TCCSĐT - Trong 2 ngày 7 và 8-5-2011, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu” đã diễn ra ở Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a (Jakarta) với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN.

1. Hội thảo tìm hiểu chính sách kinh tế EU-Việt Nam

Ngày 2-5-2011, Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật lần thứ ba giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam
diễn ra tại Brúc-xen, Bỉ.

Ngày 2-5-2011, Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật lần thứ ba giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam diễn ra tại Brúc-xen, Bỉ (Brussels) đã thu hút nhiều quan chức thương mại đến từ các nước thành viên EU. Nội dung chính tại Hội thảo là quan hệ thương mại EU-Việt Nam trong khuôn khổ chung quan hệ thương mại EU với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU; các chính sách của EU về dịch vụ và đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án hỗ trợ thương mại đa biên EU - Việt Nam III (MUTRAP III bày tỏ hy vọng thông qua Hội thảo lần này, các quan chức thương mại EU sẽ giúp các đồng nghiệp Việt Nam nắm bắt tốt hơn chính sách kinh tế và thương mại của EU, nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường khối này theo cách tốt nhất.

2. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Cái chết của Bin-la-đen là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố

Ngày 2-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã hoan nghênh việc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama Bin Laden), đồng thời đánh giá đây là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

3. Liên hợp quốc kêu gọi đầu tư nước ngoài tập trung tạo việc làm ở các nước nghèo nhất

Ngày 3-5, Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về buôn bán và phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh: bài học từ thập kỷ 2001 - 2010 về các nguồn FDI cho thấy trọng tâm FDI của thập kỷ này tập trung vào khai thác các tài nguyên đã không giúp các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC) thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự chậm phát triển. Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh tăng cường sức mạnh kinh tế và giảm đói nghèo là 2 trọng tâm của Hội nghị LHQ lần thứ 4 về các nước LDC vào ngày 9-5 tới tại I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ (Istanbul). Để đáp ứng 2 mục tiêu này, UNCTAD đề nghị thiết lập Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng các nước LDC và chương trình viện trợ tăng cường năng lực sản xuất để hỗ trợ đào tạo công nghệ, giáo dục và kỹ năng kinh doanh cho các nước LDC.

4. EU giành được quy chế siêu quan sát viên ở Liên hợp quốc

Ngày 3-5, trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ khoá 65, với 180 phiếu thuận trong tổng số 192 nước thành viên LHQ, Liên minh châu Âu (EU) đã giành được quy chế siêu quan sát viên tại LHQ sau hơn một năm vận động tích cực của 27 đại sứ các nước EU tại LHQ và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, bà Ca-thơ-rin A-ston. Quyết định này của LHQ khoá 65 đã nâng cấp đại diện của EU tại Đại hội đồng với vị thế đại diện chung cho EU, được quyền tham dự các kỳ họp, được mời tham gia các cuộc tranh luận chung cấp cao của LHQ và được lưu hành các văn kiện của EU như là văn kiện chung của LHQ.Đại diện của EU cũng được quyền đề xuất các đề nghị và những sửa đổi được 27 nước thành viên EU đồng thuận, được quyền đáp lại các tuyên bố của các nước thành viên LHQ về các vấn đề liên quan đến lập trường của EU tại các phiên họp của LHQ nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc đề cử các ứng cử viên vào các chức vụ ở LHQ. Quy chế siêu quan sát viên của EU mở đường cho các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi, Liên đoàn A-rập, Cộng đồng Ca-ri-bê… vận động để giành được quy chế này.

5. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi

Ngày 3-5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi tại Giô-han-nét-bớc (Johannesburg).Tại diễn đàn, 40 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 100 doanh nghiệp Nam Phi đã trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác đầu tư có hiệu quả trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước. Giới thiệu về cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Nam Phi đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nam Phi sang đầu tư và kinh doanh thành công tại thị trường Việt Nam.

6. Ngân hàng Thế giới cảnh báo biến đổi khí hậu xóa bỏ các thành tựu về giảm đói nghèo 

Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa
ngày càng nghiêm trọng đối với nhân loại.

Ngày 4-5, nhân dịp Hội đồng 8 nước Bắc Cực công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về những biến đổi tại vùng cực này, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những thành tựu của cuộc chiến giảm đói nghèo trên toàn cầu có nguy cơ bị xoá bỏ do tác động biến đổi khí hậu. Tuyên bố của WB nhấn mạnh những phát hiện khoa học mới nhất trong "Chương trình đánh giá và giám sát Bắc Cực" đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ lớn. Mực nước biển được dự báo dâng cao từ 0,9 đến 1,6 mét vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó, sẽ tác động đến hàng trăm triệu cư dân của trái đất ở cả nước giàu và nước nghèo. Người nghèo sẽ bị tác động nặng nề nhất do sống ở những vùng đất thấp và không có nguồn tài chính để thích nghi. Biến đổi khí hậu thông qua các tác động như mực nước biển dâng cao, nhiệt độ trái đất tăng, các hiện tượng thời tiết tiêu cực, chu kỳ thủy văn bị gián đoạn… đang là mối đe dọa ngày càng tăng và nghiêm trọng đối với nhân loại.

7. Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi

Ngày 4-5, tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi tại thành phố Kếp Tao (Cape Town) của Nam Phi, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố một báo cáo về năng lực cạnh tranh của châu Phi năm 2011, trong đó khẳng định bốn nhân tố gồm giáo dục, nữ doanh nhân, du lịch và thương mại là những nhân tố chủ chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của châu Phi. Báo cáo khẳng định các nền kinh tế châu Phi đã được tăng cường mạnh mẽ trong vài năm qua nhưng để các nền kinh tế này tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai thì các chính phủ châu Phi cần khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua các biện pháp tăng cường hội nhập tài chính và thương mại quốc tế, cải thiện hệ thống giáo dục, tăng cường cơ hội kinh doanh cho các nữ doanh nhân và phát triển lĩnh vực du lịch để khai thác mọi tiềm năng của châu Phi.

8. Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU lần thứ nhất tại In-đô-nê-xi-a

Ngày 5-5, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU lần thứ nhất đã khai mạc tại thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a (Jakarta). Hội nghị được đánh giá sẽ mang đến cơ hội thúc đẩy kinh doanh giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) cũng như cơ hội đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách giữa hai khối.

9. ADB: Đã thông qua 17,5 tỉ USD cho các dự án 2010

Ngày 6-5, trong Báo cáo thường niên năm 2010 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỉ USD cho các dự án được triển khai tại khu vực châu Á. Trong đó, 15,5 tỉ USD được sử dụng để hỗ trợ đầu tư, 1,68 tỉ USD dùng cho hỗ trợ chính sách, 327 triệu USD cho hỗ trợ kỹ thuật... Ngoài ra, ADB cũng cung cấp 2,77 tỉ USD cho chương trình tài trợ thương mại.

10. Nga phê chuẩn thay đổi trong hiệp ước với ASEAN  

Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với ASEAN là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng góp phần thúc đẩy
 phát triển quan hệ hợp tác Nga với các nước ASEAN.

Ngày 7-5, Tổng thống Nga D.Mét-vê-đép (D.Medvedev) đã ký phê chuẩn đạo luật mới về những thay đổi trong Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (TAC). Nga coi Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với ASEAN là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác song phương và đa phương về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật giữa Nga với các nước ASEAN trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước tham gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, từ chối sử dụng vũ lực, trao đổi ý kiến và giải quyết hòa bình mọi vấn đề tranh chấp. Những thay đổi trên được các bên thỏa thuận ký và thông qua trên cơ sở tính đến vai trò ngày càng tăng của ASEAN trong các quá trình chính trị và kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

11. Hội nghị cấp cao ASEAN 18 tại In-đô-nê-xi-a 

Trong ngày 7 và 8-5-2011, Hội nghị cấp cao ASEAN
 lần thứ 18 đã diễn ra ở Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a.

Trong 2 ngày 7 và 8-5, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu” đã diễn ra ở Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a (Jakarta) với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận về các vấn đề đối nội và đối ngoại của khối, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dân chủ và vì nhân dân vào năm 2015; củng cố, tăng cường vị thế của ASEAN trên trường quốc tế thông qua việc mở rộng và thúc đẩy quan hệ đối ngoại, nâng cao vai trò quốc tế của ASEAN. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như các cơ chế hợp tác song phương và đa phương cùng quan tâm.

12. Liên hợp quốc kêu gọi cần tăng cường chủ nghĩa đa phương

Ngày 8-5, kết thúc kỳ họp hằng năm của Ủy ban Thông tin, LHQ đã kêu gọi tăng cường chủ nghĩa đa phương và quan hệ đối tác hiệu quả trong các vấn đề quốc tế. LHQ khẳng định các nước thành viên cần vượt qua chủ nghĩa địa phương để nâng cao nhận thức về các vấn đề quốc tế thiết yếu. Đại hội đồng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường phát triển đa ngôn ngữ để loại trừ sự bất bình đẳng giữa việc sử dụng tiếng Anh và năm ngôn ngữ khác của LHQ để làm giàu các website thông tin của LHQ. Cơ quan thông tin của LHQ cần chú trọng hơn nữa đến các lĩnh vực quan tâm đặc biệt của các nước đang phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách về thông tin truyền thông giữa các nước đang phát triển và phát triển, nâng cao nhận thức quốc tế về khả năng mà mạng Internet và các công nghệ thông tin truyền thông khác có thể đem lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế thông qua thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số./.