Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan
TCCS - Trong hai ngày 5-9 và 6-9-2023, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các hội nghị cấp cao liên quan và có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao các nước dự hội nghị.
* Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chào mừng các đại biểu đến Jakarta dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Tổng thống Joko Widodo khẳng định, tất cả các nước thành viên đều chia sẻ niềm tự hào và tình yêu với đại gia đình ASEAN. Đoàn kết ASEAN là giá trị trân quý mà tất cả các thành viên trân trọng và giữ gìn.
Tuy vậy, đoàn kết ASEAN không phải phủ nhận những khác biệt. Tổng thống Indonesia cho rằng, trong một khu vực đa dạng về văn hóa, truyền thống, lịch sử và ngôn ngữ, đoàn kết là sự hài hòa các khác biệt, kể cả về quan điểm. Chính sự tôn trọng đa dạng đã nuôi dưỡng giá trị dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình ASEAN.
Lấy hình ảnh “con thuyền ASEAN” đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới, hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung hòa bình, an ninh và ổn định, Tổng thống Widodo khẳng định, ASEAN nhất trí và kiên định không biến khu vực thành nơi cọ xát quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng. Nơi đại dương rộng lớn không ai có thể đi một mình, ASEAN mong muốn hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng.
Tại phiên khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã trao các giải thưởng của ASEAN cho các cá nhân xuất sắc. Trong đó bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Sáng lập Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN được trao giải thưởng ASEAN PRIZE 2023 do có những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng kinh doanh ASEAN, đặc biệt thúc đẩy sự bình bằng về kinh tế và xã hội của phụ nữ trong ASEAN. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh là người Việt Nam đầu tiên và cá nhân thứ 4 trong ASEAN nhận được giải thưởng này.
** Tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43
Báo cáo tình hình hợp tác ASEAN trong năm qua, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% trong năm 2024. Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỷ USD. Đầu tư đạt mức cao kỷ lục hơn 224 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn rủi ro và chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga chia sẻ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, ASEAN là điểm sáng với triển vọng lạc quan trong tương lai; nhấn mạnh để hiện thực hóa tâm điểm của tăng trưởng, ASEAN cần đẩy mạnh cải cách chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, dỡ bỏ các rào cản thương mại, đầu tư, chú trọng đầu tư vào sự phát triển con người thông qua giáo dục, y tế, phát triển đồng đều và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trước sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị, ý chí, đoàn kết, hợp tác và tin cậy tiếp tục là những giá trị bền vững của chủ nghĩa đa phương, để vượt qua mọi lực cản của phân mảnh và chia rẽ.
Lãnh đạo các nước bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ đề hợp tác của năm nay “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” cho thấy một ASEAN chủ động, kiên cường và bản lĩnh. Vượt qua những khó khăn, thách thức, đà xây dựng Cộng đồng ASEAN được giữ vững, tiếp tục ghi những dấu ấn hợp tác mới ở cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, tạo cơ sở và động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn của ASEAN trong tương lai.
Các xu thế của thời đại đặt ra cho ASEAN yêu cầu đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong hành động và đột phá trong ý tưởng để có thể tận dụng tối ưu các động lực tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế biển xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, các lãnh đạo đã thảo luận và ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với những định hướng xuyên suốt, nhằm xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, xác lập khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN trong 20 năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ nhận định chung về một năm 2023 nhiều biến động. Kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ASEAN tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) và là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động và thách thức từ bên ngoài. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, nâng cấp cũng như đàm phán mới các FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo những xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực đầu tiên và trước hết là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN. Muốn vậy, các nước thành viên ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường; và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động. Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn.
ASEAN hoan nghênh các đối tác tham gia hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN và cùng ASEAN ứng phó thách thức chung. Trước thực trạng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết để các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, đối thoại và hợp tác thiện chí, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc do các cơ chế của ASEAN đề ra.
Hướng đến một ASEAN phát triển đồng đều và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định tinh thần cốt lõi của ASEAN lấy “người dân là trung tâm, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng” để tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng. Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến của nước Chủ tịch Indonesia thúc đẩy kinh tế số, kinh tế biển xanh, an ninh lương thực, xây dựng hệ sinh thái xe điện và tự cường bền vững, coi đây là những bước đi chủ động, sáng tạo của ASEAN nhằm phục vụ lợi ích thiết thực của người dân.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.
Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo thông qua nhiều văn kiện quan trọng, như Tuyên bố phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, phát triển gia đình và bình đẳng giới, tăng cường an ninh lương thực, chăm sóc và giáo dục mầm non, khuôn khổ về hệ thống điều phối khẩn cấp y tế công cộng ASEAN… Những văn kiện này góp phần củng cố các nỗ lực xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
*** Tại Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF), đại diện các nước ASEAN và đối tác, từ cả khu vực công và tư, AIPF thảo luận và xây dựng các định hướng hợp tác chiến lược cho tương lai, tập trung vào 3 chủ đề chính: (i) Kết cấu hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng tự cường, (ii) chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo, (iii) tài chính bền vững đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ diễn đàn có buổi triển lãm về các dự án cụ thể do các nước ASEAN đề cử, nhằm đóng góp vào sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của khu vực.
**** Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với Mỹ và với Canada, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Các đối tác khẳng định ủng hộ vai trò, nỗ lực và lập trường của ASEAN, cam kết phối hợp chặt chẽ thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trước các thách thức ở khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác ủng hộ tăng cường đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau.
***** Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN tái khẳng định lập trường chung về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có những nội dung như tình hình Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên. Các nước đối tác ghi nhận và đánh giá tích cực lập trường của ASEAN, cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề đang nảy sinh. Trước những biến chuyển ngày càng phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN và các đối tác cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó có Biển Đông.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng có các cuộc tiếp xúc với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới để thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các đối tác vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43  (05/09/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, thành phố Hà Nội  (30/08/2023)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long  (29/08/2023)
Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam  (28/08/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển