Các nhà khoa học, cán bộ y tế là trụ cột quan trọng trong công tác chống dịch
TCCS - Ngày 1-9-2021, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ, làm việc với 70 nhà khoa học; các giáo sư, bác sĩ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành y tế, các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế.
Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự trực tuyến tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, y học là ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, ngành y tế có đóng góp quan trọng. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Thành tựu to lớn đó có sự đóng góp của ngành y tế.
Trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ngành y tế, trong đó có các nhà khoa học y dược đã nỗ lực, cố gắng đem sức lực, trí tuệ của mình, cùng cả nước phòng, chống dịch.
Nhân dịp Tết Độc lập và sau gần 2 năm bền bỉ, kiên cường phòng, chống dịch COVID-19, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt này nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với đội ngũ y bác sĩ, các nhà khoa học trong sự nghiệp khoa học và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời mong muốn lắng nghe thêm ý kiến của các nhà khoa học, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhằm đưa ra những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả hơn, với phương châm “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
Phát biểu ý kiến, các nhà khoa học bày tỏ xúc động nhận được sự quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời tỏ rõ quyết tâm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y học nước nhà, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Các nhà khoa học khẳng định chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ đang chỉ đạo là đúng hướng. Để việc phòng, chống dịch hiệu quả hơn, các nhà khoa học cũng đề xuất một số vấn đề như: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch theo chiến lược “5K+vaccine+thuốc+công nghệ”; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong nước, trong đó có vaccine cho trẻ em; tuy nhiên việc nghiên cứu, sản xuất vaccine cần tuân thủ nghiêm ngặt trên cơ sở khoa học, bảo đảm an toàn; thực hiện kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân COVID-19; cần có thêm chính sách, trang bị an toàn cho lực lượng chi viện cho vùng dịch và chính sách để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình dịch để có chiến lược, kịch bản phòng, chống và thích ứng với dịch trong thời gian tới...
Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khẳng định, trong những năm qua, nghiên cứu khoa học của ngành y đã có đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Lịch sử phát triển ngành y tế Việt Nam gắn liền với sự phát triển và trưởng thành của đội ngũ thầy thuốc, cũng là các chuyên gia, nhà khoa học y dược. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển ngành y tế và lĩnh vực khoa học - công nghệ với quan điểm xuyên suốt là “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển”; “Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước…”.
Nhờ đó, những năm qua, hoạt động khoa học - công nghệ của ngành y đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong giải quyết những vấn đề thiết thực, cấp bách về y tế và y dược, vươn lên vị trí ngang hàng với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực đạt tầm thế giới; trong đó, vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học là trung tâm của hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đã có rất nhiều nhà khoa học xuất sắc, nhiều tấm gương lao động sáng tạo, hy sinh quên mình vì sự nghiệp y học và cống hiến cho nước nhà được thế giới đánh giá cao như tìm ra phương pháp điệu trị sốt rét, mổ tim, ghép tạng, thụ thai nhân tạo, mổ nội soi tuyến giáp…
Về dịch COVID-19, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhân tố cốt lõi để chúng ta đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh có thể khái quát hóa 3 trụ cột chính là: Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng của nhân dân; việc ứng dụng các biện pháp khoa học chống dịch, dự phòng bằng vaccine và các biện pháp chữa trị cùng với thuốc.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các cán bộ y tế là trụ cột quan trọng trong công tác chống dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đóng góp về biện pháp khoa học chống dịch. Cụ thể là việc nghiên cứu, phát hiện virus và tìm ra các biện pháp chống dịch COVID-19 phù hợp, hiệu quả đối với các biến thể khác nhau trên cơ sở khoa học như giãn cách xã hội, phân loại F0, cách ly, phân tầng điều trị, áp dụng phương pháp cổ truyền và hiện đại, Đông - Tây y kết hợp… Đóng góp về nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh, cả Đông y và Tây y có chất lượng trong thời gian sớm nhất để đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Nghiên cứu, xây dựng phác đồ, biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và tổ chức chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở các cấp độ khác nhau, giảm tỷ lệ số ca tử vong...
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 gần 2 năm nay, các nhà khoa học, chuyên gia ngành y tế đã hết sức tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư thời gian, trí tuệ để nghiên cứu, thử nghiệm và đã đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, được thế giới đánh giá cao.
Để chiến thắng dịch COVID-19 nói riêng và dịch bệnh nói chung, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần sự cố gắng, nhiệt huyết hơn nữa của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học để phát triển nền y học Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong đó phải xác định rõ, nền y học của chúng ta là nền y học khoa học, dân tộc, đại chúng, vì nhân dân phục vụ; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y kết hợp với dân y, y tế trong nước kết hợp với y tế ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn mỗi cá nhân, tập thể các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế trong và ngoài nước, phát huy truyền thống lâu đời và với kinh nghiệm, sự tâm huyết, trách nhiệm tiếp tục chung sức, đồng lòng, bằng những hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh mới và dự báo diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế tiếp tục huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học trong triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học, công nghệ khác trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Tổng kết kinh nghiệm, đúc rút những bài học, từ đó phổ biến, nhân rộng những phác đồ điều trị hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước tình hình khan hiếm vaccine và thuốc chữa COVID-19 hiện nay, đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tận dụng tối đa sự liên kết với mạng lưới các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trên thế giới để tìm kiếm các nguồn cung vaccine, thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam và hướng dẫn khám, chữa bệnh COVID-19 cho nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các chuyên gia, nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng, dân cùng làm.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ thấu hiểu nỗi vất vả và những nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học và các y bác sĩ. Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách, nguồn lực, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho đội ngũ các nhà khoa học yên tâm cống hiến. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng các nhà khoa học ngành y sẽ tiếp tục truyền thống của thế hệ đi trước với trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng cống hiến để thắp sáng ngọn đuốc tìm tòi, khám phá, sáng tạo, phát minh vì sức khỏe của cộng đồng./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chung tay chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội  (01/09/2021)
Hà Nội quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19  (01/09/2021)
Tỉnh Thái Bình thu nội địa 8 tháng năm 2021 tăng 51,6% so với cùng kỳ  (01/09/2021)
Petrovietnam: Gần nửa thế kỷ đi từ “không đến có”  (01/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển