Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022
TCCS - Ngày 21-12-2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến ở 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự tại điểm cầu chính ở Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các ủy ban của Quốc hội. Bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu ở địa phương.
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các thứ trưởng Bộ Tư pháp; thủ trưởng các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Tư pháp; giám đốc sở tư pháp, cục trưởng cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, Bộ Tư pháp và toàn ngành tư pháp nói chung đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, bộ, ngành tư pháp tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; nhận diện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật để đề xuất giải pháp, xử lý những phát sinh trước tác động của đại dịch COVID-19; trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô, như công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý…
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kịp thời, nhận diện rõ những tồn tại và nguyên nhân, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” của Chính phủ, toàn ngành tư pháp đã nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, ngành tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia tích cực, hiệu quả trong việc chuẩn bị định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế có nhiều đóng góp vào hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Bộ Tư pháp đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành...
Tại hội nghị, các đại biểu ngành tư pháp, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã góp ý nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, tổ chức rất thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kiện toàn các chức danh trong hệ thống chính trị, song đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã quyết tâm, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp, kể cả biện pháp hành chính để vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta đã chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, vốn đầu tư nước ngoài tăng, thị trường lao động từng bước phục hồi; văn hóa, xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm, tăng cường; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng… Trong thành công chung này, có đóng góp tích cực của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp, đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bộ, ngành tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tư pháp, nhất là trong phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa...; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về chất lượng các quy định pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập của bộ, ngành tư pháp như: Chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế; tiến độ xây dựng pháp luật có lúc chưa đạt yêu cầu; đầu tư cho nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu đột phá; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác hoàn thiện thể chế; nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, thực thi pháp luật ở một số nơi còn chưa xứng tầm…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, tình hình năm 2022 có những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, bộ, ngành tư pháp cần có tâm thế, chuẩn bị tốt hơn để thực hiện các nhiệm vụ. Năm 2022 là năm bản lề để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra; cũng như trước đòi hỏi về môi trường pháp lý ngày càng cao của nhân dân và từ thực tiễn để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mọi người dân, doanh nghiệp phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, vì đây là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định từ Đại hội lần thứ XI. Trong đó cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, bộ, ngành tư pháp cần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, mà cụ thể là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và căn cứ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội; trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, bộ, ngành tư pháp phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.
Bộ, ngành tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa bộ với các bộ, ngành, địa phương, hội luật gia, hội luật sư; tranh thủ trí tuệ các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thực hiện thật tốt công tác tư pháp trong thời gian tới. Thủ tướng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp và các địa phương liên quan lĩnh vực tư pháp; đồng thời, khuyến khích các ngành, địa phương tiếp tục mạnh dạn phản ánh, đề xuất tháo gỡ những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng với truyền thống vẻ vang, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp, công tác tư pháp sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (21/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại biểu dự Đại hội Phụ nữ Bộ Công an lần thứ IX  (15/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản  (24/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ ASEAN - Trung Quốc phát triển đúng tầm đối tác chiến lược toàn diện  (23/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam