Phát triển ngành công nghiệp giải trí của Hà Nội
TCCS - Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, với mục tiêu vừa góp phần tăng trưởng GDP, vừa phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Lĩnh vực văn hóa giải trí, bao gồm những hoạt động giải trí dân gian và hiện đại là một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Thủ đô Hà Nội.
Một số hoạt động giải trí hấp dẫn du khách ở Thủ đô Hà Nội
Vài năm trở lại đây, phố đi bộ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách với nhiều hoạt động giải trí dân gian, là “sân chơi” phát triển được những tiềm năng sẵn có về các trò chơi dân gian. Các điểm nhấn văn hóa giải trí được kết hợp hài hòa trên các tuyến phố đi bộ, thu hút khách du lịch vừa đi bộ thư giãn, vừa giải trí với những trò chơi dân gian mang những nét đặc trưng của Hà Nội. Du khách cả trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội rất quan tâm đến loại hình văn hóa dân gian, đặc biệt là các trò chơi dân gian, như nhảy dây, kéo co, cướp cờ, nhảy sạp, bịt mắt bắt dê, múa lân, chơi ô ăn quan, nặn tò he, gấp cào cào lá, rồng rắn lên mây… Những trò chơi này mang đậm tính vùng miền, quốc gia, vừa góp phần gợi nhớ tuổi thơ của du khách trong nước, vừa đưa lại trải nghiệm thú vị, ấn tượng cho du khách quốc tế. Một trong những câu lạc bộ điển hình tập trung vào “giữ lửa văn hóa” qua các trò chơi dân gian Việt Nam là Câu lạc bộ tình nguyện “MyHanoi” (Tôi yêu Hà Nội). Câu lạc bộ có tuổi đời gần 20 năm (ra đời năm 2006) đã hướng giới trẻ đến những hoạt động chuyên sâu về lịch sử, giữ gìn và phát triển những nét đẹp về văn hóa Hà Nội, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, duy trì và chuyển tiếp ngọn lửa văn hóa truyền thống cho mọi người. Từ tháng 4 năm 2016, Câu lạc bộ My Hanoi đã đưa các trò chơi dân gian, như ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, chuyền chắt… ra trước không gian tượng đài Lý Thái Tổ vào buổi chiều các ngày cuối tuần và duy trì hoạt động này thường xuyên. Đó đều là những trò chơi vui nhộn của tuổi thơ mà có lẽ đã từ rất lâu không còn xuất hiện ở thành phố. Tháng 9-2023, nhóm đã đưa những trò chơi dân gian đến phố đi bộ của Hà Nội, vì quy mô của khu phố đi bộ khá lớn, là địa điểm lý tưởng để tổ chức các trò chơi mà rất nhiều người có thể tham gia.
Để góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ đô Hà Nội cần đầu tư phát triển các ngành công nghiệp giải trí (bao gồm các khu vui chơi, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trò chơi có thưởng và casino…). Hà Nội có hai khu vui chơi tổng hợp ngoài trời là Công viên nước Hồ Tây và Thiên đường Bảo Sơn quy mô khá lớn và 23 khu vui chơi, giải trí, như rạp xiếc, trung tâm chiếu phim, trung tâm thương mại Royal City, thủy cung Times City, công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình… nhưng chưa đa dạng các loại hình trò chơi. Bên cạnh đó, có thể kể đến khu vui chơi giáo dục VinKE (tại khu đô thị Times City) là nơi vui chơi kết hợp giáo dục, đây là mô hình vừa chơi vừa học giúp trẻ em được hóa thân và trải nghiệm những nghề nghiệp mơ ước, như bác sĩ, lính cứu hỏa, công an, đầu bếp…, giúp các du khách có nhiều kiến thức bổ ích và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp trong tương lai. Tại khu vui chơi giải trí Timezone Hà Đông, du khách được trải nghiệm các trò chơi Arcade Hà Nội độc đáo, xe điện đụng 4.0, với lối xây dựng độc đáo, đem đến nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Ngoài ra, Timezone còn có nhiều dịch vụ, như tổ chức team building, tổ chức sự kiện, tổ chức sinh nhật,… phục vụ nhu cầu của du khách.
Trò chơi điện tử (game online) là một trong những cấu phần của kinh tế số internet, một phần của ngành công nghiệp giải trí, tương lai sẽ có nhiều đóng góp cho nền kinh tế của Hà Nội. Ngành game có thể giúp cho phát triển trí tuệ và kỹ năng của con người, phát triển kỹ năng tư duy, toán học, ngôn ngữ và giải quyết vấn đề. Hiện nay, tại khu vui chơi giải trí Timezone Hà Đông có hơn 100 loại máy chơi game hiện đại, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, sau khi chơi, du khách có thể đổi số điểm để nhận về các phần quà hấp dẫn như, Iphone, Ipad, laptop, gấu bông, bánh kẹo hay các đồ gia dụng trong nhà bếp. Ngoài ra Hà Nội còn có các địa điểm chơi game nổi tiếng, như Vikings Gaming, KOW Gaming Center, hệ thống KOW có 12 Cyber game (là phòng game hiện đại cao cấp, có quy mô rộng lớn), GameHome, Paradise Gaming Center, Star Gaming Center…
Bên cạnh các loại hình giải trí như trò chơi dân gian, các khu vui chơi giải trí, trò chơi điện tử…, Hà Nội còn một loại hình giải trí nữa đó là hệ thống các rạp chiếu phim, đây là hoạt động giúp thư giãn sau những ngày lao động, học tập căng thẳng. Một trong những rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, với hơn 20 cụm rạp đang hoạt động là hệ thống CGV ngày càng khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, không ngừng thay đổi, bắt kịp xu hướng của thời đại, đáp ứng được thị hiếu của khán giả. Cùng với hệ thống rạp chiếu phim CGV, Hà Nội còn một số rạp chiếu phim nổi bật, như: rạp chiếu phim quốc gia Hà Nội (cơ sở vật chất hiện đại sạch sẽ, thường xuyên có các chương trình khuyến mại, phát vé miễn phí, tri ân khách hàng), hệ thống rạp chiếu phim Lotte Hà Nội (có không gian rộng rãi, thoáng mát, khu mua vé và đợi xem phim được tách riêng biệt, có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt), hệ thống rạp Beta Hà Nội (có cơ sở ở ngoại thành, phục vụ nhu cầu xem phim giải trí cho những người ở xa, giá vé phù hợp cho người có thu nhập thấp), hệ thống rạp Galaxy Hà Nội (không gian rạp mang phong cách hiện đại, sang trọng, có nhiều khuyến mãi tri ân khách hàng), Hệ thống rạp BHD Hà Nội (sở hữu 7 phòng chiếu 2D, 3D đáp ứng được thị hiếu của khách hàng), rạp chiếu phim Tháng Tám (là một trong những rạp phim lâu đời nhất của Hà Nội nhưng không gian xem phim hiện đại, sang trọng pha chút cổ điển nên thu hút được nhiều du khách), rạp phim Kim Đồng (rạp chiếu phim 4D, tiên tiến bậc nhất châu Âu, lần đầu tiên có tại Hà Nội)…
Một số hạn chế của ngành công nghiệp giải trí Hà Nội
Các câu lạc bộ với loại hình văn hóa dân gian được tổ chức theo hình thức tự nguyện, khả năng đầu tư còn thô sơ, chưa có sự kết nối, đầu tư với các công ty du lịch nên hiệu quả chưa cao. Ngành văn hóa giải trí hiện đại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Các khu vui chơi giải trí còn ở quy mô nhỏ, các loại hình vui chơi chưa đa dạng, chưa theo kịp với thời đại. Các trung tâm giải trí chất lượng cao (trò chơi điện tử có thưởng, casino, trường đua…), chưa có cách tiếp cận đa chiều nên vẫn tồn tại quan điểm lạc hậu, chưa coi đây là lĩnh vực đem lại thu nhập cho nền công nghiệp giải trí, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Mặc dù hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội có nhiều ưu điểm, là điểm đến lý tưởng cho khán giả, nhưng nhìn chung các rạp vẫn còn nhiều hạn chế, như rạp chiếu phim nhỏ, ít chỗ ngồi, chất lượng hình ảnh và âm thanh chưa tốt (rạp Beta Hà Nội), số lượng rạp ít, kích cỡ màn chiếu nhỏ, không có định dạng chiếu IMAX (rạp Galaxy), thời lượng quảng cáo trước phim dài, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả, một số rạp có hệ thống điều hòa không ổn định (hệ thống cụm rạp CGV), rạp Lotte màn hình chọn ghế thiết kế chìm khiến khán giả khó nhìn…
Một thực tế nữa là sự mất cân bằng giữa giải trí hiện đại và giải trí truyền thống, tần suất tổ chức, vốn đầu tư, sức hấp dẫn khách tham gia, các chương trình biểu diễn ca nhạc hiện đại đang lấn át so với các hoạt động văn hóa, giải trí truyền thống. Cùng với đó, một số rạp chiếu phim, nhà hát nằm ở các địa điểm thuận lợi nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng về địa thế, như nhà hát cải lương Hà Nội (số 72 Hàng Bạc), nhà hát chèo Hà Nội (số 15 Nguyễn Đình Chiểu)…, do quản lý chưa tốt, chậm thích nghi với nhu cầu giải trí, yêu cầu văn hóa ngày càng cao của người dân. Điều này không những làm mất đi sự phát triển đa dạng văn hóa, giải trí của thủ đô mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của các nghệ sĩ.
Một số giải pháp đặt ra
Hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghiệp giải trí của Hà Nội trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, cần có sự liên kết của các bộ, ban, ngành để quản lý và phát triển. Để tạo dựng và phát triển văn hóa giải trí dân gian, cần được nghiên cứu thị hiếu với các hoạt động mang bản sắc riêng biệt của Hà Nội ngàn năm văn hiến, cần quy hoạch thiết lập và đầu tư hiệu quả. Hoạt động giải trí dân gian của Việt Nam rất đa dạng nhưng phải lựa chọn cho phù hợp với du khách, hấp dẫn du khách, cần tổ chức các lễ hội làm điểm nhấn. Cần phối hợp nghiên cứu thị trường và quy hoạch hợp lý, tránh các chương trình bị đơn điệu, nhàm chán, đưa hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ vào chương trình du lịch, thiết kế chương trình cho du khách tham gia các hoạt động giải trí dân gian đa dạng, mới lạ, tạo sức hút với du khách. Bên cạnh đó, cần tạo nguồn lực từ các nguồn tài trợ, các đơn vị trả phí hợp tác và ngân sách thành phố,… cho việc tổ chức các góc hoạt động giải trí dân gian, ngoài các hoạt động trả phí cần tăng cường các dịch vụ miễn phí, công cộng làm sinh động hơn các chương trình du lịch. Có thể lấy các mô hình như Câu lạc bộ MyHanoi làm điển hình huy động các tổ chức đoàn, đội, hội sinh viên, phát huy vai trò tình nguyện, tạo nhiều nhân lực cho các hoạt động giải trí.
Với sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để phát triển ngành công nghiệp giải trí, không thể bỏ qua phát triển các trò chơi điện tử, trong thời gian tới Hà Nội cần tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn của lĩnh vực này, cần có các chính sách riêng biệt để phát huy được mặt tích cực của trò chơi điện tử. Cần phát triển đa dạng phong phú các loại hình vui chơi, nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển vui chơi có thưởng gắn với du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, quản lý chặt chẽ để hạn chế mặt trái của loại hình này. Chú trọng công tác truyền thông nhằm thay đổi định kiến của xã hội về trò chơi điện tử, kiểm soát tình trạng game lậu, game xuyên biên giới không phép khiến các nhà phát hành game trong nước không cạnh tranh được, gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Hà Nội. Cần có chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất game, có như vậy ngành công nghiệp trò chơi điện tử mới phát triển, đưa ngành công nghiệp giải trí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, giúp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội./.
Một số ngành, nghề tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội  (26/11/2023)
Học và làm theo Bác góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội  (25/11/2023)
Hà Nội: Đổi mới công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng  (25/11/2023)
Hà Nội tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số  (25/11/2023)
Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính  (16/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển