Cách đây 70 năm (1938), ở Việt Nam xuất hiện một tờ báo: Báo Dân chúng. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của nhân dân Đông Dương, tiếng nói của Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo là nơi tập hợp quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng Dân chủ do Đảng lãnh đạo. Báo Dân chúng tồn tại được 13 tháng, xuất bản đươc 81 kỳ, nhưng tiếng nói mà tờ báo đem lại không chỉ có giá trị của ngày hôm qua.

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao vai trò của báo chí và chủ trương kêu gọi tự do báo chí. Luận cương của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 đã đề ra một số chủ trương văn hóa: “Tự do xem sách báo. Tự do làm sách báo. Tự do mở trường và tự do học hành”. Nhưng, chủ trương này đã bị chính quyền thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn cấm bởi chúng hiểu rằng tự do báo chí ở một nước thuộc địa, đồng nghĩa với việc thắp cháy hơn ngọn lửa cách mạng và là “vũ khí tiêu diệt” chủ nghĩa thực dân. Sau phong trào khởi đầu 1930-1931, cách mạng Việt Nam dài bị đàn áp trong biển máu và tù ngục, cuối năm 1936 phong trào cách mạng Dân chủ Việt Nam bắt đầu đi lên với khí thế mới, tiếp tục phát triển trong năm 1937. Năm 1938 có thể coi là đỉnh cao của phong trào Dân chủ ở Đông Dương với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mặt trận Bình dân Pháp nên đã giành được thắng lợi trên nhiều mặt, trong đó báo chí có vai trò rất quan trọng.

Trong lúc, Trung ương Đảng và các Xứ ủy chủ trương vừa tiếp tục xuất bản những tờ báo tiếng Pháp (do không phải xin phép) như: Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), Enavant (Tiến lên), vừa tìm mọi cách cho ra đời những tờ báo tiếng Việt (cơ quan ngôn luận của Đảng và các tổ chức, đoàn thể). Việc làm đó nhằm mở rộng thông tin trong các tầng lớp nhân dân, vừa gây tiếng vang lớn cho toàn xứ Đông Dương. Ở Bắc kỳ xuất hiện thêm một số tờ báo mới như: Đời nay, Tin tức, Thế giới…; Trung kỳ có Nhành lúa, Dân, Sông Hương tục bản…; Nam kỳ có báo Lao động, Mới, Phổ thông… Chớp thời cơ trong lúc báo chí đang “nở rộ” như vậy, Trung ương Đảng đã kêu gọi: “Các Đảng bộ quyên góp tiền cho Đảng để ra một tờ báo có tính chất và ảnh hưởng khắp toàn xứ và xuất bản nhiều kỳ, đặc biệt thông tin tin tức về thế giới và trong xứ để đối phó kịp với thời cuộc cho kịp(1)

Sau 3 tháng chuẩn bị khẩn trương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, tiếp đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, ngày 22-7-1938, báo Dân chúng số 1 chính thức ra đời, bước lên vũ đài chính trị công khai ở Sài Gòn, lên tiếng chiến đấu và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân lao động Đông Dương. Thời gian đầu, (từ số 1 đến số 33), tòa soạn Báo Dân chúng đặt tại số 43 đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm), sau chuyển đến 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão).

Ngay từ những số đầu tiên, Báo Dân chúng đã là bức tranh sống động phản ánh trung thực về đời sống tăm tối của dân thuộc địa và tình hình chính trị - xã hội rối ren, phức tạp ở Đông Dương, thông tin nhanh nhạy về tình hình thế giới trong “đêm trước” chiến tranh thế giới lần thứ hai, nên đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Vấn đề thời sự sôi động và vận mệnh dân tộc trước diễn biến chính trị trên thế giới được báo đặc biệt quan tâm. Nhiều bài bình luận sắc sảo về chủ nghĩa phát-xít với nguy cơ chiến tranh đang được đăng tải, thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương về chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó Liên Xô là nước khởi xướng. Dân chúng đã nhanh chóng trở thành diễn đàn sắc sảo về tự do, dân chủ và nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Sự mến mộ của người đọc đối với tờ báo của Đảng được biểu thị qua chỉ số phát hành báo tăng nhanh mỗi ngày về số lượng. Từ 2000 bản một số lên 4000 bản rồi 10000 bản, cao nhất là số báo Xuân Kỷ Mão 1939, phát hành tới 15000 bản, xếp vào tốp đầu về số lượng phát hành so với các tờ báo khác cùng thời.

Ra đời một cách bất hợp pháp trước sự ngăn cấm và kiểm tra gắt gao của chính quyền thực dân Pháp, để tồn tại, phát triển, những người làm báo phải có cách viết thông minh, khéo léo để vừa che mắt được kẻ thù, vừa tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào cách mạng. Trong số báo đầu tiên, Dân chúng đã đưa ra tôn chỉ, mục đích hoạt động là: “Dân chúng nguyện làm cơ quan chung cho tất cả những ai muốn cho xứ Đông Dương khỏi phải chìm đắm trong vòng tối tăm cùng khổ”. Đây được coi là bước đi thành công đầu tiên của Dân chúng, mở ra sự phát triển mới cho tờ báo mà chính quyền Pháp ở Đông Dương khi đó không có lý do gì để phản đối.

Những số tiếp theo, Báo đã dành nhiều trang, bài viết cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh đòi chính quyền thuộc địa thực hiện những khẩu hiệu mà Đảng đề ra như: đòi tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình, đặc biệt là quyền tự do báo chí. Việc Dân chúng ra đời không có giấy phép mà phát hành công khai cũng chứng minh hùng hồn về vai trò tiên phong và tính chiến đấu của nó trong cuộc đấu tranh buộc chính quyền Pháp phải gián tiếp công nhận tự do báo chí cho xứ Đông Dương. Không chỉ có thế, Báo Dân chúng còn lên tiếng đòi tự do lập Hội ái hữu và Nghiệp đoàn, tự do hội họp và biểu tình, đòi thả hết tù chính trị, đòi cải thiện chế độ bầu cử và cải thiện dân sinh, đấu tranh chống phát - xít và phản đối chiến tranh. Ngoài ra, Báo cũng là diễn đàn tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng trong quần chúng, tập hợp một lực lượng chính trị hùng hậu cho thời kỳ sau đó.

Lúc mới ra đời, những bài viết còn trình bày rời rạc, chưa theo một hệ thống nhất định, từ số15 trở đi, Báo đã đạt được cách trình bày thống nhất và mạch lạc theo chủ đề. Chẳng hạn, những bài viết nhằm tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng chủ yếu được trình bày ở trang nhứt (cách gọi của Báo Dân chúng); Những nội dung khác, được tập hợp theo từng đối tượng phản ánh hoặc chuyên mục, chẳng hạn chuyên mục "Tiếng dội thôn quê" tập hợp các tin tức, bài viết về cuộc sống và phong trào đấu tranh của nông dân; "Mặt trận thợ thuyền" phản ánh cuộc sống sinh hoạt và biểu tình của thợ thuyền...

Điểm đặc biệt của Báo Dân chúng là hầu hết những bài viết trên mặt báo đều không ký tên tác giả hoặc nếu có chỉ là những ký tự viết tắt (ví dụ như: D.C. Lin - bút danh của Nguyễn Ái Quốc; Trí Thành - bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ…), vì các tác giả của nó là những người cộng sản, những người đã mang án tù đày, khổ sai chung thân. Chính điều đó đã ảnh hưởng rất lớn về giá trị tư tưởng và uy tín của tờ báo. Mỗi bài viết đều đứng trên lập trường chính trị, “nghệ thuật vị nhân sinh” của Đảng. Dân chúng là đại biểu trung thành nhất cho tiếng nói của quần chúng nhân dân, chỉ cho họ thấy con đường cách mạng chân chính để tự giải phóng bản thân; đồng thời cổ vũ, động viên họ dũng cảm đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và giai cấp.

Trong hơn một năm, Báo Dân chúng đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận và có một sứ mệnh lịch sử trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Giản dị, chân thật và gần gũi trong cách thể hiện, Báo đã góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú, trong sáng, Dân chúng còn là cầu nối giữa lý luận Mác - Lênin và thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam, giữa Đảng Cộng sản và người lao động, giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Đông Dương và các lực lượng tiến bộ thế giới… Điều đó làm cho Dân chúng thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của nhân dân Đông Dương, là phát súng tấn công mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân Pháp cũng như âm mưu xâm lược của phát-xít Nhật ở Đông Dương những năm 1936-1939.

Sưu tập Báo Dân chúng hiện đang được bảo quản như những hiện vật quý hiếm. Hiện nay, 79 số Báo Dân chúng (thiếu số 14) được lưu giữ và thường xuyên trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Cùng với thời gian và sự lưu chuyển trong độc giả đã làm cho một số tờ báo bị hư hại và rất dễ có khả năng “biến dạng”. Những năm qua, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác bảo quản các số báo để phục vụ cho hoạt động trưng bày, nhằm giúp độc giả có thể tiếp cận với hiện vật gốc. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể giữ cho tờ báo được trường tồn cùng thời gian thì cần phải nghiên cứu nhiều biện pháp, cách thức để bảo quản nó một cách tốt hơn. Đó chính là thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với những bậc tiền bối cách mạng đã khôn khéo làm nên sức sống của một tờ báo.

70 năm đã trôi qua là một khoảng thời gian rất dài so với 13 tháng tồn tại của một tờ báo. Tuy nhiên, vai trò của Báo Dân chúng trong sự nghiệp cách mạng và trong sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam là không thể phủ nhận. Giá trị tư tưởng, lịch sử và văn hóa của Báo Dân chúng rất to lớn và là tài sản tinh thần vô giá trong quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam./.
 

(1) Văn kiện Đảng, tập II, H.1977, tr.282-283.