Thành phố Hải Dương trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven đô
Là trung tâm của tỉnh Hải Dương - một trong 3 tỉnh có sức hút đầu tư đứng đầu cả nước, Thành phố Hải Dương như một công trường sôi động, với những khu, cụm công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn. Ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng ở các vùng ven thành phố, tạo nên nhiều đổi thay về kinh tế - xã hội của khu vực này.
Thành phố Hải Dương nằm ở trung tâm tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hà Nội 57 km, Thành phố Hải Phòng 45 km. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố có hơn 3,6 nghìn héc-ta, dân số gần 144 nghìn người. Tăng trưởng kinh tế năm 2006 của thành phố là 15,1%, cơ cấu ngành kinh tế: công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp năm 2006 tương ứng: 52,66% - 45,74% - 1,6%. Trên địa bàn thành phố tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, như: Đại An (đến nay có 17 dự án được cấp phép đầu tư với vốn đầu tư trên 252 triệu USD), cụm công nghiệp Cẩm Thượng, Việt Hòa (với dự án mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh cho gần 200 doanh nghiệp, diện tích trên 800 ha). |
Đô thị hóa - hai mặt thuận và nghịch
Đô thị hóa làm cho diện mạo kiến trúc Thành phố Hải Dương trở nên khang trang, hiện đại. Không gian đô thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng phát triển cùng các khu đô thị vệ tinh mới phía Đông, phía Tây, những khu công nghiệp, dịch vụ thương mại, hệ thống công viên - cây xanh, công trình công cộng... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Tổng mức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong 5 năm (2001 -2005) trên địa bàn thành phố đạt hơn 3 nghìn tỉ đồng, tăng bình quân 26,6%/năm. Trong năm 2006, thành phố thực hiện 54 dự án, công trình lớn bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn thu từ tiền sử dụng đất với tổng dự toán hơn 500 tỉ đồng. Quá trình đô thị hóa đã từng ngày làm thay da, đổi thịt, hình thành nên một Thành phố Hải Dương sầm uất, hiện đại, không chỉ ở nội đô mà còn tỏa rộng mạnh mẽ sang các địa bàn tiếp giáp.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quá trình đô thị hóa của thành phố cũng đã phá vỡ cảnh quan kiến trúc, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng và làm đảo lộn nhiều vấn đề dân sinh - xã hội. Tính khoa học và dự báo trong công tác quy hoạch hạn chế dẫn đến việc kiến trúc của thành phố phát triển tự phát, sắp đặt chưa đồng bộ, hài hòa. Hình thức xây dựng kiểu chia lô, chật hẹp, đơn điệu, bó hẹp không gian. Tình trạng sang nhượng đất đai, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến ở các phường mới được thành lập, xã ngoại thành. Trong 5 năm 2001 - 2005, việc đầu tư xây dựng nhà ở của nhân dân phát triển mạnh, thành phố đã cấp phép cho hơn 2,9 nghìn hộ với tổng diện tích sàn gần 350.000m2. Tuy nhiên, các công trình xen cấy, cải tạo, xây dựng mới trong khu phố cổ, đặc biệt là các công trình dân tự làm còn tùy tiện, phá vỡ bản sắc kiến trúc truyền thống, nhiều khi bị biến dạng do cơi nới, lấn chiếm.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về xã hội, nhất là tình trạng mất an ninh - trật tự, các tệ nạn xã hội, lối sống tiêu cực trong một bộ phận dân cư, tình trạng thiếu việc làm, di dân tự phát... Những ảnh hưởng trên không dừng lại ở vùng nội thành mà còn tác động tới các vùng ven đô.
Nông dân làm ruộng trên những vùng đất nông nghiệp còn lại
bên cạnh các khu công nghiệp, đô thị thành phố Hải Dương _ Ảnh: PV
Diện mạo vùng ven đô
Thành phố Hải Dương gồm 11 phường nội thành và 2 xã ngoại thành; tuy nhiên, có đến 7 phường, xã còn quỹ đất để sản xuất nông nghiệp, hình thành nên vùng ven đô bao quanh thành phố. Vùng này chiếm phần diện tích cũng như dân số rất lớn. Tỷ lệ trên càng tăng lên khi sắp tới 8 xã thuộc 4 huyện tiếp giáp, với diện tích hơn 3 nghìn héc-ta sẽ sáp nhập vào thành phố (nâng tổng diện tích thành phố lên 6,6 nghìn héc-ta, dân số trên 2,5 vạn người). Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra hết sức nhanh chóng nên công tác quy hoạch, xây dựng vùng ven đô của thành phố đến nay vẫn còn nhiều bất cập, đi sau so với tốc độ phát triển thực tế.
Quỹ đất nông nghiệp của vùng ven đô bị cắt giảm hết sức nhanh chóng, dành phần cho phát triển công nghiệp và khu đô thị mới. Tổng diện tích đất nông nghiệp của thành phố từ hơn 1,8 nghìn héc-ta (năm 2000) giảm xuống còn gần 680 ha (năm 2007) và dự kiến sẽ chỉ còn khoảng 200 ha (năm 2010). Phần diện tích đất nông nghiệp còn lại hết sức manh mún, nằm xen giữa các khu công nghiệp, dân cư, hệ thống tưới tiêu bị ách tắc, ô nhiễm, gây cản trở sản xuất và sản xuất tập trung.
Người dân bị thu hồi đất bước đầu chuyển sang làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân mất đất vùng ven đô đến nay vẫn là vấn đề “nóng”, một bài toán nan giải đối với Thành phố Hải Dương. Tổng số lao động nông nghiệp của 7 phường, xã có diện tích đất ven đô bị thu hồi tính đến đầu năm 2007 là gần 13 nghìn người, trong đó số lao động chưa có việc làm chiếm tới hơn 9,1 nghìn người. Để góp phần giải quyết thực tế đó, Thành phố phát triển các làng nghề truyền thống như một kênh thu hút lao động vùng ven đô khá hiệu quả như: làng nghề mộc Đức Minh, làng nghề bánh đa Lộ Cương... Đặc biệt, việc sản xuất những đặc sản địa phương như: bánh đậu xanh, bánh gai, bánh khảo, mây tre đan... không chỉ giải quyết việc làm cho lao động thủ công tại chỗ mà còn là sản phẩm góp phần quảng bá bản sắc văn hóa riêng của Hải Dương, cũng như đem lại giá trị kinh tế cao. Năm 2005, thành phố có 51 đơn vị, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh, đạt sản lượng gần 14 nghìn tấn, doanh thu trên 150 tỉ đồng với tổng số lao động hơn 3,5 nghìn người, trong đó lao động của thành phố là 1,2 nghìn người (chiếm 34,3%).
Có thể nói, diện mạo vùng ven đô Thành phố Hải Dương là một bức tranh đa sắc, trên nền sáng chủ đạo với sự phát triển của các khu công nghiệp, hệ thống đô thị khang trang vẫn tồn tích không ít khoảng tối bắt nguồn từ tình trạng lộn xộn, thiếu nhất quán trong quy hoạch, xây dựng, sản xuất nông nghiệp và các vấn đề xã hội nảy sinh.
Những bất cập ở vùng ven đô là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trong cả nước. Do đặc thù đây là vùng địa lý giao thoa giữa khu vực nội thành phát triển với khu vực xung quanh kém phát triển hơn nên những xung đột, mâu thuẫn mang tính quá độ nảy sinh là điều khó tránh khỏi. Nhưng mặt khác, với diện tích và dân số lớn, vùng ven đô thành phố cũng chính là khu vực ẩn chứa nhiều tiềm năng cho phát triển. Điều chỉnh, khơi dậy những tiềm năng này trên cơ sở của sự ổn định, bền vững sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển tổng thể của cả Thành phố Hải Dương.
“Cú hích” cho vùng ven đô
“Đầu tàu” nội đô phát triển không thể thiếu sự ổn định và tăng trưởng của khu vực ven đô. Việc tạo dựng sự tăng trưởng ổn định và bền vững của vùng này đòi hỏi một hệ các giải pháp đồng bộ:
Công tác quy hoạch phải là mắt xích quan trọng bậc nhất, được tiến hành một cách chủ động, khoa học, với tầm nhìn định hướng xa, không làm theo quy trình ngược: đầu tư đi trước, quy hoạch bị động theo sau, dẫn đến hiện tượng lắp ghép, chắp vá. Tập trung quy hoạch nội đô gắn chặt với công tác quy hoạch vùng ven đô, nhằm tránh dẫn đến sự mất cân đối giữa nội và ngoại thành, xâm hại cảnh quan, môi trường. Bảo đảm hài hòa giữa tài nguyên đất dành cho sản xuất nông nghiệp và đất chuyển đổi cho các mục đích phi nông nghiệp. Không vì những lợi ích trước mắt của việc xây dựng các khu công nghiệp mà thực hiện tràn lan, gây lãng phí quỹ đất, nhất là đất màu mỡ, có hệ thống thủy nông tốt hoặc làm xé lẻ, manh mún, cản trở sản xuất nông nghiệp tập trung. Tuyển chọn, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi, quản lý, thẩm định quy hoạch.
Một góc của thành phố Hải Dương _ Ảnh: PV
Đồng thời, găn kêt chặt chẽ với giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất. Bởi, thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân gốc làm nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực trong đời sống xã hội vùng ven đô. Mặc dù gặp nhiều rào cản như: diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn, số lao động dư thừa nhiều; trình độ văn hóa, chuyên môn của người lao động nông nghiệp thấp; song thành phố đã làm tốt công tác phối hợp với các doanh nghiệp, trường đào tạo nghề cho người lao động, bảo lãnh tín chấp cho lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển dịch vụ khu vực nông thôn, gắn với xây dựng, cải tạo hệ thống các chợ, trung tâm thương mại nhằm kích thích lưu thông, trao đổi hàng hóa phát triển. Đặc biệt coi trọng viêc nhân rộng làng nghề, hỗ trợ các doanh nhân, nghệ nhân đầu tư phát triển sản xuất mặt hàng truyền thống, tham gia xuất khẩu, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân.
Cuối cùng, bảo đảm an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội vùng ven đô. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, nhất là tiếp nhận và giải quyết nhanh đơn thư khiếu nại, tố cáo, xóa bỏ các tệ nạn xã hội. Công khai các quy hoạch về khu công nghiệp, đô thị, khu vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường thanh tra nhằm phát hiện, xử lý các sai phạm về quản lý đất đai, ngân sách tại các phường, xã.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở thành phố và khu vực ven đô. Hiện nay, thành phố có nhiều đề án liên quan đến đô thị hóa như: Đề án Quy hoạch kiến trúc và cảnh quan đô thị thành phố Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010; Nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại II; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân giai đoạn 2006 - 2010. Hằng năm, thành phố phấn đấu giải quyết 2.000 - 2.500 chỗ làm việc cho lao động khu vực nông thôn, trong đó có nhiều hộ mất đất cho các khu công nghiệp và đô thị. Năm 2008, Hải Dương phấn đấu trở thành đô thị loại II. |
Ven đô là khu vực địa lý - dân cư có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vùng ven đô ổn định và tăng trưởng không chỉ hỗ trợ vùng nội đô mà còn tạo nên sự phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững của cả Thành phố Hải Dương. Tuy nhiên, sức bật của ven đô mạnh hay không còn tùy thuộc rất lớn vào việc chăm lo phát triển khu vực này của các cấp chính quyền thành phố, để Thành phố Hải Dương sớm trở thành đô thị loại II vào năm 2008.
Huyện Hoài Đức (Hà Tây): Dạy nghề và giải quyết việc làm tạo đà cho phát triển kinh tế  (01/08/2007)
Sử dụng đất cho mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta  (01/08/2007)
Sức ép của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam  (01/08/2007)
Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững  (01/08/2007)
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ  (01/08/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên