Tái định cư cho các công trình thủy điện ở Việt Nam
Giúp dân dọn nhà đến bản tái định cư mới
để xây dựng công trình thủy điện Sơn La_Ảnh: Xuân Trường
Thực trạng công tác tái định cư các dự án thủy điện
Các dự án thủy điện đa phần đều thuộc địa bàn các tỉnh nghèo miền núi và phần lớn ảnh hưởng đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án thủy điện đòi hỏi việc phải xây dựng các hồ chứa nước, hình thành đập thủy điện, tác động nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Các công trình thủy điện với quy mô lớn như: thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình... đòi hỏi việc di chuyển hầu hết cộng đồng dân cư, nhiều vùng trong khu vực lòng hồ, người dân phải di dời, thay đổi nơi cư trú và tái định cư trên nhiều địa bàn mới.
Thủy điện Sơn La có quy mô di chuyển dân để giải phóng mặt bằng lớn. Để có mặt bằng xây dựng công trình, phải di chuyển gần 18 nghìn hộ gia đình, bao gồm hàng chục vạn dân của 160 bản, thuộc 17 xã ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Dự án thủy điện Tuyên Quang di chuyển trên 23 nghìn người thuộc 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn. Trong thời gian tới, một số dự án xây dựng công trình thủy điện lớn ở khu vực Tây Bắc (Huổi Quảng, Nậm Chiến, Lai Châu) và những vùng khác trong cả nước cũng sẽ được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, các dự án tái định cư thủy điện trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc triển khai chậm tiến độ các công việc có liên quan, trước hết là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu (điểm) tái định cư. Thủy điện Sơn La là một điển hình. Cả 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đến giữa năm 2006 mới chỉ lập và phê duyệt được 24 khu tái định cư, đạt 25% kế hoạch so với quy hoạch tổng thể. Tổng các dự án thành phần của 3 tỉnh đã lập là 516 nhưng mới phê duyệt được 210 dự án, đạt 41% kế hoạch. Công tác chuyển dân đến các khu tái định cư tiến độ cũng chậm so với yêu cầu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng với các công trình thủy điện trong nước, việc di dời và tái định cư đã ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 150 ngàn người dân trước đây và 400 ngàn người dân hiện nay. |
Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên, trong đó chất lượng công tác quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư còn thấp là mấu chốt. Những quy hoạch bài bản và có tầm nhìn dài cho các công trình thủy điện cho đến nay chúng ta còn rất thiếu. Việc Chính phủ quy định khống chế suất đầu tư bình quân 500 triệu đồng/hộ dẫn đến công tác lập quy hoạch chi tiết của các địa phương gặp nhiều khó khăn (do phải vừa đáp ứng cả yêu cầu đền bù đầy đủ, ổn định cuộc sống lâu dài cho dân, đồng thời vẫn phải bảo đảm không vượt quá mức trần đền bù đã quy định). Hệ quả của sự chậm trễ này là công tác giải ngân chậm, thủy điện Sơn La đến tháng 5-2006 mới giải ngân được 594 tỉ đồng, đạt 43% kế hoạch. Mặt khác, năng lực thực hiện di dân, tái định cư của các ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn còn nhiều yếu kém, thiếu kinh nghiệm. Nhiều đơn vị được ủy ban nhân dân các tỉnh lựa chọn chỉ chuyên về xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà rất ít am hiểu về lĩnh vực quy hoạch dân cư, di dân và tái định cư liên quan đến nhiều yếu tố xã hội.
Những bất cập nảy sinh
Quá trình thực hiện việc di dân và tái định cư của các công trình thủy điện đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, gây ra những khó khăn, cản trở cho công tác trên.
Chính sách tái định cư chưa có sự thống nhất. Chính phủ ban hành các quyết định riêng cho từng công trình, dự án, mỗi dự án lại có một mức đền bù, hỗ trợ khác nhau, làm nảy sinh tư tưởng so sánh quyền lợi trong nhân dân, ảnh hưởng đến vấn đề công bằng xã hội. Mặt khác, công tác tái định cư còn mang tính áp đặt chủ quan từ các cơ quan chức năng, nguyện vọng của người dân chưa được nhìn nhận thấu đáo trong quá trình hoạch định chính sách.
Công tác đền bù, tái định cư mới chỉ dừng lại ở việc đền bù quyền sử dụng đất và các tài sản thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác về thu nhập kinh tế, lợi thế vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, sản phẩm rừng... chưa được tính đến đầy đủ, trong khi đây lại là những điểm rất quan trọng đối với đời sống người dân và đồng bào dân tộc. Trong thực tiễn, hầu hết người dân tái định cư được đền bù diện tích đất canh tác hẹp hơn và chất lượng xấu hơn so với nơi xuất cư. Hậu quả là trong khi quỹ đất cho sản xuất bị thu hẹp, người dân phải tiếp tục khai thác rừng để bảo đảm nguồn sinh kế, dẫn đến rừng và đất rừng ngày càng bị thu hẹp với chất lượng xấu.
Việc khôi phục lại đời sống của những hộ dân bị ảnh hưởng từ việc tái định cư đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ để khôi phục thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, nhất là giải quyết việc làm thường là ngắn hạn, chưa được xem xét với nguồn tài chính bảo đảm trong nhiều năm. Tại khu tái định cư làng Nẻ, huyện Na Hang của dự án thủy điện Tuyên Quang, các hộ dân từ thị trấn Na Hang chuyển về bị mất nghề buôn bán trước đây, những hộ thuần nông không nhận được đất canh tác hoặc đất không đúng chủng loại, kém chất lượng, dẫn đến hiện tượng người dân tái định cư quay trở về quê cũ, gây khó khăn và phức tạp cho công tác di dân.
Nâng cao hiệu quả công tác tái định cư
Tái định cư cho các công trình thủy điện là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng vạn người dân, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nếu thực hiện không tốt có thể gây ra nhiều hậu quả xã hội hết sức phức tạp. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác tái định cư tại các công trình thủy điện là một đòi hỏi bắt buộc và bức thiết hiện nay. Trước mắt, tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, xây dựng chính sách chung, thống nhất về di dân tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi trong cả nước, trên cơ sở coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các sai phạm. Thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác, công bằng và kịp thời trong thống kê, áp giá, đền bù các hộ dân. Nói một cách khác, chính sách mới cần dựa trên cách tiếp cận trao quyền cho người dân, thay vì việc đáp ứng đơn thuần các nhu cầu thiết yếu của họ. Đây là một cách tiếp cận mới, có thể còn xa lạ với tư duy cũ theo lối chỉ đạo, lập kế hoạch từ trên xuống dưới trong công tác tái định cư, nhưng là một hướng đi cần tìm tòi, thử nghiệm.
Thứ hai, phân cấp mạnh và trao quyền cho các cấp cơ sở, nhất là cấp huyện, thị, gắn với việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quy hoạch và cán bộ trực tiếp làm công tác di dân, tái định cư vốn còn rất thiếu kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn. Bộ máy quản lý dự án di dân, tái định cư thủy điện phải đề cao trách nhiệm, gắn bó sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện ở cơ sở, bảo đảm tiến độ di dân, tái định cư vận hành theo hướng đồng bộ, thống nhất.
Thứ ba, trong quá trình lập kế hoạch di dân, tái định cư nên khuyến khích các hình thức di dân không tập trung theo phương thức xen ghép, tự nguyện nhằm hạn chế sức ép về đất đai tập trung, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, phục hồi nhanh cuộc sống của các hộ dân sau tái định cư, hạn chế những xung đột về văn hóa và phong tục tập quán giữa các cộng đồng. Thực hiện làm điểm khu tái định cư, lựa chọn thiết kế nhà ở và kết cấu hạ tầng cho người dân; khuyến khích các hộ tái định cư tự lập phương án sản xuất theo quy hoạch phê duyệt. Phương thức Nhà nước hỗ trợ vận chuyển, san ủi nền, nhân dân tự tháo dỡ nhà cũ, lắp dựng tại nơi ở mới theo sở thích, nguyện vọng là một cách làm phù hợp.
Thứ tư, nhanh chóng bảo đảm ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân đến định cư và cộng đồng dân sở tại trên các mặt như: sinh kế, nhà ở, an ninh lương thực, việc làm, phát triển sản xuất, giao thông, tránh những rủi ro do di dân, tái định cư gây nên. Trong hệ thống đồng bộ trên, cần đặc biệt chú trọng việc giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất và đất canh tác, vì đây là hai yếu tố mang tính quyết định đến việc ổn định cuộc sống trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài của các hộ dân. Cần có quy định hình thành quỹ phục hồi thu nhập sau tái định cư để hỗ trợ lâu dài cho người dân trong khoảng từ 10 đên 20 năm. Nguồn vốn này tính toán vào dự án và chủ đầu tư các công trình xây dựng nhà máy sẽ trích lợi nhuận hoặc thuế tài nguyên sau khi đưa công trình vào hoạt động.
Thứ năm, tăng cường công tác dân vận nhằm tạo ra sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc đối với chủ trương, chính sách tái định cư. Mỗi cộng đồng dân tộc có những thói quen, lối sống, tập tục canh tác khác nhau, thậm chí ngay trong một cộng đồng, khả năng nhận thức và tác động của việc tái định cư cũng khác nhau giữa các tầng lớp, thế hệ người. Bởi vậy, chính sách tái định cư không thể đồng nhất trong một tổng thể mà phải có các chính sách hết sức cụ thể cho từng đối tượng. Đối với các dự án thủy lợi, thủy điện lớn, tiến hành nghiên cứu xã hội học kỹ lưỡng, nắm vững nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, phong tục, lối sống, thực trạng đất đai và sinh kế của các dân tộc, các hộ gia đình bị ảnh hưởng, nhằm tránh đưa ra những quyết sách về di dân, tái định cư duy ý chí, vội vàng, thiếu khoa học.
Huyện Hoài Đức (Hà Tây): Dạy nghề và giải quyết việc làm tạo đà cho phát triển kinh tế  (01/08/2007)
Sử dụng đất cho mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta  (01/08/2007)
Sức ép của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam  (01/08/2007)
Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững  (01/08/2007)
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ  (01/08/2007)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên