Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Bộ Công Thương và Tập đoàn Dệt may Việt Nam
TCCS - Ngày 8-2-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; đại diện các bộ, ngành hữu quan…
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, sau khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo nhanh về kết quả công tác năm 2021 của bộ, phát biểu của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành Công Thương trong năm 2021 vừa qua, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong năm 2021, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 6,37%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước trong năm 2021 đạt 670 tỷ USD, tăng 23% so với 2020, đưa Việt Nam vào TOP 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đạt được kết quả như vậy, một phần nhờ trụ đỡ của nông nghiệp và vai trò đầu tàu, động lực của công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, những ngành như phân bón, hóa chất, điện lực, dầu khí hoạt động liên tục, hiệu quả. Những tín hiệu khả quan của nền kinh tế đầu xuân này hứa hẹn sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - đây là đóng góp lớn của ngành công thương.
Năm 2022 là năm thứ hai, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành công thương cần tập trung sớm triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, các đề án để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa sản xuất năng suất, chất lượng, trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Trong Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra gói kích thích kinh tế rất lớn, kèm theo nhiều chính sách đặc thù và vượt trội để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Ngành công thương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khung khổ chính sách đã có, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngành công thương cần sớm triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, trọng tâm trong mọi quyết sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào một tâm thế mới; tiếp tục thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII; tăng cường hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc trực tiếp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và trực tuyến với đại diện lãnh đạo, người lao động tiêu biểu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn từ gần 70 điểm cầu tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước, sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinatex Lê Tiến Trường; đại diện lãnh đạo doanh nghiệp của Vinatex tại Nam Định (Tổng công ty may Nam Định), Đà Nẵng (Hòa Thọ), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Tiến) báo cáo về những nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2021 vừa qua, những bài học rút ra và định hướng khôi phục sản xuất, quyết tâm tái cấu trúc toàn diện, lựa chọn những công nghệ hiện đại giải quyết được vấn đề môi trường, tăng năng suất lao động để giải quyết bài toán cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng mới; nêu những kiến nghị, đề xuất về mặt quản lý nhà nước góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển sản xuất…, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các đồng chí lãnh đạo, hơn 150.000 cán bộ, người lao động của Tập đoàn lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động nặng nề, sâu rộng của đại dịch COVID-19, mà dệt may là một trong những lĩnh vực chịu tác động tiêu cực và nặng nề nhất… Nhấn mạnh “lửa thử vàng gian nan thử sức”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá ngành dệt may Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn đạt 40,4 tỷ USD, vượt qua mức cao nhất trước đại dịch (năm 2019 đạt 39,1 tỷ USD). Điều đặc biệt quan trọng là Tập đoàn vẫn duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu, không để bị đứt gãy, vẫn được bên mua hàng đánh giá là điểm đến mua hàng tốt nhất năm 2021 trong số 27 quốc gia, vùng lãnh thổ cung ứng dệt may hàng đầu.
Trong thành tích chung của ngành dệt may Việt Nam, năm 2021, Tập đoàn vẫn phát huy được vai trò đầu tàu và hạt nhân, mặc dù điều kiện khó khăn nhưng đã đạt kết quả tốt nhất trong vòng 25 năm qua; tăng trưởng gấp 2,5 lần so với năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận hợp nhất Vinatex đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, lên tới 1.440 tỷ đồng, có bước nhảy vọt rất cao. Điều này cho thấy Tập đoàn có thể hướng tới mốc 2.000 tỷ đồng là có cơ sở.
Trong điều kiện bộn bề khó khăn, thử thách, Tập đoàn không chỉ duy trì bảo đảm việc làm cho hơn 150.000 lao động với thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng, mà còn tận dụng cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số thành công bước đầu; mở rộng, tăng cường năng lực sản xuất mới. Tập đoàn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp tết Nhâm Dần 2022, kể cả công nhân ở lại hay về quê, theo phương châm “Tết sum vầy, xuân bình an”; tiền thưởng tết duy trì ở mức gần 14 triệu đồng/người lao động (khoảng 1,5 tháng lương). Sự vượt khó đi lên, tiếp tục gặt hái được những thành công trong điều kiện thử thách khắc nghiệt do đại dịch COVID-19 của Tập đoàn Vinatex là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tập đoàn Vinatex trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nhận định tình hình dịch còn có thể diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, rủi ro, bất ổn tài chính, nợ công, lạm phát còn tiềm ẩn, sự phục hồi kinh tế trong nước chưa được như kỳ vọng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều đó không chỉ tác động đến năm 2022 mà còn ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 5 năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ảnh hưởng đến cả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, sinh kế và đời sống nhân dân, nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 vẫn còn rất khó khăn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cố gắng vượt bậc hơn nữa, thực chất hơn nữa. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý từ thực tiễn đặt ra trong hai năm qua, nhất là năm 2021, nắm bắt các cơ hội, các xu hướng trong thay đổi chuỗi cung ứng trên tầm quốc gia và mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Những thử thách, khó khăn còn nhiều và “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do tác động của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu sẽ thay đổi theo hướng nào, Tập đoàn cần có những dự liệu, tìm cách thích ứng. Cùng với đó, Tập đoàn cần hết sức chú trọng tới thị trường nội địa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng như ngành dệt may nói chung tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính; đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiên phong trong đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới, xây dựng mô hình kinh doanh sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Nhấn mạnh thị trường trong nước với khoảng 100 triệu dân, độ mở của nền kinh tế lớn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài thị trường xuất khẩu, Tập đoàn cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến thị trường nội địa đang có nhu cầu rất lớn và ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận sản phẩm dệt may Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Cùng với việc nhanh nhạy trong vấn đề thị trường, không đơn thuần thực hiện gia công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn chú trọng xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế, từng bước vươn tầm lên thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam.
Tập đoàn sớm khôi phục lại các thiếu hụt về lao động và tổ chức cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại lao động để bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao nhất các đơn hàng ngay từ đầu năm; tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững.
Liên quan các kiến nghị của Tập đoàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan kịp thời và quyết liệt triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, giúp cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp dệt may, Tập đoàn Vinatex nói riêng sớm khôi phục lại sản xuất, tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nhiều lao động (thiết chế nhà ở, y tế, văn hóa…). Tập đoàn phối hợp với các địa phương có cơ sở sản xuất để làm tốt việc này, nhất là nhà ở xã hội với các hình thức hỗ trợ để công nhân “an cư mới lạc nghiệp”… Nhân dịp xuân mới Nhâm Dần 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục dệt nên những ước mơ, khát vọng, hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, vào tương lai, góp phần vào sự phát triển của đất nước./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (tỉnh Nghệ An)  (30/01/2022)
Bế mạc Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (19/01/2022)
Khai mạc Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (18/01/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên