Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
TCCS - Ngày 14-3-2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Đồng chí Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, chủ trì hội thảo; đồng chí Trung tướng, PGS, TS. Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân tham gia điều hành hội thảo.
Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên...; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài lực lượng công an...
Tại 63 điểm cầu của công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương, một số sở, ngành có liên quan và lãnh đạo công an các cấp.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, dự án luật có vai trò, vị trí rất quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII; cụ thể hóa các Điều 46, 64, 68 Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Đồng chí cũng chỉ rõ, thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự cho thấy, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở… Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài để bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được khoảng 60 tham luận gửi đến từ các ban, bộ, ngành có liên quan, công an các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn ở trong và ngoài lực lượng công an. Các tham luận gửi đến hội thảo đều là những báo cáo khoa học có chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, đề cập toàn diện các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề: Sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dự án luật này đối với đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng; xây dựng các luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của dự thảo luật để bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động tốt hơn; từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm và những vấn đề trọng tâm cần quan tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện dự án luật trong thời gian tới.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cơ bản đồng tình và đưa ra những luận cứ về sự cần thiết của việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cũng như vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo GS, TS. Hoàng Chí Bảo, việc ban hành luật này không chỉ cần thiết, mà còn có ý nghĩa cấp thiết và cấp bách. PGS, TS. Nguyễn Thanh Hải khẳng định sự cần thiết của việc ban hành luật và nhấn mạnh, sự ra đời của luật có vai trò quan trọng đối với việc triển khai công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, góp phần vào sự ổn định và phát triển của các địa phương. PGS, TS. Đoàn Minh Huấn đưa ra một cách tiếp cận mới khi đặt vấn đề xây dựng luật trong bối cảnh khu vực nông thôn và khu vực đô thị ở nước ta đang có những biến đổi mạnh mẽ. Phân tích sâu sắc về sự biến đổi ở các khu vực nông thôn và thành thị cùng những tác động, ảnh hưởng của sự biến đổi này đến các vấn đề an ninh, trật tự nói chung, việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở nói riêng, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn chỉ rõ sự cần thiết phải đánh giá, nhìn nhận vấn đề xây dựng luật bằng tư duy mới và phải có tầm nhìn xa…
Kết luận hội thảo, Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu tại hội thảo.
* Buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận về: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng khẳng định, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng quốc gia, phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực giao thông đường bộ là rất cần thiết, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra… Đồng thời, góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông đường bộ văn minh, tiên tiến, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Hơn 30 bài tham luận được gửi đến cùng những ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, luận giải, làm rõ những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giao thông “động” trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Thứ ba, phân tích, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về xây dựng, ban hành luật./.
Nhận thức về an ninh phi truyền thống theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam  (05/02/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển xã hội của đất nước  (12/12/2021)
Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng  (09/12/2021)
Bộ Công an: Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy  (02/12/2021)
Công an chính quy về xã: Thành công từ chủ trương đúng, hợp lòng dân  (15/11/2021)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên