Vành đai 4 – Hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô, thúc đẩy kết nối liên vùng (Kỳ 1)
Kỳ 1: Các tuyến đường vành đai - Điều kiện cần để phát triển bền vững
TCCS - Xây dựng các tuyến đường vành đai là một trong những giải pháp hữu hiệu được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công, nhằm giải quyết mật độ giao thông đông đúc tại các đô thị, thành phố lớn. Bên cạnh đó, còn tạo ra sự kết nối giữa các đô thị, thành phố với các khu vực, vùng lân cận, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Việc xây dựng và sớm đưa vào sử dụng các tuyến đường vành đai tại Thủ đô Hà Nội không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy tạo nên động lực thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.
Đường lối phát triển xuyên suốt
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn về công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại cuộc họp với Bộ Chính trị bàn về kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội ngày 29-8-1958, Người căn dặn: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí.”(1).
Ngày 12-9-1959, tại buổi dự họp với Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội”. Đồng thời, “quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí cho phù hợp...”(2).
Ngày 16-11-1959, dự hội nghị với Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội, một lần nữa Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...)…; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh…”, đồng thời Người cũng lưu ý việc “phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên”(3).
Trung ương cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ đã xây dựng nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác quy hoạch, đồng thời tích cực triển khai mạnh mẽ cùng nhân dân Thủ đô để Hà Nội ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực sự là “thượng đô của kinh sư muôn đời”(4). Mỗi một thời kỳ, sứ mệnh và mục tiêu quy hoạch Thủ đô đều thể hiện rõ tầm nhìn và khát vọng phát triển. Sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính với 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, có thể khẳng định, quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, thành phố vì hòa bình đã thực sự đáp ứng được với sự phát triển của thời đại.
Đi cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội nói chung và hệ thống các tuyến đường vành đai bao quanh Thủ đô ngày càng đồng bộ và hiện đại. Ngày 04-3-2022, trong Báo cáo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06-1-2012, của Bộ Chính trị (khóa XI), về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, Thành ủy Hà Nội nhận định: “Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách của cả Trung ương và Hà Nội trên địa bàn; các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và trục hướng tâm; các tuyến đường vành đai; các tuyến đường kết nối trong nội đô; các cầu lớn vượt sông; các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ… Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân”(5). Cùng với đó, Báo cáo nêu ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Thủ đô tiếp tục phát triển hơn nữa về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường vành đai của Thủ đô, một trong những nhiệm vụ quan trọng là thời gian tới Hà Nội cần phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh và lan tỏa không chỉ với vùng Thủ đô mà còn ra các tỉnh lân cận. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ và các đường vành đai, cần chú trọng, đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô.
Tiếp đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05-5-2022, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một lần nữa khẳng định quan điểm của Trung ương về quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn sắp tới: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”(6). Để làm được điều này, Nghị quyết nêu rõ cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai minh bạch, có tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế có sẵn, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước. Nghị quyết nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030”(7).
Có thể khẳng định, thông qua nhiều chủ trương, nghị quyết, như Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 15-12-2000, của Bộ Chính trị, “về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06-1-2012, của Bộ Chính trị, “về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2011 - 2020”; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05-5-2022, của Bộ Chính trị, “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…; Thủ đô Hà Nội ngay từ rất sớm đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển để Hà Nội xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu “ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực”.
Yếu tố then chốt
Thực hiện hóa đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Thủ đô Hà Nội hiện đã quy hoạch 7 tuyến đường vành đai (5 tuyến vành đai và 2 tuyến phụ trợ) trong đó đã có 3 tuyến vành đai chính và 2 tuyến vành đai hỗ trợ đưa vào hoạt động:
Tuyến đường vành đai 1: Vành đai 1 là một tuyến không khép kín hoàn chỉnh, song cho đến nay vẫn được đánh giá là một hệ thống đường vành đai trong mạng lưới giao thông của Thủ đô. Tuyến đường vành đai 1 bắt đầu từ đê Nguyễn Khoái đến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - đê Yên Phụ. Khu vực phía trong tuyến đường được xác định là khu vực bảo tồn và hạn chế phát triển, được chia thành khu phố cổ và khu phố cũ một cách không chính thức.
Tuyến đường vành đai 2: Được khởi công vào 2005 nhằm giải tỏa những áp lực về giao thông, phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội, giải quyết vấn đề ùn tắc, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Với tổng chiều dài 43,6km và mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, đường vành đai 2 chạy qua 8 quận, huyện, bắt đầu từ dốc Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - đê Nhật Tân và vượt sông Hồng từ vị trí xã Phú Thượng sang xã Vĩnh Ngọc qua Đông Hội, Đông Trù, quốc lộ 5 tiếp tục vượt sông Hồng tại Vĩnh Tuy nối vào dốc Minh Khai thành một vành đai khép kín.
Tuyến đường vành đai 2,5: Là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3, dài khoảng 30km. Toàn tuyến nằm hoàn toàn trong nội đô, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Tuyến đường vành đai 2,5 là sự kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn, bao gồm toàn bộ các tuyến đường, phố: Đường trục khu đô thị Tây Hồ Tây, đường Nguyễn Văn Huyên, Dương Đình Nghệ, Trung Kính, Hoàng Đạo Thúy, Kim Đồng, phố Tân Mai, Đền Lừ. Riêng đoạn từ đường Hoàng Đạo Thúy đến đường Kim Đồng gồm nhiều đường nội thị nhỏ.
Tuyến đường vành đai 3: Bắt đầu từ đường Bắc Thăng Long - Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Sài Đồng - cầu Phù Đổng - Ninh Hiệp - đi trùng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn Ninh Hiệp tới Dục Tú đi tiếp phía Nam đường sắt vành đai để nối trở lại với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài tại khu vực Quang Minh thành tuyến đường khép kín. Hiện nay, tuyến đường vành đai 3 đã được thông tuyến toàn bộ, phục vụ nhu cầu di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, sang phía Đông thành phố và ngược lại.
Tuyến đường vành đai 3,5: Là tuyến đường giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội, đi qua các quận/ huyện: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường vành đai 3,5 được đầu tư quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (40,1km/45,64km), phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân từ phía Bắc xuống phía Nam thành phố, kết nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và ngược lại.
Hà Nội đã có một hệ thống đường vành đai đồ sộ, hiện đại, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đồng hành cùng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới, quá trình đô thị hóa ở Thủ đô cũng diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Điều này cũng đồng thời diễn ra ở các địa phương, khu vực lân cận Hà Nội, tạo nên sự sôi động của các hoạt động kinh tế tại Thủ đô và giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh khu vực vùng Thủ đô. Trong bối cảnh đó, hạ tầng giao thông mặc dù đã có những đổi mới mạnh mẽ, nhưng dường như chưa theo kịp với yêu cầu của sự phát triển. Nhu cầu đi lại, trao đổi văn hóa, kinh tế của người dân, các doanh nghiệp ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu không chỉ thông suốt mà còn cần nhanh chóng, thuận tiện.
Để giải quyết nhu cầu mở rộng, đầu tư mới đồng thời tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường vành đai của Thủ đô lan toả kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của vùng Thủ đô nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung, ngày 16-6-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15, “Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu: “Đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Nghị quyết cũng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc biệt trong quá trình triển khai, thực hiện dự án cụ thể: 1- Về nguồn vốn đầu tư: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng, bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó: thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.470 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng. 2- Tổ chức thực hiện: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư… 3- Trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. 4- Trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép trong giai đoạn triểu khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án…
Việc ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 cho thấy quyết tâm rất lớn của Trung ương và cả hệ thống chính trị trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường vành đai của Thủ đô, qua đó tăng cường khả năng kết nối giữa Thủ đô tới các vùng lân cận và ngược lại, tạo cú huých mạnh mẽ thúc đẩy phát triển về kinh tế, văn hoá và xã hội vùng Thủ đô nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung./.
Xem tiếp kỳ 2: Khát vọng phát triển
----------------
(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 7, tr. 104.
(2) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 275.
(3) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 298-299.
(4) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t. 1, tr. 241.
(5) Xem: Báo cáo “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 06-1-2012, của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”.
(6) Xem: Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05-5-2023, của Bộ Chính trị, về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(7) Xem: Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05-5-2023, của Bộ Chính trị, về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng chính quyền số, thúc đẩy cải cách hành chính Thủ đô Hà Nội - Nhìn từ phương diện ba chủ thể  (16/09/2023)
Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9  (15/09/2023)
Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế  (08/09/2023)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên