Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Na Uy

Trương Đức Thuận
Tạp chí Cộng sản
14:52, ngày 26-06-2024

TCCS - Ngày 25-6-2024, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản do PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Na Uy.

Chuyển đổi số giúp kinh tế - xã hội của Na Uy phát triển thịnh vượng hơn

Sáng ngày 25-6-2024, tại buổi làm việc với Cơ quan chuyển đổi số Na Uy, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, từ rất sớm, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số và ngành viễn thông đã tiên phong trong lĩnh vực này với phương châm đi tắt, đón đầu, có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng cả về quy mô, tốc độ, trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trụ cột dựa trên phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng và thể chế số. Tuy nhiên, trình độ, năng lực chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, do đó, việc nghiên cứu, tham khảo cách làm và những kinh nghiệm của các nước đi trước, phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số như Na Uy là việc làm cần thiết, cũng là mục đích chuyến đi của đoàn công tác, với mong muốn nhận được sự chia sẻ của cơ quan phụ trách về chuyển đổi số của Na Uy.

Đoàn công tác của Tạp chí Cộng và Cơ quan chuyển đổi số Na Uy_Ảnh: Nghiêm Thúy

Trao đổi với đoàn công tác, bà Grete Owre, phụ trách chiến lược chuyển đổi số, số hóa lĩnh vực công thuộc Cơ quan chuyển đổi số Na Uy đã giới thiệu tổng quan những nét cơ bản về quá trình chuyển đổi số của Na Uy từ trước tới nay. Bà Grete Owre cho biết, cách đây khoảng 70 năm, Na Uy đã triển khai các dịch vụ đăng ký, định danh qua hệ thống điện tử, nhưng hơn 20 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số bắt đầu phát triển mạnh. Cơ quan chuyển đổi số Na Uy được thành lập vào năm 2008, có nhiệm vụ tham mưu, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho chính phủ; thực thi số hóa trong thực tế và triển khai chính sách số hóa... Hiện nay, 92% số dịch vụ công của Na Uy đã số hóa; 99,1% các gia đình ở Na Uy tiếp cận dịch vụ internet băng thông rộng... Từ năm 2000, Na Uy đã sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả đối với việc quản trị xã hội và quản lý thủ tục hành chính, bên cạnh đó còn chú trọng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện là một trong những nguyên nhân đem đến sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp đối với Chính phủ Na Uy rất cao (khoảng trên 80%).

Từ những kết quả đạt được, bà Grete Owre cho biết những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số của Na Uy là: 1. Cơ quan chuyển đổi số Na Uy đã nỗ lực xây dựng các quy chuẩn dùng chung khi thực hiện chuyển đổi số, để quá trình này thực hiện đồng bộ, thống nhất ngay từ đầu; 2. Cơ quan chuyển đổi số Na Uy không chỉ xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số để người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng một cách dễ dàng, tiện lợi nhất trong thực tế, mà còn hỗ trợ các đơn vị, cơ quan phối hợp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số làm sao đạt hiệu quả cao nhất; 3. Tăng cường lòng tin của công dân đối với việc chuyển đổi số, bởi vì, nếu người dân và doanh nghiệp không có lòng tin về chuyển đổi số thì chắc chẵn sẽ không thành công; 4. Có chế tài để kiên quyết xử lý thông qua xử phạt đối với những cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp không tuân thủ việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số; 5. Trong hệ sinh thái chuyển đổi số của Na Uy, mỗi logo đại diện cho một dịch vụ công tiêu biểu; mỗi dịch vụ được từng cơ quan, đơn vị khác nhau sử dụng nhưng luôn bảo đảm sự đồng bộ; 6. Cơ sở dữ liệu dùng chung được công khai, minh bạch (để bảo đảm tính công khai, minh bạch, năm 2009, Na Uy đã xây dựng đạo luật minh bạch thông tin), khai thác chung, nhưng dữ liệu cá nhân được tôn trọng sự riêng tư và bảo mật cao; mỗi dịch vụ thể hiện rất chi tiết, ví dụ đối với mỗi người dân sẽ lưu giữ đầy đủ các thông tin cá nhân (cha mẹ, hôn nhân, con, cháu, thu nhập…), nhưng được luật quy định rõ là ai có thể được sử dụng và sử dụng với mục đích gì...

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà tặng quà lưu niệm ông Thuan Tande-Pham, Giám đốc điều hành Cơ quan chuyển số Na Uy_Ảnh: Nghiêm Thúy  

Đánh giá về sự tác động của việc chuyển đổi số của Na Uy trong thời gian qua, ông Thuan Tande-Pham, Giám đốc điều hành Cơ quan chuyển số Na Uy cho biết, với nhiệm vụ tham vấn cơ chế, chính sách cho Chính phủ Na Uy, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan chuyển đổi số Na Uy luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp để làm sao khi áp dụng vào thực tiễn sẽ làm cho các hoạt động về thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thực hiện một cách tiện lợi và hiệu quả nhất. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, việc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ đã thúc đẩy sự dân chủ, minh bạch xã hội hơn và giúp kinh tế - xã hội của Na Uy ngày càng phát triển thịnh vượng hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà bày tỏ sự ấn tượng không chỉ về kết quả đạt được, mà thông qua cách thức tham vấn, tổ chức phát triển chuyển đổi số của Cơ quan chuyển số Na Uy thể hiện vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định. PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, ở Việt Nam, hướng tiếp cận phát triển chuyển đổi số có nhiều nét giống Na Uy, nhưng việc xây dựng, kết nối có khía cạnh chưa thật sự đồng bộ. Do đó, những kinh nghiệm Cơ quan chuyển số Na Uy chia sẻ sẽ là rất quý để Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng một cách linh hoạt, góp phần giúp quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam ngày càng hiệu quả.

Chính sách phúc lợi xã hội nhân văn, phổ quát và toàn diện

Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản làm việc tại Đại sứ quán Na Uy_Ảnh: Đức Thuận

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Oslo, Thủ đô Na Uy. Tiếp đoàn công tác, Đại sứ Đinh Nho Hưng giới thiệu những nét cơ bản về mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy. Theo Đại sứ Đinh Nho Hưng, vào năm 1996, Na Uy mở Đại sứ quán tại Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt để mối quan hệ giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là đất nước có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng, lĩnh vực hợp tác mà Na Uy đang có thế mạnh. Đại sứ Đinh Nho Hưng cho biết, năm 2023, cộng đồng người Việt tại Na Uy có khoảng 26.000 người. Na Uy là nơi định cư đông nhất của người Việt ở các nước Bắc Âu. Đời sống của bà con Việt kiều khá ổn định. Để gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong nhiều năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt tập trung vào việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa cho thế hệ trẻ người Việt.

Tiếp đó, cũng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đã nghe và cùng trao đổi với giáo sư Karl Ove Moene - Đại học Oslo - về hệ thống phúc lợi xã hội của Na Uy. Giáo sư Karl Ove Moene cho biết, cách đây 120 năm, Na Uy là nước nghèo nhất Châu Âu, nhưng trong quá trình tìm hướng phát triển đất nước, Na Uy sớm nhận thấy việc phát triển, bảo đảm phúc lợi xã hội là việc phải làm ngay, không đợi đến khi giàu có mới làm. Nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội trở thành một nét văn hóa, một phần cố kết không thể thiếu trong Nhà nước Na Uy. Mô hình phúc lợi xã hội của Na Uy hướng tới phúc lợi phổ quát cho mọi người dân, mọi người đều bình đẳng như nhau, giảm mức chênh lệch thu nhập giữa các giai cấp, thành phần xã hội. Mô hình phúc lợi đó là nhân tố góp phần giúp Na Uy tăng năng suất lao động, kích thích đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước khác.

Giáo sư Karl Ove Moene và Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy_Ảnh: Đức Thuận

Giáo sư Karl Ove Moene cho biết, nhờ chính sách phúc lợi xã hội tốt, nên ít có tranh chấp lao động, chủ doanh nghiệp có nguồn kinh phí để tái đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc hiện đại hơn, năng suất hơn; khi người lao động được bảo vệ lợi ích sẽ là nguồn động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Điều đáng nói, Na Uy là nước có nguồn quỹ phúc lợi rất lớn, tích lũy qua nhiều thập niên và Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong điều tiết, bảo đảm phúc lợi xã hội.

Mặc dù đánh giá cao về mô hình phúc lợi xã hội của Na Uy khá toàn diện và đem lại nhiều kết quả rất tích cực, nhưng giáo sư Karl Ove Moene cũng thừa nhận mô hình phúc lợi của Na Uy vẫn còn những hạn chế, như có biểu hiện cào bằng, tạo sức ỳ, yếu tố thị trường làm tầng lớp giàu có càng giàu thêm, trong khi thu nhập của người lao động nói chung tăng chậm lại... Mô hình phúc lợi xã hội hiện nay ở Na Uy tiếp tục có những sự tranh cãi nhất định trong giới nghiên cứu, trong các đảng phái. Vì vậy, hiện nay, các học giả, nhà quản lý ở Na Uy vẫn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đưa ra những chính sách tốt nhất, hợp lý nhất để tham vấn cho chính phủ.

Với những chia sẻ từ giáo sư Karl Ove Moene, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà bày tỏ sự ấn tượng về mô hình phúc lợi xã hội của Na Uy đã thực hiện tốt trong một thời gian dài, dù khi thịnh vượng hay lúc khó khăn. Giá trị phúc lợi xã hội của Na Uy thể hiện qua năm giá trị nổi bật là: Nhân văn, thực tế, hào phóng, hài hòa và phổ quát. PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, không có mô hình phúc lợi xã hội nào là hình mẫu chung cho tất cả các quốc gia, do đó, trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm giữa các nước, mỗi quốc gia cần căn cứ vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của mình để có thể xây dựng mô hình phúc lợi xã hội phù hợp nhất./.