vê-nê-xu-ê-la trở nên căng thẳng từ khi các lực lượng cánh tả liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống, tạo ra những chuyển biến về chính trị, dẫn đến việc Mỹ mất dần ảnh hưởng tại khu vực vốn được coi là “sân sau” của mình.
Không chỉ có vậy, các nước này ngày càng vươn xa hơn ra ngoài khu vực, tìm mối liên kết cả về chính trị lẫn quân sự để đối trọng với Mỹ, trong đó phải kể đến việc Vê-nê-xu-ê-la vừa qua đã cho phép 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga lần đầu tiên tiến hành các chuyến bay huấn luyện kể từ khi kết thúc “Chiến tranh lạnh”. Trong khi Tổng thống Hu-gô Cha-vết thăm Nga thì các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga do tuần dương hạm mang tên lửa "Petr Veliki" dẫn đầu đã rời cảng Mu-man-xcơ bắt đầu chuyến đi đến Vê-nê-xu-ê-la để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân nước này vào tháng 11 tới.
Điều này khiến dư luận liên hệ đến mục tiêu chiến lược trong chuyến thăm của Tổng thống Hu-gô Cha-vết, đó là hình thành mối liên kết mới nhằm chống lại ảnh hưởng cũng như tham vọng của Mỹ. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hu-gô Cha-vết, Thủ tướng Nga V.Pu-tin khẳng định mối quan hệ với Mỹ La-tinh sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mát-xcơ-va, bởi khu vực này là "mắt xích" quan trọng trong việc hình thành thế giới đa cực.
Về phần mình, Tổng thống Hu-gô Cha-vết cũng nhấn mạnh việc liên minh chiến lược với Nga là nhằm xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Vê-nê-xu-ê-la ủng hộ những biện pháp quân sự của Nga đối với Gru-di-a nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Nam Ô-xê-ti-a, cũng như phản đối sự can dự của Mỹ trong cuộc xung đột này. Còn với Trung Quốc, trong cuộc hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Hu-gô Cha-vết đều nhấn mạnh tăng cường hợp tác toàn diện trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng thúc đẩy một hệ thống kinh tế mới trên thế giới trong bối cảnh hệ thống tài chính của Mỹ và châu Âu đang suy thoái./.
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 ( khoá X)  (26/09/2008)
Về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2008  (26/09/2008)
GMS thảo luận về vấn đề an ninh lương thực  (26/09/2008)
Nghiên cứu công tác tư tưởng, lý luận tại Trung Quốc  (26/09/2008)
Trung Quốc phóng thành công tầu vũ trụ có người lái Thần Châu -7  (26/09/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên