TCCS - Ngày 7-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái; thăm, nói chuyện, động viên thầy, trò Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái _ Ảnh: TTXVN

Tại tỉnh Yên Bái, bày tỏ xúc động dự lễ khai giảng đầu năm học mới với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên thì có tới 16 triệu học sinh phải khai giảng trực tuyến do dịch bệnh. Chính vì thế, việc thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái có thể tổ chức khai giảng trực tiếp có ý nghĩa lớn, khích lệ tinh thần học tập của học sinh tỉnh Yên Bái và trong cả nước. Kết quả này chính là nhờ nỗ lực của Chính phủ và của tỉnh Yên Bái trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Sau khi tham dự lễ khai giảng, đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái, ngôi trường có lịch sử phát triển gần 40 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhằm tạo nguồn nhân lực, nguồn cán bộ địa phương cho tỉnh, Chủ tịch nước đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Yên Bái.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Yên Bái nằm trong số rất ít tỉnh của cả nước không có ca mắc COVID-19 từ hơn nửa tháng qua. Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền Yên Bái đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó đến nay, 4/39 chỉ tiêu đạt kế hoạch cả năm. 86/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 57%. Thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư của tỉnh đều đạt kết quả tích cực. Chủ tịch nước cho rằng, Yên Bái là địa phương có nhiều tiềm năng, nhất là tài nguyên rừng, đất rừng; tiềm năng từ người dân, truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số của Yên Bái...  

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái _ Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái quan tâm đến giáo dục, trong đó có các trường dân tộc nội trú, bán trú. Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 60%. Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh duy nhất đưa chỉ số hạnh phúc vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và từ đó triển khai thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn. Đây là mô hình ngành giáo dục cần nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm. Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái đạt nhiều thành tích trong dạy và học, chỉ xếp sau trường chuyên của tỉnh, nói lên chất lượng đạo tạo tốt của trường. Nhiều thế hệ học sinh của trường đã có nhiều thành tích xuất sắc làm rạng rỡ quê hương và truyền thống của trường. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cả nước, đặc biệt là các trường nội trú tập trung, luôn luôn chủ động trong xây dựng phương án dạy và học; linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh miền núi cần xem mô hình trường dân tộc nội trú là cấu phần rất quan trọng trong tổng thể chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, các tỉnh miền núi tiến hành đánh giá toàn diện chất lượng, điều kiện giảng dạy, học tập, sinh hoạt của các trường. Làm sao các em học sinh xem mái trường này là ngôi nhà thứ hai của mình.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu Yên Bái tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ chế biến, bởi nông nghiệp là một thế mạnh của tỉnh với nhiều sản vật như chè, nhãn, quế… Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu sản phẩm nông sản; phát triển nhưng cần bảo vệ môi trường, giữ được màu xanh núi rừng và môi trường trong lành của Yên Bái. Tỉnh cần phát triển kinh tế hộ cá thể, các hợp tác xã tại địa phương; đồng thời thu hút được các nhà đầu tư lớn để tạo động lực phát triển; tiếp tục đầu tư các dự án giao thông kết nối để tận dụng thị trường rộng lớn của vùng Thủ đô. Với tỷ lệ đô thị chỉ đạt 20%, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để phát triển đô thị.

Chủ tịch nước giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tỉnh Yên Bái tổng kết mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi để nhân rộng _ Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước cũng đề nghị Yên Bái thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân từ no ấm, đủ đầy tiến lên khá giả, giàu có, thịnh vượng, tiếp cận giáo dục có chất lượng, phát triển các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho người dân. Ngành giáo dục cần có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc học sinh là con em thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người khuyết tật, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta rất quan tâm, đó là chăm sóc và đào tạo thế hệ trẻ. Chủ tịch nước giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tỉnh Yên Bái tổng kết mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi để nhân rộng. Tiếp theo là giảm nghèo bền vững, không chỉ là tăng thu nhập bằng cách tạo việc làm ổn định, tự tạo sinh kế, mà còn tăng phúc lợi cho người dân.

Tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, không để bất kỳ ai bị bỏ rơi lại phía sau. Chủ tịch nước nhấn mạnh, có thể Yên Bái không phải là tỉnh phát triển nhất về kinh tế, nhưng hoàn toàn là một trong những tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất. Yên Bái có cơ sở để thực hiện điều này. Chủ tịch nước cũng căn dặn Yên bái quan tâm phát triển nguồn lực con người, giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến thăm Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc, phát biểu với thầy và trò nhà trường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng trường có nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học. Chủ tịch nước đánh giá cao thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh để đạt thành tích cao. Vĩnh Phúc là địa phương giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng, quê hương của các khoa bảng, luôn nằm trong nhóm đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc chính là một điểm sáng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các học sinh đoạt giải cao qua các kỳ thi của Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc _ Ảnh: TTXVN

Bước vào năm học mới 2021 - 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo nói chung, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng cần nỗ lực vượt khó khăn, đặc biệt hệ thống trường chuyên phải trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trong đó có Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc. Theo đó, Chủ tịch nước gợi ý Vĩnh Phúc phải coi phát triển kinh tế dựa vào nhân tài, dựa vào nhân lực chất lượng cao, dựa vào lao động có kỹ năng là mũi nhọn, là động lực mới để phát triển bền vững. Phải xác định nhân tài, nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần định hình lợi thế phát triển mới của Vĩnh Phúc, đóng góp thực hiện tầm nhìn đến năm 2045 của nước ta, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao và thăng tiến mạnh mẽ chỉ số phát triển nguồn nhân lực. 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi lắng nghe báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, dù trải qua đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh kể từ năm 2015 trở lại đây. Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 23.220 tỷ đồng, đạt 76% dự toán và tăng 31% cùng kỳ. Đến nay, đã 37 ngày tỉnh không có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng và quyết tâm giữ vững vùng xanh an toàn để bảo đảm các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Vĩnh Phúc là tỉnh chống dịch hiệu quả, có nhiều nỗ lực để không có doanh nghiệp nào phải ngừng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng, tăng nguồn thu ngân sách. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc - một tỉnh phát triển của cả nước, là động lực tăng trưởng quan trọng của vùng, quy mô kinh tế năm 2020 đứng nhóm đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đứng thứ 15 cả nước. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc _ Ảnh: TTXVN

Công nghiệp chiếm tỷ trọng quan trọng, đóng góp 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Do cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, nên hằng năm tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn. Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển công nghiệp. Tỉnh cũng quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Giáo dục, đào tạo duy trì chất lượng ở mức cao; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Trước bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước có xu hướng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới; có nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả để tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho Trung ương. Trong đó, công nghiệp vẫn phải được xác định là mũi nhọn chính tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh cần đa dạng hóa các loại hình công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thu hút thêm các tập đoàn lớn đầu tư và giải quyết được bài toán tăng năng suất trong mọi lĩnh vực. 

Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tỉnh cần đẩy mạnh hơn tốc độ đô thị hóa, để tạo diện mạo mới hiện đại cũng như tạo động lực tăng trưởng. Cùng với đó là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường xã hội an toàn, bảo đảm chăm lo để đời sống người dân ngày càng một nâng cao./.

Thùy Linh (tổng hợp)