Sức ép của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam

Nguyễn Hồng Thục
09:07, ngày 01-08-2007

Đô thị hóa song hành với quá trình công nghiệp hóa ở nước ta đang từng ngày làm đổi thay diện mạo đất nước, cung cấp những công năng đô thị đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Nhưng, ở một bình diện khác, làn sóng đô thị hóa tự phát trên diện rộng cũng làm nảy sinh nhiều bất cập và để lại những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, quy hoạch, kiến trúc, sản xuất, hệ sinh thái..., gây nên nhiều áp lực đối với sự phát triển của đất nước.

Đô thị hóa tại Việt Nam - nghịch lý đảo ngược

Gần 150 năm trước, trào lưu đô thị hoá bắt đầu ở phương Tây rồi lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX và châu Á là những thập niên 60, 70 thế kỷ XX, đều là hệ quả tự nhiên của quá trình hiện đại hoá đất nước thông qua các cuộc cách mạng công nghiệp. Trước đó nữa, sự chuyển biến các chức năng đô thị trong thời kỳ giao lưu hàng hoá, tiền tệ phát triển mạnh làm xuất hiện hàng loạt nhà ga, hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước, các phương thức xây dựng mới bằng vật liệu bê tông, sắt, thép làm thay đổi bộ mặt của đô thị, kiến trúc thế giới. Trong thế kỷ XX, các nước phát triển đã chuyển gần 80% - 90% dân số cư trú từ nông thôn sang cư trú ở đô thị, đưa số người sống trong đô thị hiện nay lên 50% dân số của thế giới (khoảng hơn 3 tỉ người chỉ trong một thế kỷ). Các cuộc cách mạng công nghiệp tác động đã làm thay đổi diện mạo của cả khu vực thành thị và nông thôn một cách sâu sắc, hình thành nên hệ thống kiến trúc hiện đại, nếp sống văn minh đô thị tại các nước phát triển trên thế giới.

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa lại xảy ra nhiều năm trước quá trình công nghiệp hóa, khiến cho mô hình và tư duy đô thị gặp nhiều khủng hoảng. Nghịch lý này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân do sức ép nhà ở sau chiến tranh và tình trạng đầu cơ đất. Sự phát triển ngược trên khiến hệ thống đô thị ở Việt Nam ngày càng lộ rõ những yếu kém, đi liền với các hệ quả, có thể được gọi là "căn bệnh đô thị" như: kiến trúc thiếu đồng bộ, giao thông tắc nghẽn, nước thải sinh hoạt, di dân tự do và các vấn đề xã hội nan giải khác... Quy hoạch ngày càng xa rời mục đích gốc - vốn phải phục vụ nhu cầu và thói quen của đại bộ phận dân cư.

Các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có tới hàng chục vạn người sống chen chúc trong các ngõ hẻm chật chội, thiếu các nhu cầu tối thiểu về nước sạch, hạ tầng kỹ thuật, chưa nói đến các nhu cầu về việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống... Các khu đô thị mới được phát triển mạnh ở khu vực ven đô thường là các dự án nhỏ lẻ, không đồng bộ, hầu như chỉ xây nhà ở để bán, xa nơi làm việc, trường học, bệnh viện, chợ và các trung tâm giao tiếp nên cư dân vẫn đổ vào trung tâm cũ theo giao thông hướng tâm. Điều này càng trở nên nan giải khi dòng người nhập cư không chính thức từ nông thôn ra thành phố tăng song hành với quá trình đô thị hoá phát triển nhanh hiện nay ở Việt Nam.

Bước ra vùng ngoại vi thành phố, có thể cảm nhận thấy một sự đứt gãy, phá vỡ lớn trong cảnh quan khu vực ven đô, vốn có cấu trúc rất đẹp, tạo dựng nên từ sự phối kết hợp hài hòa của không gian kiến trúc nông thôn truyền thống. Tình trạng bê-tông hóa ven lộ, ven đê, ven đường cao tốc và trong các làng bộc lộ rõ sự không theo kịp của việc quy hoạch nông thôn hiện nay. Trong khi đó, theo các số liệu của Hiệp hội Đô thị Việt Nam, tháng 9-2006, các tổ chức quốc tế dự báo tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đến 2020 đạt 60% chứ không phải là 45% như trong chiến lược phát triển đô thị dự kiến.

Khoảng tối của diện mạo kiến trúc và áp lực từ đô thị hóa

Diện mạo kiến trúc hiện nay đặc trưng bởi các loại hình kiến trúc như: nhà chia lô, khách sạn, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp tập trung và các khu đô thị mới cao tầng, trong đó, phong cách, tính thẩm mỹ và công năng dường như lại có sự sụt giảm đáng kể so với thời kỳ trước đây. Tính tổng thể vốn là nền tảng cho vẻ đẹp đô thị, nhưng hiện nay, diện mạo kiến trúc được xây dựng từ "ngôn ngữ" kiến trúc chắp vá, thiếu tính đồng bộ dẫn đến việc xé lẻ không gian đô thị thành những mảnh riêng biệt. Đây chính là khoảng tối của diện mạo kiến trúc đô thị hiện nay. Có người đã từng nhận xét: "Giới kiến trúc tỏ ra lúng túng trước quá nhiều ngả đường, thể hiện qua tính chất lai tạp Á - Âu, kim - cổ, không có sự nhất quán trong tư tưởng nhận thức thiết kế. Cuối cùng, sau 20 năm, kiến trúc sa vào chủ nghĩa hình thức, lạc hậu và lãng phí". Diện mạo kiến trúc trên là thực tiễn phản ánh học thuật và lý luận đô thị, kiến trúc vẫn còn nhiều khoảng trống.


Thành phố Hà Nội_Ảnh: TL
 
Cùng với những khoảng tối kiến trúc, áp lực từ quá trình đô thị hóa hiện nay cũng rất lớn. Tính đến năm 2005, có khoảng 20 triệu người sống ở đô thị nhưng đến năm 2020, con số này sẽ là khoảng 70 triệu người. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta phải lo cho 50 triệu dân cư đô thị có nhà ở, việc làm và các dịch vụ đời sống khác. Hay tính theo quỹ đất cứ 100m2/đầu người thì cần tới 500 nghìn héc-ta đất dành cho đô thị, trong đó, theo số liệu của Hiệp hội Đô thị Việt Nam dự báo, chỉ riêng về dịch vụ tối thiểu cho 3 hạng mục cấp nước, thoát nước và thu gom xử lý chất thải rắn đã cần khoản tiền đầu tư khổng lồ: 8,9 tỉ USD (năm 2010) và 13 tỉ USD (năm 2020). Những yếu tố khác cũng rất quan trọng phải tính cho tương lai sắp tới như: cần bao nhiêu nhà ở, trường học, bệnh viện... hiện nay vẫn chưa có số liệu chính thức nào được công bố từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Sẽ là quá muộn nếu chúng ta không có những quyết sách đúng đắn về đô thị hoá ở Việt Nam.

Giải pháp nào?

Đô thị hóa là một quá trình phát triển tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch khoa học sẽ làm nảy sinh và để lại rất nhiều hậu quả tiêu cực, lâu dài, gây lãng phí lớn và cản trở sự phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, chiến lược đô thị của Việt Nam phải hướng tới mục tiêu bảo đảm cân đối giữa tính hiện đại với tính bền vững của tự nhiên - con người - xã hội, thông qua việc lựa chọn các mô hình định cư tiên tiến, phù hợp đặc thù của Việt Nam ở đô thị, nông thôn, miền núi, các vùng biên giới, hải đảo; bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của dân tộc, trên cơ sở tìm kiếm những phương thức phát triển đô thị tiết kiệm đất, đô thị xanh, đô thị sinh thái... thay thế cho mô hình đô thị còn tồn tại nhiều bất cập hiện nay của chúng ta.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới nhận thức về đô thị hóa, từ đó đổi mới về hoạch định chính sách, chiến lược và quy hoạch đô thị trên cơ sở một tầm nhìn dài hạn, khoa học và tổng thể. Việc lựa chọn các mô hình định cư tiến bộ cho đô thị và nông thôn, phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được tiêu chuẩn hóa và nghiên cứu ứng dụng ngay từ bây giờ, mặc dù đã là muộn.

Lập các quyết sách cho phát triển đô thị cần có dữ liệu khoa học để cân đối nguồn tài nguyên như: đất, nước, năng lượng... Trong đó, nguồn tài nguyên đất đang cạn kiệt cần đặc biệt chú ý, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh từ nó. Nguồn lực và sự dịch chuyển kinh tế đô thị phải được nghiên cứu để tăng trưởng kinh tế đồng bộ với chất lượng cuộc sống dân cư. Xem xét lại các chính sách, kiến trúc và quy trình thực hiện các dự án đô thị, cũng như những quy định trái với thực tiễn cuộc sống, nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư cho xây dựng đô thị.

Trước thực tiễn người làm công tác chuyên môn liên quan đến vấn đề đô thị còn hạn chế trong việc cập nhật lý luận, các phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới cũng như các vấn đề của thực tiễn đô thị (dẫn đến phương pháp xây dựng lạc hậu, lãng phí, trình độ các công ty xây dựng cũng như khâu thẩm định chất lượng công trình hạn chế), cần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quy hoạch và kiến trúc như một khâu trọng yếu trong quá trình đổi mới về chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam.