TCCS - Sau hai ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, ngày 19-1-2022, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 7. Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan trong việc chủ động chuẩn bị các công việc _ Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12-2021 của Quốc hội; cho ý kiến về tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội.

Riêng nội dung liên quan đến trang phục của hội thẩm nhân dân theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm để bảo đảm tính thuyết phục, tăng cường tính trang nghiêm trong hoạt động xét xử, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, phù hợp với tính chất của hội thẩm nhân dân, phân biệt với thẩm phán.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm hoàn thiện kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là nội dung ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với danh mục các dự án phân bổ vốn ODA, vốn đầu tư công trung hạn bảo đảm kỹ lưỡng. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có kết luận một cách cụ thể hơn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp _ Ảnh: quochoi.vn

Nhấn mạnh Phiên họp thứ 7 lần này là phiên họp đầu năm 2022, đồng thời cũng là thời điểm chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thống kê, đánh giá kỹ hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 để có định hướng về công tác của năm 2022.

Trong năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã có 7 phiên họp thường kỳ và nhiều phiên họp bổ sung, bất thường. Chủ tịch Quốc hội cho biết chỉ riêng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 6 nghị quyết cụ thể với rất nhiều cuộc họp, phiên họp diễn ra. Do đó, cần có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa cho năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ nay đến tết Nhâm Dần còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc chuẩn bị cho Phiên họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đối với nội dung xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có việc trình Quốc hội xem xét để thông qua các dự án luật đã thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến lần đầu đối với các dự án luật trình lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp lịch tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm chủ động trong công tác chuẩn bị. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần phải chuẩn bị sớm từ bây giờ để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị cho chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 5-2022 tới.

Liên quan đến hoạt động của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết dự kiến trong quý I-2022, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên giải trình về công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu rất chậm, vốn đầu tư công trung hạn hiện còn 500.000 tỷ chưa có địa chỉ phân bổ. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho đầu tư trong gói Chính sách tài khóa tiền tệ nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vừa được Quốc hội thông qua cũng rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý thực trạng này, nghiên cứu để tổ chức phiên giải trình, làm việc với các địa phương, bộ, ngành để nắm tình hình kỹ lưỡng, tăng cường giám sát. Điều này cũng nhằm giúp cho Chính phủ đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư công.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban Công tác đại biểu trong việc sớm có dự kiến chương trình tổ chức các hội nghị cấp vùng của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng kết công tác năm 2021, triển khai công tác năm 2022 với tinh thần đổi mới, chuyển biến mạnh./.

Thùy Linh (tổng hợp)