Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Lê Doãn Hợp
14:08, ngày 01-10-2007

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, hạnh phúc và tiến bộ là cơ sở, là nguồn lực để xây dựng và phát triển xã hội; xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu, vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng gia đình văn hóa.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: "Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."[1]

Nội dung phong trào xây dựng gia đình văn hóa hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, là điều kiện tốt đẹp nhất để tạo ra những mảnh đất màu mỡ vun trồng tài năng cho đất nước trên cơ sở đoàn kết xây dựng đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa lành mạnh, chống lại cuộc xâm lăng văn hóa độc hại, đẩy lùi các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta hiện nay. Chúng ta tiến hành xây dựng gia đình văn hóa, là xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại trong thời kỳ hội nhập, song vẫn gìn giữ những yếu tố tích cực của gia đình truyền thống, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của phát triển trong thời kỳ mới để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người, mang lại hạnh phúc và bình yên cho mỗi cá nhân.

Trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành và triển khai Quy chế công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Khu phố văn hóa" nay sửa đổi thành Quy chế công nhận"Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT.

Trên cơ sở đó, Sở văn hóa - Thông tin các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng, miền, khu vực, phổ biến đến từng hộ gia đình, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Khu vực đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc xác định công tác xây dựng gia đình văn hóa là trọng tâm trong công tác xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Phát huy, khơi dậy văn hóa làng để xây dựng làng văn hóa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chú trọng tuyên truyền về bản sắc văn hóa dân tộc trong ứng xử để khơi dậy bản chất tốt đẹp trong mỗi con người. Có nhiều dòng họ đã đóng góp nhiều tiền của để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Riêng tỉnh Nam Định, có 165 gia đình hiếu học, 2.109 dòng họ khuyến học với quỹ khuyến học trong 10 năm qua là trên 70 tỉ đồng. Đồng thời những hộ khá giỏi hỗ trợ vốn, truyền nghề, tạo công ăn việc làm giúp hộ nghèo thoát nghèo, nhiều gia đình văn hóa thuộc đối tượng chính sách gia đình thương binh, bệnh binh gương mẫu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình công giáo xây dựng lối sống văn hóa "tốt đời, đẹp đạo". Đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc tích cực vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang ở thôn, bản. Có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dòng họ, cộng đồng, kế thừa, xây dựng các tập quán tốt đẹp trên cơ sở truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc; giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, xây dựng 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chí, vận động bà con dân bản có ý thức bảo vệ các công trình phúc lợi, đường giao thông, bảo vệ rừng, trồng cây xanh nơi công cộng, xóa bỏ tệ tảo hôn, thách cưới bằng bạc trắng (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Yên Bái), tệ trả nợ miệng, cho nên việc tổ chức đám cưới linh đình với mục đích trục lợi đã giảm nhiều.

Khu vực duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên chú trọng xây dựng mô hình gia đình hiện đại, ít con, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc trên cơ sở nền tảng văn hóa gia đình truyền thống, có tinh thần thương yêu giúp đỡ bà con lối xóm, có nếp sống lành mạnh vì cộng đồng, sống có nghĩa tình với làng, bản, khối phố, trọng đạo lý nghĩa tình trong quan hệ họ hàng, dòng tộc và có trách nhiệm với xã hội... Nhiều gia đình trở thành tấm gương sáng trong phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", nhiều gia đình tứ đại đồng đường thuộc các huyện Con Cuông, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh... (Nghệ An) chung sống hòa thuận, hạnh phúc. Tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác xây dựng quy ước, tộc ước, hương ước cộng đồng về thôn, bản, khối phố văn hóa. Nhiều hội đồng gia tộc quan tâm chú trọng, hình thành các nhóm gia đình văn hóa tương thân tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng cùng với các tổ chức xã hội xây dựng nhà tình thương cho người nghèo.

Các tỉnh Tây Nguyên xác định gia đình văn hóa là cầu nối giữa mỗi cá nhân con người với xã hội, là thành tố quan trọng trong cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tỉnh Gia Lai đã vận động bà con các dân tộc tích cực tham gia phong trào. Riêng thành phố Plây Ku có 236 ban vận động gồm 2.832 thành viên, 234 tổ hòa giải với 1.170 thành viên làm tốt vai trò của ban vận động, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", "đi từng ngõ, gõ từng nhà"; mỗi năm phát trên 40.000 bản đăng ký và chấm điểm đến từng hộ gia đình để vận động bà con đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa. Tỉnh Lâm Đồng có nhiều dòng tộc đã quan tâm đến việc biên soạn gia phả, xây dựng nhà thờ họ, thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm giáo dục và khuyến khích con cháu rèn đức luyện tài cùng gia đình tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Tỉnh Đắc Lắc đã vận dụng luật tục Ê Đê, M'Nông vào việc xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa.

Các tỉnh khu vực Nam Bộ chú trọng xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với các phong trào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ổn định. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm. Tỉnh Bình Phước có 87/99 xã, phường, thị trấn thành lập Hội Khuyến học có 189 Chi hội khuyến học với tổng số tiền 541 triệu đồng, tăng cường thực hiện mục tiêu 5 giảm: giảm tội phạm, ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và tai nạn giao thông. Thành phố Đà Nẵng phong trào 3 có "có nhà ở - có việc làm - có nếp sống văn minh đô thị". Tỉnh Đồng Nai chú trọng xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với mô hình "4 giảm, 7có".

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lấy phong trào xây dựng gia đình văn hóa làm cơ sở, nền tảng để xây dựng ấp, khóm, công sở văn hóa, hướng mọi hoạt động nhằm phát huy nhân tố con người, phát triển về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, có năng lực sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất, sống trung thực, thẳng thắn, gắn bó với cộng đồng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Trong những năm qua, phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai trên phạm vi toàn quốc đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam. Trên cơ sở các tiêu chí gia đình văn hóa theo Quy chế của Bộ Văn hóa - Thông tin, các địa phương đã chỉ đạo và tiến hành tốt việc tuyên truyền phổ biến tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, có điều chỉnh nội dung tiêu chí phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Ngành văn hóa - thông tin và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chỉ đạo bình xét công nhận gia đình văn hóa công khai, dân chủ bảo đảm nội dung, tiêu chí đã được quy định nên chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế:

- Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai trong thời gian dài, nhưng việc duy trì tổ chức thực hiện phong trào chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số nơi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí vai trò của gia đình và gia đình văn hóa trong quá trình phát triển xã hội chưa đúng mức và đồng bộ, còn có biểu hiện xem nhẹ công tác này, chưa thật sự quan tâm chỉ đạo hoạt động phong trào, dẫn đến sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia thực hiện phong trào. Còn coi phong trào là của ngành văn hóa.

- Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhiều nơi còn yếu, thiếu tập trung, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến hạt nhân cho phong trào.

- Chất lượng phong trào chưa được chú trọng duy trì, vẫn còn hiện tượng chạy theo bệnh thành tích, số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng của các tiêu chí gia đình văn hóa dẫn đến tình trạng có tỉnh, thành phố phải ban hành quyết định thu hồi danh hiệu làng văn hóa, hạ cấp xếp hạng ấp văn hóa... Việc tổ chức đăng ký, bình xét, khen thưởng chưa thường xuyên, chưa kịp thời hoặc đã làm nhưng còn thiếu nghiêm túc. Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo chưa tạo được động lực đủ sức hấp dẫn phong trào để cuốn hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thựchiện.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế, nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc bình xét ra quyết định công nhận, chưa có mức khen thưởng cho các gia đình văn hóa nên không tạo được động lực thúc đẩy, động viên, cổ vũ phong trào. Công tác biểu dương, khen thưởng, động viên các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa các cấp chưa kịp thời.

- Cán bộ làm công tác hướng dẫn chỉ đạo hoạt động phong trào còn thiếu và yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ văn hóa xã hội ở cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác tham mưu hướng dẫn tổ chức, duy trì hoạt động của phong trào.

Hiện nay, nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Công tác xây dựng gia đình văn hóa đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ mặt trái cơ chế thị trường và sự xâm hại của lối sống thực dụng. Nhiều giá trị đạo đức gia đình truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Nghiêm trọng hơn là cuộc xâm lăng văn hóa với tư tưởng văn hóa độc hại đang làm cho giá trị văn hóa gia đình có nguy cơ bị suy giảm. Tất cả những điều đó đặt ra trong bối cảnh đất nước chưa khắc phục hết hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế mới phục hồi và phát triển, đòi hỏi mỗi gia đình và cá nhân phải có những nỗ lực tự thân cao, đồng thời xã hội cũng cần có những giải pháp phù hợp để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức cũng như hành động đối với công tác xây dựng gia đình văn hóa. Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 21-2-2005, về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mục tiêu của Chiến lược Xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005- 2010 là "Từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc", trong thời gian tới, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, phải lấy tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh làm nền tảng xuyên suốt, vận dụng nội dung "Đời sống mới" mà Bác đã dạy để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Xác định xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung cốt lõi của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa", coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; có cơ chế đầu tư đúng mức để phong trào phát triển đạt hiệu quả cao.

Hai là, chủ động tận dụng, phát huy nội lực, dựa vào truyền thống tốt đẹp của từng gia đình, dòng họ, vào sức mạnh của cả cộng đồng. Nêu cao vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng thôn, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng để vận động nhân dân thực hiện nội dung của phong trào.

Ba là, gắn kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua, chương trình hành động củacác cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào chung, đưa phong trào đi vào chiều sâu, chất lượng, làm cho các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa được các gia đình tự giác thực hiện, trở thành nếp sống hằng ngày của mỗi thành viên, tạo môi trường văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, nền tảng của đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bốn là, công tác đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu được tiến hành thường xuyên, nền nếp hằng năm. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiêu biểu trong phong trào với nội dung và hình thức phù hợp. Khắc phục bệnh thành tích, tệ khen thưởng tràn lan, không có tác dụng cổ vũ, động viên phong trào để học tập, suy tôn và nhân rộng.

Năm là, thể chế hóa, cụ thể hóa hơn nữa các văn bản luật và dưới luật liên quan đến gia đình đã ban hành, hướng tới đề cao nhân tố gia đình văn hóa tiêu biểu; có chế tài đủ hiệu lực và răn đe những hành vi làm băng hoại hiếu thuận, lễ nghĩa trong gia đình; cần phải rõ ràng hơn về định lượng, hướng dẫn thi hành cụ thể, ngăn chặn có hiệu quả và đấu tranh mạnh mẽ với các tiêu cực, hủ tục, tệ nạn đang diễn ra đối với gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa phải kết hợp hài hòa giữa"xây" và "chống", lấy "xây" để "chống" đặc biệt là chống các hủ tục lạc hậu, phòng, chống các tệ nạn xã hội nhất là chống bạo lực trong gia đình.
 
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 103, 104