Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số
TCCS - Ngày 25-5-2022, tại nhà Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt đại biểu Quốc hội khoá XV là người dân tộc thiểu số. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài… tham dự cuộc gặp gỡ.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán xác định đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước ta, một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, cùng kề vai sát cánh trong quá trình dựng nước và giữ nước qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và luôn nhất quán việc xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, địa bàn sản xuất khó khăn, xa trung tâm, có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải gánh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn nên hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn là nơi chậm phát triển hơn, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số thấp so với mặt bằng chung của cả nước, có nguy cơ chênh lệch ngày càng rõ nét.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, trên tinh thần các nghị quyết của Trung ương, ngày 18-11-2019, Quốc hội đã ban hành nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chỉ rõ định hướng: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số”. Việc ban hành nghị quyết này có những mục tiêu cụ thể, mang kỳ vọng và quyết tâm chính trị rất cao.
Cùng với đó là phát triển toàn diện về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nhằm mục tiêu là cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Để đạt được các mục tiêu và đòi hỏi cấp bách trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số khóa XV cần quan tâm, góp phần cùng với Quốc hội tập trung giám sát để cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nói chung và mục tiêu của chương trình này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu là người dân tộc thiểu số nói riêng, dù là chuyên trách hay kiêm nhiệm cần chủ động, tích cực và khẩn trương hơn nữa trong việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch giám sát, để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục phát huy tốt tinh thần tự lực vươn lên, tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các địa phương, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các doanh nghiệp với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến công tác tập trung tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tăng cường đầu tư, ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; đặc biệt, quan tâm chính sách phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái, với bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng nông thôn mới; tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đại diện cho 89 đại biểu Quốc hội khoá XV là người dân tộc thiểu số, các đại biểu: Thạch Phước Bình (dân tộc Khmer, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh), Hoàng Thị Đôi (dân tộc Lào, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La), Nàng Xô Vi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - đại biểu Quốc hội đầu tiên của người Brâu) đã có những chia sẻ về những kết quả phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế..., trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc thời gian qua, cũng như việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay...
Tiếp thu các ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu khẳng định sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri, đặc biệt là cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ vai trò cầu nối, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân để có kiến nghị đề xuất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số với các cơ quan có thẩm quyền, quan tâm, xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở. Đồng thời, quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các nơi xung yếu, biên giới và hải đảo..., góp phần cùng các đại biểu Quốc hội khoá XV tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự gặp mặt và triển khai hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV  (25/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam  (19/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou  (18/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (18/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (17/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng  (14/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển