Kon Tum đầu tư xây dựng đời sống văn hóa từ bản, làng, cơ sở theo chiều sâu
TCCS - Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, có 97 xã, phường, thị trấn, 830 khu dân cư, với 21 dân tộc anh em sinh sống, bao gồm 99.588 hộ và 421.243 người, trong đó có 6 dân tộc bản địa là Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Gia Rai và Brâu. Trước năm 2000, kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có bước phát triển, song đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp; nhiều hủ tục lạc hậu... tạo nên những khó khăn, thách thức lớn trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở địa phương.
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 2000, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Kon Tum phát động sâu rộng trong toàn tỉnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” (TDĐKXDĐSVHCS) và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVHCS tỉnh; hình thành các ban Vận động khu dân cư, tổ Thư ký và phòng Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (nay là phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình) làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo,... Đồng thời, ban hành nhiều văn bản như: nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) và các kế hoạch của Ban chỉ đạo về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; các tiêu chí công nhận gia đình, làng bản, cơ quan đơn vị văn hóa theo Quy chế của Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh phối hợp triển khai thực hiện từ thành lập ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH ở từng địa phương, đơn vị đến công tác tuyên truyền vận động, tập huấn đào tạo, đưa các hoạt động văn hóa, cán bộ xuống phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ cơ sở,... từng bước nâng cao nhận thức và chuyển hóa từ nhận thức sang hành động trong cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân, đồng thời huy động các nguồn lực tham gia thực hiện phong trào. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Kon Tum gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở:
Trước hết, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên trách xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng được tăng cường. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong chương trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từ năm 1998 - 2009, tỉnh xây dựng được 517 nhà rông văn hóa, 14 nhà văn hóa xã, 67 điểm bưu điện văn hóa xã, 47 thư viện xã, 16 phòng đọc sách ở các đồn biên phòng; thành lập 378 đội văn nghệ quần chúng, 532 đội cồng chiêng; bố trí đủ cán bộ văn hóa chuyên trách cơ sở cho 97 xã, trong đó có 90% số cán bộ đã được đào tạo trung cấp văn hóa, hàng năm đội ngũ cán bộ này đều được tập huấn về văn hóa cơ sở.
Thứ hai, các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, trong đó nổi bật là các hình thức: tuyên truyền miệng trực tiếp do các trưởng thôn, ban vận động khu dân cư, các tổ chức đoàn thể xã hội nghề nghiệp thực hiện; tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, truyền thanh - truyền hình,... Đặc biệt, hình thức tuyên truyền qua hệ thống thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, thông tin cổ động... là hoạt động hấp dẫn và có hiệu quả nhất. Toàn tỉnh hiện có 1 đội thông tin lưu động tỉnh, 9 đội thông tin lưu động huyện, 3 đội tuyên truyền văn hóa của các đoàn thể và lực lượng vũ trang, 1 đội chiếu bóng lưu động và 1 rạp chiếu bóng cấp tỉnh, 9 đội chiếu bóng lưu động cấp huyện. Hằng năm, tỉnh tổ chức trên 10 đợt tuyên truyền trọng điểm bằng hệ thống pa-nô, khẩu hiệu cổ động, xe loa phóng thanh; hơn 70 buổi hoạt động thông tin lưu động cấp tỉnh, trên 300 buổi hoạt động thông tin lưu động cấp huyện và hơn 120 buổi tuyên truyền văn hóa phục vụ cho khoảng 200.000 lượt người; tổ chức 2 đợt trưng bày triển lãm cấp tỉnh, kẻ vẽ 8.500 m2 pa-nô các loại; phục vụ trên 2.500 buổi chiếu bóng lưu động, bảo đảm mỗi người dân xem phim màn ảnh 3,5 lần/năm.
Thứ ba, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được phát triển sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc phát triển đời sống kinh tế xã hội, ổn định chính trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn trật tự an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần cho nhân dân. Số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2006, toàn tỉnh có 50.051 hộ gia đình văn hóa, 279 làng bản văn hóa, năm 2009 tăng lên 67.447 hộ gia đình văn hóa, 402 làng, tổ dân phố văn hóa; 323 cơ quan đơn vị văn hóa và có 13 điểm sáng văn hóa các xã biên giới.
Thứ tư, phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao ở cơ sở ngày càng được phát triển. Bình quân mỗi năm, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức khoảng 60 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa; các đội thông tin lưu động của các huyện, thành phố xây dựng nhiều chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân tại cơ sở. ở cấp tỉnh, huyện hằng năm đều tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, các giải thể thao; tổ chức liên hoan cồng chiêng, liên hoan trình diễn trang phục, liên hoan ẩm thực các dân tộc... Các cơ quan đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang hằng năm đều tổ chức liên hoan văn nghệ từ 2 - 3 lần. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị đỡ đầu các xã khó khăn cử lực lượng thanh niên xung kích tăng cường giao lưu văn nghệ - thể thao trong các dịp lễ tết.
Thứ năm, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở luôn được chú trọng. Thông qua chương trình mục tiêu “Bảo tồn văn hóa phi vật thể” của Trung ương và của tỉnh cùng với sự phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ của các Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Viện Âm nhạc, Viện Khảo cổ, Kon Tum triển khai khá thành công công tác khảo sát, điều tra, sưu tầm nhiều công trình văn hóa phi vật thể, kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc... Nhiều di sản văn hóa như nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, di tích lịch sử, văn nghệ dân gian, lễ hội... ngày càng được khai thác, phát huy, đã và đang trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương,... Đến nay, tỉnh khôi phục và phục dựng được 20 loại hình lễ hội văn hóa cổ truyền tiêu biểu của 6 dân tộc bản địa; sưu tầm, thống kê và phân loại trên 20 nghìn hiện vật lịch sử, văn hóa và dân tộc; khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, các thể loại dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc theo đặc thù và giá trị truyền thống của các bộ chiêng như của Chiêng Tha (dân tộc Brâu), Chiêng XTeng (dân tộc Xơ đăng Xơ Teng), Chiêng Nỉ (dân tộc Jẻ-Triêng), Chiêng Buar (dân tộc Xơ đăng Sơđrá)... và các thể loại dân ca cổ truyền của các dân tộc như hát KĐọ (dân tộc Jẻ-Triêng), hát Rơ Nghê, Tin Tin (dân tộc Xơ Đăng, Ba Na). Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật thành công di chỉ khảo cổ Lung Leng và di chỉ khảo cổ vùng lòng hồ Thủy điện Plei Krông với hàng chục nghìn hiện vật hết sức giá trị.
Thứ sáu, việc triển khai Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong cưới xin, tang lễ, lễ hội của chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn phát huy. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thông qua quy ước, hương ước của cộng đồng (hiện nay toàn tỉnh đã có 774/823 khu dân cư đã làm tốt công tác xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước) và gắn với bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa đã mang lại những kết quả thiết thực.
Đến nay, 75% số đám cưới, đám tang thực hiện theo đúng quy định của tỉnh. Tình trạng thách cưới cao trong cưới xin, ăn uống linh đình trong tang lễ đồng bào các dân tộc đã được hạn chế. Đặc biệt, các hủ tục lạc hậu ở một số dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, các tệ nạn mê tín dị đoan dần được xóa bỏ.
Việc tổ chức lễ hội hằng năm diễn ra đều được chính quyền địa phương, phòng Văn hóa Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức theo đúng quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hầu hết các lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, không có các hiện tượng mê tín dị đoan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào TDĐKXDĐSVHCS ở Kon Tum vẫn còn nhiều hạn chế:
- Đời sống nhân dân miền núi, vùng cao còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và chênh lệnh giàu nghèo còn cao; môi trường sinh thái nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, đặc biệt hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, TDTT vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn quá thiếu, các hoạt động văn hóa, TDTT còn nghèo, chưa gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân vùng cao, vùng sâu.
- Công tác chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đồng bộ, việc công nhận các danh hiệu văn hóa ở vùng sâu vùng xa còn chưa bảo đảm chất lượng nhất là vệ sinh môi trường.
- Một số ít đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa còn tồn tại tình trạng cưới xin tảo hôn, để người chết ở nhà lâu ngày, ở vùng đô thị vẫn còn tổ chức cưới xin linh đình.
- Việc triển khai công tác thi đua khen thưởng trong các gia đình, làng bản văn hóa theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng gặp khó khăn vì không có quỹ.
Nhằm khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trên, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành chức năng; nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các hoạt động phổ biến và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở phù hợp với tính chất, đặc điểm, bản sắc văn hóa và nhu cầu, thị hiếu văn hóa, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Chú trọng vận động, tập huấn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân trong công tác tuyên truyền ở cơ sở. Tăng cường đưa các hoạt động văn hóa chuyên nghiệp phục vụ cơ sở vùng sâu, vùng xa và cử cán bộ xuống giúp đỡ cơ sở, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, trưởng thôn, chủ nhiệm nhà văn hóa ở cơ sở.
- Tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức tốt các sinh hoạt văn hóa cộng đồng phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Chống mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Tổ chức tốt các điểm bưu điện - văn hóa xã, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng ở nhà văn hóa, nhà rông truyền thống, xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
- Khuyến khích các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương và địa phương, các đội thông tin lưu động hướng về phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là đoàn thanh niên và lực lượng công an, quân đội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở./.
Việt Nam - Ấn Độ: Tình thân thiết không thay đổi qua thời gian  (15/08/2010)
Việt Nam - Ấn Độ: Tình thân thiết không thay đổi qua thời gian  (15/08/2010)
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm việc với ba doanh nghiệp thành viên Vinashin  (15/08/2010)
Hội nghị Quan chức cấp cao Văn hóa - Xã hội ASEAN  (14/08/2010)
IMF thúc đẩy các biện pháp về cải cách quản lý  (14/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay