Nghị quyết xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược của Đảng phải xuất phát từ bối cảnh và yêu cầu của đất nước ở giai đoạn mới, phải nhìn thẳng vào mối quan hệ giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với trí thức, tạo ra mối quan hệ mới nhằm đồng thời đạt được hai kết quả: phát huy mạnh mẽ đội ngũ trí thức của Đảng trong thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2020 - một giai đoạn ngắn nhưng có tính chất sống còn đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta, và nâng cao hiệu quả, chất lượng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong kháng chiến và những thành tựu to lớn trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Đó là kết quả của mối liên hệ gắn bó giữa sự lãnh đạo của Đảng với sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Phân tích sâu hơn mối liên hệ ấy thì thấy rõ việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Đảng qua các thời kỳ với việc xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức không thể tách rời nhau. Trong kháng chiến, các cán bộ quân đội, cán bộ đảng và nhà nước đều là tinh hoa của dân tộc. Họ là những trí thức. Những người khai sáng công cuộc đổi mới, những người thúc đẩy đổi mới đến ngày nay là những trí thức trong hòa bình xây dựng. Đối với nước ta phải quan niệm về trí thức như vậy mới đúng.

Từ đặc điểm nói trên, việc xây dựng đội ngũ trí thức nước ta phải xuất phát từ nhu cầu thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới, trước mắt là từ nay đến năm 2020, nước ta phải hình thành bước đầu những cơ sở nền móng, cấu trúc của chế độ xã hội mới, không thể chậm hơn. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu ấy không thể không có một đội ngũ trí thức lớn mạnh. Cuộc cạnh tranh toàn cầu khá gay gắt càng làm nổi bật tính cấp bách của vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức. Một đội ngũ trí thức yêu nước, có trình độ ngang tầm thời đại sẽ là một trong những yếu tố bảo đảm thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng.

1 - Nhận rõ hơn bối cảnh thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức ngang tầm nhiệm vụ

Mục tiêu của Đảng đến năm 2020 là sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong điều kiện đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mục tiêu chung đó phải được thể hiện bằng những tiêu chí về các mặt mới có thể kiểm tra, đánh giá được. Những tiêu chí này không phải chúng ta tùy ý định đoạt, mà phải so sánh với các tiêu chí quốc tế. Yêu cầu này không những do Việt Nam đã hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn và bản chất hơn do nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xác định các tiêu chí phát triển nước ta từ năm 2008 đến năm 2020 phải dựa vào xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Khi lấy "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm" thì cần nhận rõ trình độ phát triển kinh tế thị trường thế giới. Hiện nay, kinh tế thị trường thế giới chuyển mạnh từ giai đoạn kinh tế công nghiệp lên giai đoạn kinh tế tri thức hơn hai thập kỷ, nên các tiêu chí kinh tế, xã hội... đang thể hiện là đòi hỏi của kinh tế tri thức chứ không phải của kinh tế công nghiệp. Ngày nay, khái niệm "nước công nghiệp" không còn phù hợp nữa. Thay vào đó là khái niệm "nước phát triển" và "nước đang phát triển".

Một khía cạnh khác, nền kinh tế thị trường đang chuyển mạnh về định hướng xã hội, từ phát triển kinh tế chỉ vì lợi nhuận của chủ đầu tư, coi nhẹ các vấn đề xã hội và môi trường, chuyển lên sự phát triển đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Liên hợp quốc gọi đó là "Chương trình phát triển bền vững". Đó cũng là một tiêu chí phân biệt nước đang phát triển với nước phát triển, theo đúng nghĩa của nó. Các tiêu chí phát triển bền vững hiện đang là tiêu chí trong thương mại và đầu tư quốc tế, mặc dù thực hiện tiêu chí này phải qua cạnh tranh, dưới sức ép và thủ đoạn kinh doanh kiểu tư bản chủ nghĩa.

Xét về mặt xã hội, kinh tế thị trường giai đoạn hiện nay đã và đang biến đổi căn bản về cơ cấu lao động và cơ cấu xã hội - dân cư. Ngày nay, nguồn nhân lực cho phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, cho hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế là lao động tri thức - nhân tố chủ yếu quyết định sức cạnh tranh và phát triển của một quốc gia, nhất là nước đang phát triển. Không có lao động tri thức trong sản xuất và quản lý thì các mục tiêu tốt đẹp chỉ là mong muốn, không tưởng và sự thất bại của đường lối chiến lược là không tránh khỏi, dù cho giai đoạn đầu có sự tăng trưởng cao và ổn định. Đây là bài học đau đớn của nhiều nước Mỹ La-tinh và châu Á.

Cơ cấu xã hội - dân cư của nước công nghiệp cũng đang biến đổi sang cơ cấu xã hội - dân cư của nước phát triển. Nếu trong nước công nghiệp, bộ phận lớn nhất của dân cư là công nhân áo xanh (lao động bằng máy móc) thì trong nước phát triển, bộ phận dân cư ngày càng đông đảo là lao động tri thức (hay lao động áo trắng, áo vàng). Đó là lao động trong các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bộ phận dịch vụ và quản lý. Kinh tế thị trường phải trải qua hơn 300 năm dưới phương thức tư bản chủ nghĩa mới đạt đến sự phát triển như vậy. Sự phát triển ấy báo hiệu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bước vào "sự phủ định của phủ định" như C. Mác đã dự báo khi "khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp". Sự lỗi thời của hình thái tư bản chủ nghĩa đồng thời với sự nảy sinh tiền đề của hình thái xã hội mới, làm cho loài người ngày nay gần chủ nghĩa xã hội hơn bao giờ hết.

Những quy luật và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội nói trên là cơ hội chưa từng có cho các nước đi theo hướng chủ nghĩa xã hội, nếu biết nắm bắt cơ hội ấy, biết chuyển mọi thách thức thành cơ hội phát triển; đồng thời cũng là báo hiệu sự thất bại không tránh khỏi của đường lối xã hội chủ nghĩa ở một số nước dựa trên tư duy kinh tế, chính trị lỗi thời, đã bỏ lỡ cơ hội đó.

2 - Thực trạng đội ngũ trí thức và định hướng phát triển

Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ trí thức phải căn cứ vào yêu cầu thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng đến năm 2020 trong bối cảnh thời đại hiện nay.

- Tiêu chí để nhận dạng trí thức hiện nay là những người lao động tri thức, bất kể họ hoạt động trong lĩnh vực nào. Lao động tri thức khác với các loại lao động khác ở đặc điểm biết kế thừa, sáng tạo tri thức và phương pháp nên tạo ra sản phẩm có năng suất mới, chất lượng mới cao hơn. Họ là những người học tập suốt đời. Do thực trạng giáo dục, đào tạo và quản lý nhà nước hiện nay nên không thể căn cứ vào tiêu chí bằng cấp, chức vụ, học hàm, học vị mà gọi họ là trí thức một cách đại trà.

Trước mắt, những người lao động trong các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành thuộc về kinh tế tri thức ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như trong hoạt động lãnh đạo và quản lý có tính sáng tạo đều thuộc về đội ngũ trí thức.

Nên lưu ý rằng, trong cạnh tranh, phát triển và hội nhập thì lao động tri thức trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý vĩ mô là lao động quan trọng nhất, hiệu quả tổng hợp lớn nhất vì nó tác động đến cả hệ thống lớn, cả nền kinh tế và xã hội. Cũng vì vậy, ở khâu này chậm chuyển sang lao động tri thức thì sẽ gây cản trở, thiệt hại lớn nhất. Tiếp đó, lao động tri thức trong những lĩnh vực nền tảng như khoa học và công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, có vai trò chủ yếu trong hình thành bước đầu những nền móng của xã hội mới đến năm 2020.

Thực trạng hiện nay cho thấy, cơ cấu và chất lượng trí thức rất không phù hợp với đòi hỏi thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng. Tỷ lệ công nghệ cao trong các doanh nghiệp Việt Nam kém Thái Lan 15 lần, Ma-lai-xi-a 25 lần, Xin-ga-po khoảng 35 lần. Sự chuẩn bị vận dụng kinh tế tri thức, như nghị quyết Đảng đã nêu, cũng rất yếu kém (Tập đoàn Intel muốn tuyển 2.000 lao động tri thức mà chỉ được 90 người). Chú ý các nguồn FDI sử dụng lao động rẻ của nước ta đều mang tới loại công nghệ thấp và đầu tư có giai đoạn sẽ làm tăng tình trạng Việt Nam trở thành "bãi rác" công nghệ v.v..

Nguyên nhân của tình trạng trên không phải người Việt Nam kém tài năng, mà là do kéo dài tư duy chạy theo số lượng tăng trưởng của từng nhiệm kỳ; do bố trí chưa phù hợp nhiều cán bộ cấp trưởng đứng đầu các lĩnh vực, họ không thấy cần phải sử dụng người giỏi nên tình trạng chảy máu chất xám đang tăng lên. Một nguyên nhân nữa là do ý thức của trí thức về trách nhiệm kém. Giáo sư Piene Darriulat - một trong 12 nhà vật lý hàng đầu thế giới đã từng làm việc 9 năm ở Việt Nam nói: "... bản thân nhiều nhà khoa học không có sự say mê và không hiểu làm khoa học có nghĩa là thế nào. Tôi xin nhấn mạnh đây là điều rất nghiêm trọng"(1). Còn giáo sư Trương Nguyễn Trân (Đại học Bách khoa Pa-ri) thì đặt câu hỏi "Tại sao một số lớn sinh viên Việt Nam có dịp học hỏi ở nước ngoài thì họ rất thành công và nếu ở lại Việt Nam, tương lai của họ chẳng đi đến đâu?". Câu hỏi này phần nào phản ánh: ở nước ta chưa có môi trường văn hóa tư tưởng làm bệ đỡ cho sự phục hưng trí tuệ dân tộc và hiện đại hóa đất nước, chưa biết kế thừa được quan niệm coi trọng "nguyên khí quốc gia" của cha ông.

Để vượt qua thực trạng yếu kém nói trên, cần tìm định hướng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới từ các nguyên nhân đã nêu trên.

Thứ nhất, định hướng lâu dài là phải chủ động tạo ra môi trường văn hóa tư tưởng tôn vinh "nguyên khí quốc gia", tạo những quy chế kích thích tính chủ động, sáng tạo của người lao động trên các lĩnh vực từ người nông dân cho đến trí thức. Cần nghiên cứu và khắc phục tác động của "văn hóa tiểu nông" hám danh lợi đang tác hại mạnh trong lối sống, quan hệ ứng xử của cán bộ và người dân, thể hiện rõ nhất ở lời nói không đi đôi với việc làm.

Thứ hai, đổi mới có tính cách mạng công tác đào tạo nhân lực ở các trường, các học viện, trong đó học viện đào tạo cán bộ cao cấp phải đi tiên phong trong nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với đòi hỏi của mục tiêu chiến lược đến năm 2020. Bởi vì mục tiêu 10 năm tới có tính sống còn, tính chất bước ngoặt đối với sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, trong một nước đang phát triển thì tâm đức và năng lực của người đứng đầu các cơ sở khoa học, giáo dục, đào tạo có ý nghĩa quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, cần rà soát lại để bố trí đúng người đứng đầu và phải tạo quy chế để họ có thể chủ động sáng tạo và chịu trách nhiệm về sản phẩm của đơn vị mình trước cấp trên và người tiếp nhận sản phẩm đó.

Thứ tư, tìm ra phương thức liên kết hợp tác giữa trí thức với công nhân, nông dân và những người lao động trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Đặc biệt trước mắt cần có những hình thức hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực với các doanh nghiệp.

Thứ năm, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam...) theo hướng liên kết, hợp tác trong thực hiện các dự án, trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

3 - Vai trò quyết định của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức của dân tộc

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, tầm vóc và hiệu quả hoạt động của bộ máy cầm quyền với tình hình phát triển đội ngũ trí thức có mối liên hệ khăng khít với nhau. Mối liên hệ ấy có ảnh hưởng đến chất lượng phát triển của đất nước và phát triển đội ngũ trí thức. "Chiếu cầu hiền" của vua Quang Trung đã ra đời ngay sau khi vừa chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh, chính sách thu hút nhân tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã nói lên tầm quan trọng của mối liên hệ ấy.

Xét về mặt văn bản, Đảng ta đã nhiều lần ra nghị quyết về phát triển và sử dụng đội ngũ trí thức, đưa vấn đề này lên ngang tầm quốc sách. Nhưng nhìn vào thực tế thì việc thi hành các nghị quyết rất hạn chế, chỉ thể hiện ở sử dụng một số ít cá nhân, chứ không phải là cả đội ngũ trí thức. Có thể thấy: phần lớn những nhược điểm và sai lầm trong công cuộc đổi mới đều có nguyên nhân không coi trọng khoa học, coi nhẹ các hoạt động tư vấn, phản biện của trí thức các ngành.

Tình trạng “chảy máu chất xám” từ bộ máy nhà nước ra bên ngoài, từ trong nước ra nước ngoài; tình trạng trí thức có thái độ thờ ơ, giữ mình trước các vấn nạn về kinh tế, xã hội, môi trường; tình trạng sa sút đạo đức của một số trí thức ở các ngành... đều có nguyên nhân từ thái độ thi hành và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết về trí thức của các thủ trưởng.

Ở nước ta, do tác động của văn hóa tiểu nông lỗi thời, lại ít phát huy quy chế dân chủ, nên một số trí thức thường nhìn vào cách nghĩ, cách làm của thủ trưởng để thích nghi, chứ không phải nhìn vào công việc phục vụ nhân dân. Một số trí thức khác quen dần cách làm việc theo kiểu hành chính quan liêu nên đánh mất tư cách trí thức. Một số có tư duy tốt nhưng không dám chủ động và sáng tạo, nhất là trí thức trong lĩnh vực khoa học xã hội, chính trị. Số người này không những ngại thủ trưởng mà còn ngại đồng nghiệp ghen tỵ những việc làm mới của mình. Cứ thế, cả bộ máy thoái hóa dần một cách tập thể, trong khi thủ trưởng có thể tiếp tục thăng tiến hơn nữa./.
 

(1) Trong cuộc tọa đàm "Xây dựng chính sách để phát huy tài năng và trí tuệ Việt Nam", do Tạp chí Tia sáng tổ chức ngày 22-2-2008