TCCSĐT - Chiều 27-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010 đã tổ chức Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài khoa học ‘‘Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới’’. Đề tài do TS Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản làm chủ nhiệm.

Ở nước ta, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác tư tưởng, lý luận lên hàng đầu, đề ra đường lối, chủ trương cụ thể về công tác tư tưởng, lý luận. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, cùng với các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư các khóa đã có những nghị quyết và chỉ thị kịp thời về công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Công tác tư tưởng, lý luận qua gần 25 năm đổi mới đã góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, gắn kết chặt chẽ hơn với những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đấu tranh chống lại các quan điểm phản động, sai trái, âm mưu «diễn biến hòa bình»; có những cố gắng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong gần 25 năm đổi mới, trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém, nảy sinh những tiêu cực, tệ nạn xã hội... gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến những trạng thái tư tưởng khác nhau trong xã hội, trong đó có những trạng thái không thể xem thường. Những tác động của toàn cầu hóa, của hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới, nhu cầu mới, đòi hỏi mới của người dân. Tất cả những điều đó đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận cần phải đổi mới.

Mục tiêu của đề tài là đề xuất phương hướng, giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến mới, phức tạp và khó lường, nhằm góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước tình hình mới.

Với mục tiêu đặt ra đó, Đề tài tập trung làm rõ vị trí, vai trò và đặc điểm của công tác tư tưởng, lý luận từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay và sự cần thiết đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Đề tài đã đem lại một cách nhìn khá đầy đủ, toàn diện về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, lý luận trong các giai đoạn cách mạng.

Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác tư tưởng, lý luận, cũng như đánh giá thực trạng tư tưởng, nhận thức lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên và thực trạng tư tưởng, nhận thức và ý thức chính trị của các tầng lớp nhân dân ở nước ta trong gần 25 năm đổi mới; những yếu tố quốc tế và trong nước tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đến công tác tư tưởng, Đề tài đã đưa ra dự báo về diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời gian tới; những vấn đề lý luận cần tiếp tục được nghiên cứu, làm sáng tỏ. Từ đó, đề xuất phương hướng và những giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá xuất sắc bởi có những đóng góp quan trọng vào việc đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới; là tài liệu tham khảo bổ ích đối với những người làm công tác tư tưởng, lý luận ở các cấp, các trường đại học, đóng góp thiết thực vào việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 và các văn kiện khác trình Đại hội XI của Đảng về những vấn đề liên quan đến công tác tư tưởng, lý luận./.