An Giang với mô hình "liên kết bốn nhà" trong bao tiêu lúa Nhật cho nông dân
TCCS - Hội Nông dân đứng ra làm đại diện đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa Nhật cho người trồng lúa từng mùa vụ. Ngành nông nghiệp và doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật canh tác và quản lý quy trình sản xuất. Doanh nghiệp thực hiện bao tiêu ngay từ khâu cung ứng giống đến thu hoạch, thu mua, bảo đảm về giá cả... Chương trình bao tiêu lúa Nhật - mô hình "liên kết 4 nhà" đã mang lại hiệu quả cao, lợi ích thiết thực cho nông dân ở tỉnh An Giang.
Lợi nhuận cao
Gia đình chị Kim Loan (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), một trong những hộ trồng lúa Nhật theo chương trình bao tiêu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Agimex - Kitoku từ những năm 1995 - 1996, trong 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, được Hội Nông dân tỉnh An Giang đứng ra chủ trì liên kết, đại diện đàm phán ký hợp đồng, giám sát quá trình bao tiêu hỗ trợ giống - kỹ thuật và tiêu thụ... Chị rất an tâm nên đã đăng ký trồng hết diện tích hơn 3 ha. Riêng vụ đông xuân năm 2010, ruộng lúa Nhật (giống Kosi) của chị đã thu hoạch năng suất đạt 6 tấn/ha - mức năng suất cao nhất mà giống lúa Nhật này đạt được so với mức trung bình từ 4,5 - 5 tấn/ha trước đây. Với giá bao tiêu đã ký đầu vụ là 8.100 đồng/kg, ước tính hợp đồng này đã mang lại cho chị nguồn thu trên 150 triệu đồng. Chị Loan phấn khởi cho biết: "Sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng 110 triệu đồng. Mức lợi nhuận này cao hơn nhiều so với việc trồng các giống lúa dài ngày khác!".
Tương tự, ông Tấn Phước (phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên) cho biết: Trước kia, nghe nói giống lúa này rất khó trồng, nên gia đình e ngại, chỉ ký hợp đồng làm thử gần 1 ha. Vụ vừa rồi, giá các loại lúa ở địa phương rớt thê thảm, có loại bán không được, duy chỉ có ruộng lúa Nhật của ông là được công ty bao tiêu đúng giá và thu mua hết. Vì vậy, vụ đông xuân vừa rồi, ông quyết định đăng ký làm luôn cả 3 ha giống Hana của Nhật, đã cho
thu hoạch với năng suất bình quân đạt gần 7 tấn/ha. Ông Phước tâm sự: "Đối với dân làm lúa, giá lúa ổn định và bán được là quan trọng nhất. Tôi thấy chương trình này rất có lợi cho nông dân!".
Theo ước tính của bà con nông dân ở An Giang, chi phí của việc trồng các giống lúa Nhật (đang phổ biến trong chương trình 4 giống - PV) tương đối thấp, chỉ bằng 70% chi phí trồng các giống lúa khác. Do các giống lúa Nhật có sức đề kháng sâu bệnh tốt hơn, ít ngã đổ, hạt rất đều và chắc, dù năng suất thấp hơn các loại lúa khác, nông dân vẫn đạt lợi nhuận cao hơn do giá lúa (hợp đồng bao tiêu) luôn dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg; vụ đông xuân vừa rồi lên tới 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 40 - 90% so với giá các giống lúa thương phẩm khác. Phó Giám đốc Công ty Agimex - Kitoku, ông Võ Minh Triết, lý giải: "Các loại gạo Nhật xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thị trường Eu, Mỹ, Nhật... rất ưa chuộng. Vì vậy, nông dân tham gia chương trình luôn có lợi vì được công ty cam kết bao tiêu với giá thu mua cao hơn nhiều so với giống lúa khác!".
Triển vọng nhân rộng
Hiện nay, An Giang đang có rất nhiều chương trình hợp tác, bao tiêu lúa và nông sản cho nông dân. Riêng chương trình bao tiêu lúa Nhật đã xuất hiện từ hơn 10 năm qua, với diện tích hằng năm đạt khoảng 600 - 900 ha. Những năm trước đây, Công ty Agimex - Kitoku phải tự ký hợp đồng với từng hộ dân và thường phải đối mặt với những "trục trặc" như phá vỡ hợp đồng, tranh chấp, phiền hà... Cách làm còn manh mún đó mang lại hiệu quả không cao và khó nhân rộng mô hình lợi ích này. Phải đến vụ đông xuân 2008 - 2009, Hội Nông dân tỉnh An Giang đứng ra làm đại diện đàm phán, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, thông qua các cấp Hội ở cơ sở triển khai kế hoạch thực hiện đồng bộ. Do vậy, việc liên kết nói trên mới thực sự đi vào nền nếp và không ngừng phát huy hiệu quả. Tổng diện tích nâng lên gần 2.000 ha, được phân bổ đều cho các huyện có kinh nghiệm về lúa Nhật, như Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú và thành phố Long Xuyên,
Thông qua chương trình bao tiêu này, ngành nông nghiệp (gồm cả những chuyên gia và các nhà khoa học) có điều kiện dễ dàng hướng dẫn, kiểm chứng và hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật canh tác cho nông dân trên diện tích canh tác tập trung, đồng bộ. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng giống chất lượng cao, trực tiếp chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác hợp chuẩn
(ISO 9001:2000; BRC Food) và thường xuyên khảo sát để hỗ trợ nông dân. Tất cả các hộ nông dân tham gia chương trình này đều thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình kỹ thuật canh tác tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Từ sự liên kết chắc chắn như vậy, nên hiện tượng nông dân "bẻ kèo", bán lúa cho thương lái mua giá cao hơn trước đây đã chấm dứt. Thông qua giám sát của Hội Nông dân, các tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng lúa - những yếu tố quyết định đến giá lúa cũng được phía thu mua công khai minh bạch và thực hiện công bằng hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân An Giang tự tin cho biết: "Hội làm đại diện như chiếc cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, điều hòa lợi ích các bên thực hiện hợp đồng bao tiêu. Thông qua chương trình, nông dân trong tỉnh cũng đã nhận thức cao hơn về lợi ích lâu dài của việc ký kết hợp đồng, luôn có ý thức giữ chữ tín trong làm ăn. Phía doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ việc chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng để bảo đảm việc sản xuất kinh doanh".
Theo đánh giá của ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, đây là mô hình liên kết "4 nhà" thành công đúng nghĩa đầu tiên mà tỉnh thực hiện được trong thời gian qua. ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình và giao cho Hội Nông dân An Giang chủ trì soạn thảo và triển khai "Đề án Hợp tác sản xuất lúa Nhật theo mô hình liên kết 4 nhà". Theo đó, nông dân ở 20 xã thuộc 5 huyện Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành và thành phố Long Xuyên tham gia đề án với tổng diện tích hơn 2.000 ha; tổng giá trị lúa hàng hóa bao tiêu ước đạt từ 80 đến 85 tỉ đồng/vụ. Đề án này được đánh giá là khả quan và là cơ sở để thí điểm, rút kinh nghiệm nhân rộng ra các lĩnh vực sản xuất - tiêu thụ nông sản khác ở tỉnh An Giang trong thời gian tới./.
An Giang với mô hình "liên kết bốn nhà" trong bao tiêu lúa Nhật cho nông dân  (21/09/2010)
Việt Nam đạt thành tựu ấn tượng nhất về giảm nghèo  (21/09/2010)
Tiến triển mới trong quan hệ quân sự Nga – Mỹ  (21/09/2010)
Liên hợp quốc bác kháng thư sai về nhân quyền ở Việt Nam  (21/09/2010)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XVII  (21/09/2010)
Việt Nam dự Đại hội đồng WIPO tại Giơ-ne-vơ  (21/09/2010)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay