TCCSĐT - Ngày 25-8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42), Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 (AEC 4) và các Hội nghị có liên quan đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng. Dự các Hội nghị (từ 24 – 28/8) có Bộ trưởng Kinh tế, Trưởng đoàn các nước ASEAN, các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân Tổng thư ký ASEAN Su-rin Pit-su-oan và nhiều quan chức cao cấp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Thưa Ngài Tổng Thư ký ASEAN,

Thưa các vị Bộ trưởng,

Thưa Quý vị đại biểu,

Thưa Quý Bà, Quí Ông

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Bộ trưởng và Quí vị tới dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 và các Hội nghị liên quan được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng tươi đẹp của Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN vừa long trọng kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập ASEAN, vui mừng trước sự trưởng thành và lớn mạnh của Hiệp hội. ASEAN hiện đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với Việt Nam đúng vào dịp chúng tôi kỷ niệm 15 năm gia nhập ASEAN và đang đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Năm 2010 là năm bản lề của tiến trình hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang có những tiến triển quan trọng. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác kinh tế cốt lõi của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao độ về các quy tắc thương mại trong nước và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN. Việc xây dựng AEC đã thể hiện rõ nhất cam kết mạnh mẽ và nhất quán của ASEAN về các mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực từ trước đến nay.

Năm 2010, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy những bước phục hồi vững chắc của các nền kinh tế ASEAN. Thành công này, một mặt là nhờ tác động tích cực của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng nhân tố quyết định vẫn là nỗ lực chủ động vươn lên của mỗi thành viên ASEAN, trong đó có việc thực thi những quyết sách nhanh chóng lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, những thách thức do sự tiềm ẩn các bất ổn vĩ mô, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... vẫn còn ở phía trước. Vì vậy, sự ủng hộ, thông cảm và chia sẻ lẫn nhau của Cộng đồng ASEAN sẽ là nguồn động viên thiết thực cho từng thành viên. Tuyên bố về “Phục hồi và phát triển bền vững” mà các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 vừa qua tại Hà Nội đã khẳng định một cách tiếp cận toàn diện, cân bằng và có tính hệ thống trong việc phối hợp chính sách ở cấp độ quốc gia và khu vực. Theo đó, tôi cho rằng Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 là “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Một Cộng đồng vì sự phát triển năng động và bền vững” là phù hợp và kịp thời, một bước đi thiết thực, cụ thể hóa nội dung Tuyên bố cấp cao vừa qua.

Thưa Quý vị,

Sự trưởng thành của ASEAN trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng về kết quả liên kết kinh tế ASEAN. Chặng đường tiến đến mục tiêu AEC đã vượt qua nhiều cột mốc đáng khích lệ. Khu vực thương mại tự do ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư đang hình thành một cách vững chắc. Một số Chương trình hợp tác trọng điểm như Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, Chương trình thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ đã mang lại triển vọng mới về môi trường kinh doanh thông thoáng, gắn kết của ASEAN. Thêm vào đó, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN mà Hiệp hội đang xây dựng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực liên kết kinh tế ASEAN sâu rộng hơn, thông qua mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, thể chế và giao lưu của người dân trong ASEAN, tạo nền tảng để mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á, trong đó ASEAN là trung tâm. Trên phương diện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, ASEAN chúng ta đang tạo ra những mối liên kết khăng khít thông qua các khu vực thương mại tự do với các đối tác. Năm 2010, ASEAN đã cơ bản khép kín Vòng cung thiết lập các khu vực thương mại tự do với sự tham gia của 16 quốc gia Đông Á mà AEC chính là tâm điểm của mối giao thoa đó. Việc triển khai Thoả thuận Đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai; thành lập Quĩ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN sẽ góp phần ổn định tài chính, phục hồi và duy trì tăng trưởng của khu vực. Những điều này càng có ý nghĩa hơn trong việc xác lập vững chắc vị trí “trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.

Dù ASEAN đã có những thành công quan trọng nhưng bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn những nhân tố bất định khó lường; do đó, ASEAN cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nhất quán, xuất phát từ lợi ích của cả Cộng đồng. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Hội nghị lần này chúng ta nên tập trung xem xét những vấn đề như sau:

Một là, tìm kiếm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để thúc đẩy việc thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả Lộ trình tổng thể thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đây là mục tiêu chiến lược, mối ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn 5 năm tới đây. Sự thành công của AEC sẽ xác lập vị thế mới, vững chắc của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi không chỉ quyết tâm chính trị của các Chính phủ mà còn phải có sự nhận thức đầy đủ của doanh nghiệp và người dân ASEAN, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng trước vận hội mới mà AEC sẽ mang lại cho ASEAN. Chúng ta cần đề cao văn hóa thực thi, tăng cường các cơ chế giám sát việc thực thi có hiệu quả các thỏa thuận.

Hai là, theo đuổi các chính sách phát triển cân bằng và bền vững, nhất là bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu bảo đảm sự ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và ứng phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng bất ổn về kinh tế;

Ba là, củng cố và hoàn thiện khung khổ hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN với các bên đối tác nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tạo cơ sở vật chất cho một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn đang hình thành, trong đó ASEAN giữ được “vai trò trung tâm” dựa trên những thành tựu đạt được, bản sắc và định hướng phát triển riêng vốn có của ASEAN. Đặc biệt cần gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, các Chương trình hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các bên đối tác với xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể về Sáng kiến kết nối ASEAN nhằm tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, nâng cao hiệu quả tối đa các hoạt động hợp tác kinh tế của ASEAN và khu vực;

Bốn là, quan tâm đến những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng miền trong khu vực ASEAN. Dù đã có nhiều nỗ lực trong các năm qua nhưng nguy cơ khoảng cách phát triển ngày càng doãng ra vẫn luôn là mối trở ngại hàng đầu đối với tương lai phát triển của ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế của ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu;

Cuối cùng, việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thành công nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là doanh nghiệp và người dân ASEAN. Cơ chế hợp tác của ASEAN cần tạo cơ hội nhiều hơn để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân hiểu được và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN. Những kết quả mà AEC mang lại phải phản ánh được nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân ASEAN cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho họ.

Thưa Quý vị,

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 và các Hội nghị liên quan là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng kinh tế của ASEAN và các nước đối tác sẽ cùng nhau thảo luận sâu sắc và hiệu quả hơn về các phương hướng và biện pháp thực hiện các mục tiêu hội nhập khu vực. Trên tinh thần cởi mở, sáng tạo, với tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị của mỗi thành viên, Hội nghị chắc chắn góp phần vào thành công chung của ASEAN trong năm 2010 cũng như tiếp thêm động lực cho những năm tiếp theo.

Với những ý nghĩa nêu trên, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 và các Hội nghị liên quan.

Chúc các vị Bộ trưởng và Quí vị sức khỏe, hạnh phúc,

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,

Xin trân trọng cám ơn./