Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Niu Oóc (Mỹ), dự cuộc thảo luận chung của khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Nhật báo Phố Uôn (Wall) số ra ngày 24-9-2007 phát hành trên ba ấn phẩm tại Mỹ, châu Âu và châu Á phụ trương Việt Nam ngày nay (gồm bốn trang, với số lượng phát hành khoảng 2,3 triệu bản), giới thiệu bức tranh đất nước Việt Nam ổn định, đầy tiềm năng và phát triển năng động. Sau đây là một số nội dung chủ yếu đăng trên phụ trương này.

VAI TRÒ NGÀY CÀNG LỚN TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Gia nhập Liên Hợp quốc ngày 20-9-1977, Việt Nam đang đứng trước một cột mốc quan trọng - trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Có lý do để tin rằng, ở vị trí mới, Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực trong những vấn đề toàn cầu và khu vực. Thành tựu Việt Nam đạt được trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ khiến Liên Hợp quốc và nhiều quốc gia thành viên khâm phục. Chính sách đối ngoại hòa bình, thân thiện và cởi mở giúp Việt Nam có thêm bạn bè và nhiều kênh giải quyết một cách hòa bình các cuộc xung đột và tranh chấp. Vị thế của Việt Nam được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế năng động trong hơn 20 năm từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

...Việt Nam có sự ủng hộ của 50 quốc gia châu Á tại Liên Hợp quốc để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam đăng ký làm thành viên của Hội đồng Bảo an từ năm 1997 và đã trải qua thử thách trong thập kỷ qua bằng việc tích cực tham gia dưới cơ chế Liên Hợp quốc giải quyết các xung đột. Được bầu vào Hội đồng Bảo an sẽ đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới tương xứng với vai trò ngày một tăng của đất nước trên trường thế giới. Đ. Xti-uốt chuyên gia về châu Á tại Ủy ban về Quy tắc ứng xử và các vấn đề quốc tế (Mỹ) nhận định: “ Việt Nam đã đi lên từ một nhân tố không được mấy chú ý để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực”.

... Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao Các nền Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc vành đai Thái Bình Dương, từ châu Mỹ đến Ôt-xtrây-lia. Đầu năm nay, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi hoàn thành công cuộc đàm phán phức tạp trong quá trình gia nhập tổ chức này.

TIỀM NĂNG KINH TẾ

...Việc nuôi trồng và xuất khẩu cá da trơn Việt Nam đã tăng vọt trong những năm qua, chiếm 90% sản lượng nuôi trồng cá da trơn toàn cầu, đang nổi lên thành một trung tâm nuôi trồng thủy, hải sản hàng đầu thế giới. Cà-phê là một thí dụ khác cho thấy vì sao nước này phát triển mạnh, trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu là lĩnh vực phát triển hàng đầu, với tốc độ tăng khoảng 20%/năm. Tính đến thág 8-2007, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng 19,3%, đạt 31,2 tỉ USD, tạo đà đạt giá trị xuất khẩu cả năm từ 48 tỉ đến 50 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam gồm dầu thô, quần áo, giày dép, tôm cá và đồ nội thất. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các sản phẩm hạt tiêu đen, hạt điều và đứng hàng thứ hai thế giới trong xuất khẩu cà-phê, gạo. Việc Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu các mặt hàng đã có chỗ đứng cao trên thương trường toàn cầu là dấu hiệu hiệu chứng tỏ Việt Nam nổi lên thành một thành viên đầy đủ của nền kinh tế thế giới.

... Quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam có nhiều bước tiến triển mới. Sau khi ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2001 và Mỹ trao Quy chế thương mại bình thương vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam vào năm 2006, hai nước đã ký Hiệp ước khung về thương mại và đầu tư (TIFA), tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Hiệp ước khung về thương mại và đầu tư tạo diễn đàn cho việc triển khai Hiệp định thương mại song phương và những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Việt Nam đạt 9,7 tỉ USD trong năm 2006, tăng 23% so với năm trước. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nếu xu hướng hiện nay được tiếp tục duy trì, tổng kim ngạch thương mại hai chiều được dự báo đạt mức 16 tỉ USD vào năm 2010.

ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TĂNG

Tính đến tháng 8-2007, Việt Nam đã thu hút khoảng 8,3 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, mức tăng mỗi năm khoảng 40%. Việt Nam đã đặt mục tiêu thu hút 13 tỉ USD cho cả năm 2007 so với 12 tỉ USD năm 2006.

... Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dầu lớn trong khu vực, cung tiếp tục vượt cầu ngay trong bối cảnh nền kinh tế đang “bùng nổ”. Trên thực tế, trong các năm 2005 và 2006, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam giảm còn 320.000 thùng/ngày.Tuy nhiên, Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho rằng, con số này sẽ lại đạt đỉnh 400 nghìn thùng vào năm 2008... Conoco Phillips là nhà đầu tư năng lượng lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư 625 triệu USD, đang tiến hành thăm dò trên sáu triệu ha tại sáu lô, và đóng góp 16,33% tổng số lợi nhuận của dự án khí đốt Nam Côn Sơn. Trong vài năm qua, tổng diện tích thăm dò, khai thác của công ty tăng đáng kể; công ty cũng tăng cường đầu tư vào sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng khí đốt ở Việt Nam... Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng, sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng Việt Nam là động lực quan trọng cho kinh tế nước này, một mặt tiết kiệm được chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hoạt động thăm dò đang được thúc đẩy, vai trò của ngành công nghiệp năng lương đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.

... FOXCOM (Đài Loan) là công ty chế tạo theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới, xuất khẩu đạt khoảng 45 tỉ USD/năm, hầu hết từ các cơ sở tại Trung Quốc. FOXCOM có kế hoạch đầu tư khoảng 5 tỉ USD vào Việt Nam, bước đệm để xây dựng hình ảnh về quốc gia chế tạo theo hợp đồng lớn tiếp theo tại châu Á. FOXCOM không đơn độc trong cuộc đua nhằm tận dụng sức lao động Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, khi Compal Electronics, nhà chế tạo thiết kế đồ điện tử đóng tại Đài Loan, công bố quyết định xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay, máy tính cá nhân tại Việt Nam, thì Gold Circuit Electronics, công ty chế tạo bản mạch máy in, tuyên bố xem xét “theo chân” công ty này vào Việt Nam. Compal Electronics cho biết, sẽ đầu tư 30 triệu USD trong giai đoạn đầu, sản xuất hàng loạt vào năm 2009... Công ty nghiên cứu thị trường iSuppli cho rằng, Trung Quốc sẽ vẫn là đầu mối chế tạo theo hợp đồng, sản xuất hơn 50% toàn bộ doanh thu sản xuất theo hợp đồng, nhưng doanh thu chế tạo theo hợp đồng tại Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Việt Nam sẽ tăng từ 11 tỉ USD năm 2006 lên 25 tỉ USD/năm vào năm 2011 và Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh nhất.

BƯỚC VÀO “KỶ NGUYÊN VỆ TINH”

Nhiều nước đang phát triển bỏ qua giai đoạn sử dụng hệ thống viễn thông mặt đất tốn kém và khó khăn để tiến thẳng tới hệ thống không dây, sử dụng các trạm vệ tinh hiện đại để phủ sóng toàn quốc. Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập danh sách này. Hệ thống vệ tinh truyền sóng ra-đi-ô, TV và điện thoại trên toàn quốc Việt Nam ký với Công ty Lockheed Martin, cùng với vệ tinh Vinasat-1 đi vào hoạt động từ quý II sang năm, sẽ tăng cường hạ tầng cơ sở viễn thông của Việt Nam, xóa bỏ sự lệ thuộc các hệ thống mặt đất và đưa điện thoại và truyền hình tới 100% số dân Việt Nam ở các khu vực nông thôn. Ngoài ra, hệ thống này cũng là động lực giúp nâng cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế.

... Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) công bố kế hoạch mở rộng hệ thống kết nối sóng ngắn toàn cầu (WiMAX) ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp kết nối băng tần rộng cố định và không dây mà không cần kết nối trực tiếp với trạm phát sóng. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông cũng lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để phát triển Mạng lưới thế hệ mới, bảo đảm sự tiếp cận như nhau của nhiều nhà cung cấp dịch vụ tới các khách hàng.

... Việt Nam hiện đã có ngành công nghiệp thông tin di động phát triển mạnh, với tổng số thuê bao tại Việt Nam lên tới 17 triệu trên 84 triệu dân. Các nhà nghiên cứu thị trường hy vọng sẽ phát triển được 46 triệu thuê bao di động vào năm 2010, tăng 270% so với hiện nay. Hội đồng nghiên cứu chính sách kinh tế đã tính rằng nếu số thuê bao tăng thêm 10% sẽ đóng góp 0,59% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, do đó nếu tính toán trên là đúng, trong vòng 4 năm tới sẽ đóng góp 16% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

...Việt Nam là điểm du lịch hút khách với các thắng cảnh, như di sản thế giới Vịnh Hạ Long, những nét hấp dẫn văn hóa Huế, những bờ biển cát trắng ở Nha Trang. Với bờ biển dài hơn 3.260 km, phần lớn có các vịnh tuyệt đẹp, không ngạc nhiên khi Việt Nam đang trở thành thiên đường đối với các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng (resort) sang trọng nhất thế giới. Tín hiệu mới nhất cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam là các kế hoạch đầu tư mới nhất của một số công ty Trung Đông.