Cùng vào cuộc...

Ma túy là một hiểm họa của toàn nhân loại, là nguồn gốc của các loại tội phạm và là bạn đồng hành của căn bệnh HIV/AIDS mà hiện thế giới chưa tìm được thuốc chữa trị đặc hiệu. Ma túy còn là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm mất an toàn xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, phá vỡ hạnh phúc gia đình, suy thoái giống nòi, đe dọa sự tồn vong của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã có những hành động cứng rắn, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế đa phương và song phương, nhằm kiểm soát chặt chẽ và loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Tuy vậy, tệ nạn ma túy trên thế giới và trong khu vực vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Ở nước ta, tệ nạn ma túy có ở khắp các tỉnh, thành phố và thường tập trung ở đô thị, đã trở thành mối quan ngại của toàn xã hội. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2007, cả nước có gần 137.600 người nghiện có hồ sơ quản lý, số người nghiện trẻ (dưới 30 tuổi) chiếm 68,3%; tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS từ tiêm chích ma túy chiếm tới 60% số người nhiễm phát hiện được. Tệ nạn buôn bán ma túy vào Việt Nam qua đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường bưu điện ... còn diễn biến phức tạp. Nạn tái trồng cây có chất ma túy vẫn rải rác còn ở một số ít nơi ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Vì thế, phòng chống ma túy là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Nhận thức tầm quan trọng của tệ nạn ma túy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo sát sao, kiên quyết, nhằm ngăn chặn hiểm họa do ma túy gây ra. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 30-11-1996 yêu cầu: “Các cấp ủy đảng phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng ma túy trong nhân dân. Cần có những biện pháp đặc biệt để chặn đứng việc thanh thiếu niên nghiện, hút, hít và tiêm chích ma túy; quản lý nghiêm ngặt việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các chất ma túy và dược phẩm có chứa chất ma túy..., trừng trị kịp thời và nghiêm khắc đối với kẻ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các chất ma túy và dược phẩm có chưa chất ma túy... trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng hoặc cưỡng ép sử dụng ma túy...”. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định: “Ngăn chăn và bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm..., xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh..., bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội”.

Kiên quyết nói không với ma túy và tệ nạn xã hội

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội được thực hiện tương đối đồng bộ, đã trở thành cuộc đấu tranh của toàn dân. Nhận thức về phòng, chống ma túy của lãnh đạo các cấp, nhất là cấp cơ sở, có nhiều chuyển biến. Hệ thống phòng, chống ma túy và lực lượng làm công tác chuyên trách được củng cố; luật pháp và các văn bản pháp quy được bổ sung, sửa đổi phù hợp. Nhiệm vụ phòng, chống ma túy được gắn kết chặt chẽ với công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Điển hình là các địa phương: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Tuyên Quang... phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy đã đi vào chiều sâu và cụ thể.

Chất lượng tuyên truyền giáo dục pháp luật và các biện pháp phòng chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được nâng cao. Hình thức tuyên truyền, cổ động phong phú, có sức thuyết phục. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn đàn thanh niên, hội thảo chuyên đề... những thông tin về ma túy được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên. Nhờ tuyên truyền sâu rộng, nhận thức về vấn đề ma túy và ảnh hưởng của nó với an toàn xã hội đến các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng lên. Qua đó xây dựng được ý thức quyết tâm phòng chống ma túy trong nhân dân, đã xóa bỏ thói quen của một số địa phương trong việc trồng cây có chất ma túy.

Trong 5 tháng đầu năm 2008, lực lượng công an đã điều tra, xử lý hình sự 906 vụ, bắt giữ 1.067 đối tượng; thu-hủy 2.614 g hê-rô-in, 105,35 g cần sa, 3.495 viên ma túy tổng hợp... Đặc biệt ngày 15-2-2008, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17-Bộ Công an) đã khám phá vụ án vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất công-ten-nơ hàng quần áo tại kho ngoại Móng Cái (Quảng Ninh), qua đó, bắt giữ 5 đối tượng mang quốc tịch nước ngoài. Toàn bộ tang vật gồm 400 kiện hàng quần áo chứa 8,8 tấn nhựa cần sa đã bị thu giữ để điều tra, làm rõ. Đây là vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn nhất từ trước đến nay qua đường biển được phát hiện tại Việt Nam.

Công tác vận động xóa bỏ cây thuốc phiện là thành tích nổi bật nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phòng, chống và kiểm soát chất ma túy. Từ năm 1993 đến 2006, cả nước đã xóa bỏ hàng chục nghìn diện tích trồng cây có chất ma túy (từ 12.900 ha xuống còn 37,9 ha). Nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Hòa Bình, Hà Giang..., coi công tác xóa bỏ cây thuốc phiện là một trong những nhiệm vụ tập trung cấp bách.

Trong công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy, các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn năng động trong hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy, với tinh thần dựa vào dân, tranh thủ sự đồng lòng của nhân dân, đã phát hiện, triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy.

Về cai nghiện; giai đoạn 2001-2007, số người được cai nghiện ngày càng nhiều, đã có 258.982 lượt người được cai nghiện, bằng 160% số người nghiện có hồ sơ quản lý.

Nhằm đẩy mạnh việc kiểm soát và phòng chống ma túy, nước ta đã có quan hệ khá chặt chẽ với các tổ chức của Liên hợp quốc, với các nước ASEAN và 6 nước tiểu vùng sông Mê Công, nhất là những nước láng giềng; không ngừng nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật phòng, chống ma túy, góp phần tích cực kiểm soát nguồn ma túy qua biên giới.

Cần quyết liệt thực thi các giải pháp

Một là, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội, trước hết là nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền đặc biệt là các huyện, thị xã biên giới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy. Kiên quyết xử lý trách nhiệm về Đảng và chính quyền đối với lãnh đạo chủ chốt của những xã, phường, thị trấn để xảy ra tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy.

Hai là, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ các lực lượng, các ngành, trước hết là ngành chức năng, theo đó các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy cần tiếp tục thực hiện quy chế phối 4 ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan. Tăng cường hợp tác quốc tế, trong công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội, nhằm quyết liệt thực thi các giải pháp một cách hiệu quả.

Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống ma túy; rà soát lại các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết với các nước về phòng, chống ma túy.

Bốn là, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng phòng, chống ma túy, bảo đảm cho các lực lượng này đủ sức làm đúng vai trò chủ công nòng cốt trên từng địa bàn, lĩnh vực được phân công.

Năm là, bảo đảm kinh phí, phương tiện cho công tác phòng ngừa đấu tranh của lực lượng chuyên trách; trang bị các phương tiện, nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm làm nhiệm vụ ở biên giới, cửa khẩu.../.