Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu 2021
TCCS - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, ngày 2-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng theo hình thức ghi hình tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 do Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền thành phố Bắc Kinh đồng tổ chức. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Thưa đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
Thưa lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế,
Thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vui mừng, vinh dự được phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu 2021 với chủ đề “Số hóa mở ra tương lai, dịch vụ thúc đẩy phát triển”. Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đã mời tôi dự hội nghị hết sức có ý nghĩa này. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi tới các vị lãnh đạo, các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa quý vị đại biểu,
Chúng ta đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Hơn thế nữa, việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực số hóa là một nhân tố góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.
Chúng tôi hết sức ấn tượng trước những thành tựu nổi bật và đầu tư đúng hướng về công nghệ số của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Thực tế cho thấy, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ đã và đang đem lại lợi ích to lớn, giúp các nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác tốt hơn các nguồn lực hiện có, thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ với quy mô và mức độ chưa từng có.
Việt Nam sớm nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo tinh thần đó, tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau:
Một là, tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch COVID-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc. Việt Nam mong rằng cộng đồng quốc tế sẽ hợp tác tích cực, hiệu quả để chuyển đổi số thực sự trở thành một phương thức mới giúp thu hẹp không chỉ khoảng cách phát triển giữa các quốc gia mà còn hỗ trợ thu hẹp bất bình đẳng xã hội, giúp người dân ở các khu vực kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số.
Hai là, chú trọng vai trò của các thỏa thuận quốc tế trong hợp tác về công nghệ số và kinh tế số. Các thỏa thuận này, bên cạnh việc thúc đẩy công nghệ số và kinh tế số phát triển, cần quan tâm thỏa đáng tới nhu cầu chính đáng của các nước trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm quyền riêng tư cũng như chống độc quyền và xóa bỏ sự bất bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ thuế. Với tinh thần này, Việt Nam đã tham gia xây dựng nhiều quy tắc mới về thương mại điện tử trong các hiệp định thương mại tự do mà gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá cao các ý tưởng và hiện thực hóa của Trung Quốc trong lĩnh vực này, sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc cũng như các nước để xây dựng khung pháp lý phù hợp, giúp cho kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhưng đúng hướng, sâu rộng, hiệu quả và hài hòa với lợi ích chung của toàn xã hội.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường kết nối cộng đồng khoa học - công nghệ giữa các quốc gia, khu vực để nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ người lao động nhất là người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt từng bước thích ứng với công nghệ số.
Bốn là, phát huy vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại của người dân, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.
Năm là, cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ.
Thưa quý vị đại biểu,
Là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, có mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác; có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ số, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là hết sức to lớn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ số cao nhất thế giới.
Việt Nam luôn mong đợi hợp tác phát triển kinh tế số sẽ được đặt ở vị trí xứng đáng, trở thành nội dung trọng tâm trong hợp tác với các nước và trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN với Trung Quốc. Việt Nam coi trọng và sẵn sàng cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy quan hệ thương mại dịch vụ nói chung và kinh tế số nói riêng không ngừng phát triển theo hướng cởi mở, bao trùm, bền vững, tôn trọng, bình đẳng, nhân văn, cùng có lợi; đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng khu vực và toàn cầu.
Xin chúc Hội nghị thượng đỉnh thương mại và dịch vụ toàn cầu năm 2021 thành công tốt đẹp!
Chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Tôi xin trân trọng cảm ơn./.
Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần có các giải pháp để khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai  (31/08/2021)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên