TCCS - Ngày 31-8-2021, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu ban số 1 về xây dựng chuyên đề "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (chuyên đề số 9).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất _ Ảnh:quochoi.vn

Cùng tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; các thành viên tiểu ban…

Tiểu ban số 1 gồm 23 thành viên, gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Tiểu ban; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó trưởng Tiểu ban; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng Tiểu ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long… Tiểu ban có nhiệm vụ triển khai chuyên đề số 9, đây là một trong 4 chuyên đề mà Đảng đoàn Quốc hội được phân công thực hiện.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng công bố quyết định thành lập tiểu ban, trình bày tóm tắt một số nội dung trình tiểu ban xem xét, thông qua tại phiên họp. Theo đó, trên cơ sở Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15, ngày 10-8-2021, của Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo kế hoạch của Tiểu ban số 1 triển khai xây dựng chuyên đề số 9 đã dự kiến cụ thể nội dung công việc và thời hạn phải hoàn thành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số nội dung trình tiểu ban xem xét quyết định tại phiên họp _ Ảnh: quochoi.vn

Sau khi thảo luận, tiểu ban đã thông qua kế hoạch triển khai xây dựng chuyên đề "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; thông qua quy chế làm việc của tiểu ban; quyết định phân công nhiệm cụ thành viên tiểu ban; quyết định thành lập tổ biên tập.

Cùng với đó, tiểu ban đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo đề cương báo cáo chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau phiên họp thứ nhất của tiểu ban, các cơ quan hữu quan hoàn thiện các văn bản, trình Trưởng Tiểu ban ký ban hành, gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nhấn mạnh chuyên đề này có phạm vi rộng, khó, rất quan trọng, gắn kết chiến lược xây dựng pháp luật với việc tổ chức thực thi pháp luật, dự báo cho thời kỳ dài (đến năm 2030, định hướng đến năm 2045), do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên tiểu ban phát huy trí tuệ tập thể, tập trung đóng góp ý kiến tâm huyết, nghiên cứu kỹ, bám sát thực tiễn, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi xây dựng chuyên đề này nhằm đáp ứng yêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiểu ban số 1 xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” họp phiên thứ nhất _ Ảnh: quochoi.vn

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; ghi nhận sự cố gắng của các cơ quan. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện kế hoạch triển khai xây dựng chuyên đề, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên tiểu ban, thành lập tổ biên tập.

Cho ý kiến tại cuộc họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành viên tiểu ban, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến; tận dụng các kết quả của các cuộc tổng kết, bảo đảm tính kế thừa, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; trên cơ sở đó phát triển vấn đề và đưa ra những vấn đề mới có tính thuyết phục, đồng thuận cao. Qua đó, xây dựng chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chất lượng cao nhất, trình Ban Chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15-9-2021./.

Thùy Linh (tổng hợp)