Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự gặp mặt và triển khai hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV
TCCS - Ngày 24-5-2022, tại nhà Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam chủ trì phối hợp Ủy ban Xã hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức cuộc “Gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV và triển khai hoạt động”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Cùng dự có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài...
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong suốt chặng đường 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, các thế hệ nữ đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình, đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước và những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của Quốc hội.
Lần đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đánh dấu sự nỗ lực và phát triển không ngừng của đại diện nữ giới trong Quốc hội. Trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã trở thành diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động đại biểu, hỗ trợ cho các đại biểu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò đại diện của mình, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trong bối cảnh bộn bề công việc của Quốc hội, công việc chuyên môn và trách nhiệm với gia đình, trong điều kiện hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội chỉ là kiêm nhiệm và không có bộ máy giúp việc chuyên trách nhưng các nữ đại biểu bằng tinh thần trách nhiệm đã chung tay góp sức để hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, mang lại lợi ích, hiệu quả không chỉ cho riêng các nữ đại biểu Quốc hội, mà còn là những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng cho Quốc hội và thể chế dân chủ của nước ta.
Kết quả hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa chính là cơ sở quan trọng để ngày 19-10-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 405/NQ-UBTVQH15 thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV.
Quốc hội khóa XV, với 151 đại biểu nữ, chiếm hơn 30%, đang đứng trước những yêu cầu đổi mới tích cực hơn để xứng đáng với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của cử tri, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Điều đó đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa năng lực bản thân để đóng góp vào trí tuệ tập thể và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động hướng vào các hoạt động cụ thể để hỗ trợ các nữ đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội cần xây dựng chương trình hoạt động từng năm phải thiết thực, gắn bó mật thiết với chương trình, nội dung của các kỳ họp Quốc hội; hoạt động của Nhóm đa dạng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên trong Ban thường trực; huy động tối đa sự tham gia của các thành viên Nhóm.
Nhóm cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thể hiện tiếng nói của phụ nữ, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, của những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nhóm tham gia nâng cao kỹ năng hoạt động cho nữ đại biểu dân cử; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực; tiếp tục đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về phương thức hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội mong rằng, với niềm tin tưởng và sự gửi gắm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp hơn ba phần tư thế kỷ của Quốc hội Việt Nam và ba nhiệm kỳ rất thành công của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, không ngừng rèn luyện kỹ năng, kiến thức để đóng góp chung vào những nỗ lực không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, làm tròn trách nhiệm người đại biểu của dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Cảm ơn tình cảm và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thúy Anh khẳng định, các hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội sẽ luôn gắn bó chặt chẽ với chương trình, nội dung các kỳ họp Quốc hội; quan tâm vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng; tăng cường kỹ năng hoạt động của nữ đại biểu dân cử, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phối hợp trong nước và ngoài nước./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV  (23/05/2022)
Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV  (23/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam  (19/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou  (18/05/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên