TCCSĐT - Từ ngày 15 đến 17-4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tại nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

* Thành phố Hà Nội: giới thiệu 40 ứng cử viên do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội giới thiệu, trong đó có 4 người tự ứng cử. Trong số 40 ứng cử viên do Thành phố Hà Nội giới thiệu có 15 ứng cử viên là nữ, chiếm 37,5%; có 6 ứng cử viên dưới 40 tuổi (đạt 15%); tất cả đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 11 tiến sĩ (27,5%) và 19 thạc sĩ (47,5%). Hội nghị cũng đã biểu quyết nhất trí cao đưa ra ngoài danh sách chính thức 31 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Hà Nội, trong đó có 7 ứng cử viên xin rút; 13 ứng cử viên có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% và 11 ứng cử viên không chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thống nhất danh sách chính thức 158 ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố, trong đó có 2 người tự ứng cử. Trong tổng số người được giới thiệu có 56 ứng cử viên là nữ (chiếm 35,4%), 21 ứng cử viên trẻ dưới 35 tuổi (13,29%), 23 ứng cử viên ngoài đảng (14,55%). Tất cả 158 ứng cử viên đều có trình độ đại học, trong đó có 26 ứng cử viên có học vị tiến sĩ (16,5%); 37 ứng cử viên có học vị thạc sĩ (23,4%). Theo quy định, thành phố Hà Nội được bầu 95 đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại 30 đơn vị bầu cử.

* Thành phố Hồ Chí Minh: thống nhất danh sách 161 ứng cử viên đại biểu HĐND Thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016. Trong số 161 ứng cử viên có 158 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 3 người tự ứng cử. Số người trẻ là 29 (18,01%), nữ là 46 (28,57%), người ngoài Đảng là 27 (16,77%), có 7 ứng cử viên người dân tộc (5 người Hoa, 1 Chăm, 1 Khmer) và 7 ứng cử viên theo các tôn giáo (Phật giáo 4 người, Công giáo, Tin lành và Hồi giáo cùng có 1 người). Số ứng cử viên trình độ đại học là 101 (62,32%) và trên đại học là 57 (35,4%). Danh sách 161 người ứng cử Đại biểu HĐND Thành phố khóa VIII cũng ghi nhận 10 người công tác trong ngành giáo dục – đào tạo, 8 người thuộc khối báo chí, 5 văn nghệ sỹ, 3 người lĩnh vực TDTT. Do thành phố được tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nên tại kỳ bầu cử này, ngoài bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND Thành phố, chỉ có cử tri của 63 xã, thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành sẽ bầu Đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011 – 2016.

* Quảng Trị: thống nhất danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa kể 2 người do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa phương), trong đó, cơ cấu kết hợp: dân tộc Bru - Vân Kiều chiếm 25%, nữ trẻ tuổi và người ngoài Đảng cùng có tỷ lệ 12,5%, đại biểu tái cử 25%. Hội nghị cũng nhất trí lập danh sách 84 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, để bầu 50 đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Theo UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị, nhìn chung, các xã, phường, thị trấn đều thực hiện nghiêm túc quy trình của bước bốn về tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.

* Thái Bình: thống nhất lập danh sách chính thức 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 99 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016, hội nghị đã nhất trí cho rút 11 người, còn lại 99 người phân bổ cho 16 đơn vị bầu cử để đảm bảo mỗi đơn vị bầu cử có số dư 2 người. Tỉnh Thái Bình sẽ có 9 người được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII và 67 người được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

* An Giang: thống nhất lập danh sách chính thức 13 người ứng cử ĐBQH khóa XIII (chưa tính 4 người do Trung ương giới thiệu) và 115 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016. Sau quy trình hiệp thương lần thứ hai, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp được tiến hành dân chủ, đúng luật, với 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu các đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND tỉnh An Giang khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

* Quảng Nam: chốt danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam là 10 người (chưa kể đại biểu do Trung ương giới thiệu). Hội nghị cũng đã biểu quyết chốt danh sách đại biểu ứng cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 là 102 người. Được biết, chỉ tiêu bầu đại biểu Quốc hội khoá XIII mà Trung ương phân bổ cho đơn vị Quảng Nam là 8 người, trong đó có 3 người do Trung ương giới thiệu. Tổng số đại biểu được bầu của HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 – 2016 được quy định là 58 người.

* Long An: thống nhất danh sách 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII cùng với 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu; 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có 3 người tự ứng cử.

* Điện Biên: thống nhất lập danh danh chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó có 4 nam và 4 nữ, với thành phần cơ cấu dân tộc: 2 người dân tộc Kinh, 2 dân tộc Thái, 2 dân tộc Lào, 2 dân tộc Mông; 6 đảng viên (chiếm 75% số người ứng cử). Ứng cử viên có trình độ học vấn đại học và trên đại học chiếm 87,5%. Việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội đảm bảo dân chủ, đúng quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và quy trình hiệp thương. Hội nghị cũng thống nhất danh sách chính thức 77 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 2011-2016; trong đó có 18 nữ, 59 nam, đại biểu người dân tộc có 55 người (chiếm 71,42%); 69 người là đảng viên (chiếm 89,62%); số đại biểu ở độ tuổi còn trẻ là 25 người (chiếm 32,48%); 52 đại biểu có trình độ học vấn đại học và trên đại học (chiếm 67,52%).

* Lâm Đồng: thống nhất danh sách chính thức có 8 ứng cử viên (trong tổng số 16 ứng cử viên đã qua Hiệp thương lần thứ hai) tại tỉnh với cơ cấu: 1 lãnh đạo chủ chốt, 1 tái cử, 3 dân tộc thiểu số; 5 nữ; 4 trẻ tuổi, 4 ngoài đảng (có nhiều ứng cử viên có cả 4 tiêu chí như: nữ, dân tộc, trẻ, ngoài đảng ). Như vậy danh sách ứng cử viên chính thức ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Lâm Đồng gồm 11 người được bầu tại 3 đơn vị bầu cử. Danh sách ứng cử viên HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng được Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba thống nhất thông qua gồm 107 người và số ứng cử viên này sẽ được bầu tại 17 đơn vị bầu cử để chọn 73 đại biểu.

* Bắc Giang: thống nhất lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó, nữ chiếm 40%, người dân tộc thiểu số chiếm 20%, tuổi trẻ chiếm 40% và người ngoài Đảng chiếm 20%. Như vậy, tỉnh Bắc Giang có 13 người ứng cử ( trong đó có 3 vị do Trung ương giới thiệu về ) tại 3 đơn vị bầu cử để bầu ra 8 đại biểu Quốc hội khóa XIII. Hội nghị cũng đã nhất trí lập danh sách chính thức 127 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, nữ chiếm 42,51%, người dân tộc thiểu số chiếm 22,04%, tuổi trẻ chiếm 21,25%, tôn giáo chiếm 3,95% và người ngoài Đảng chiếm 18,11%. Như vậy, toàn tỉnh Bắc Giang có 127 người ứng cử tại 21 đơn vị bầu cử để bầu ra 85 đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016.

* Tuyên Quang: thống nhất lập danh sách chính thức 7 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Tuyên Quang, trong đó, 3 nam, 4 nữ; 3 dân tộc Tày, 1 dân tộc Sán Chay, 3 dân tộc Kinh; 1 người tái cử; 1 người ngoài đảng; 4 người dưới 35 tuổi, 2 người từ 35 đến 46 tuổi, 1 người trên 50 tuổi. Tất cả các đại biểu ứng cử đều có trình độ học vấn từ đại học trở lên. Hội nghị đã thống nhất lập danh chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang khoá XVII, nhiệm kỳ 2011-2012 là 86 người, trong đó, 31 người dân tộc Kinh, 55 người dân tộc thiểu số. Theo dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII được bầu tại tỉnh Tuyên Quang là 6 đại biểu, trong đó số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 đại biểu, đại biểu do Trung ương giới thiệu là 2 đại biểu.

* Bà Rịa – Vũng Tàu: thống nhất lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Như vậy, cùng với 2 người do Trung ương giới thiệu, tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 10 người sẽ tham gia ứng cử tại 2 đơn vị bầu cử của tỉnh để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII. Danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã được Hội nghị hiệp thương chốt lại gồm 70 người, tham gia ứng cử tại 10 đơn vị bầu cử của tỉnh để bầu ra 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

* Khánh Hòa: lập danh sách chính thức 84 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. 100% ứng cử viên được cử tri tín nhiệm cao, có nhận xét tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Tuy nhiên, Hội nghị đã xem xét và nhất trí để 1 người tự nguyện xin rút khỏi danh sách ứng cử. Khánh Hòa có 14 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh. Dựa trên số dân gần 1,2 triệu người, số đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 được bầu là 53 người.

* Quảng Ngãi: lập danh sách chính thức 8 người ứng cử ĐBQH khoá XIII của tỉnh là cùng với 3 người do Trung ương giới thiệu. Quảng Ngãi được bầu 7 ĐBQH khóa XIII. Theo Nghị quyết số 1045/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ quốc hội khóa XII, tỉnh Quảng Ngãi có 3 đơn vị bầu cử, trong đó có 01 đơn vị bầu cử 03 đại biểu, 02 đơn vị bầu cử 02 đại biểu. Về đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 gồm 94 người. Trong đó, phụ nữ có 21 người ( 22,3%), trẻ 9 người (9,6%), dân tộc 10 người 10,6%, ngoài Đảng 8 người (8,5%).

* Nam Định: đã nhất trí chốt danh sách ứng cử viên ĐBQH khóa XIII đang công tác tại địa phương là 12 người, danh sách ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 107 người. Về cơ cấu đại biểu, trong số 12 người ứng cử ĐBQH khoá XIII đang công tác tại địa phương, tỷ lệ nữ chiếm 50%; người ngoài Đảng chiếm 16,6%; người trẻ tuổi chiếm 25%; người Công giáo chiếm 8,3%; 100% ứng cử viên có trình độ đại học và sau đại học. Trong số 107 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá 2011-2016, nữ chiếm 40%; người ngoài Đảng chiếm 16,8%; người trẻ tuổi chiếm 23,3%; người Công giáo chiếm 6,5%; người tốt nghiệp đại học và sau đại học chiếm 85%.

* Bến Tre: thống nhất lập danh sách chính thức 8 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII (chưa kể 3 ứng cử viên của Trung ương). Hội nghị cũng đã nhất trí danh sách chính thức 93 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, trong số này có 16 vị tái cử, 8 người ngoài Đảng; tỉ lệ nữ chiếm 31%, trẻ 16%; khối Đảng 22,58%, khối Nhà nước 24,7%, mặt trận – đoàn thể 26,8%, LLVT 7,5%, xã hội - nghề nghiệp 28%.

* Bắc Kạn: đã chốt danh sách 8 người tham gia ứng cử ĐBQH khoá XIII, gồm 3 nữ (bằng 37,5%), 4 người dân tộc Tày, 2 dân tộc Kinh, một dân tộc Dao, một dân tộc Nùng. Người trẻ nhất 34 tuổi, cao nhất 56 tuổi. Hội nghị cũng xem xét danh sách 83 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh để rút xuống còn 78 người, từ đó chọn 50 đại biểu HĐND tỉnh. Trong danh sách ứng cử viên HĐND tỉnh có 28 nữ, chiếm 35,8%; 7 người dưới 35 tuổi (8%) và 7 người ngoài đảng (8%).

* Kon Tum: chốt danh sách 8 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII, 2 ứng cử viên khác có đơn xin rút khỏi danh sách và đã được hầu hết đại biểu đồng ý. Theo dự kiến phân bổ cơ cấu, tỉnh Kon Tum có 6 ĐBQH khoá XIII, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Đối với HĐND tỉnh, hội nghị cũng chốt lại 74/104 người ứng cử. 30 ứng cử viên còn lại đã có đơn xin rút, một số người không đủ phiếu tín nhiệm, không đúng thành phần, cơ cấu và không tiếp xúc cử tri nơi cư trú.

* Bình Định: lập danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII gồm 11 người (không kể 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu). Đối với ứng cử viên HĐND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2011-2016 với tổng cộng 95 người và dự kiến bầu chính thức là 59 đại biểu.

* Hưng Yên: lập danh sách chính thức 8 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Như vậy, cùng với 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng số 11 người ứng cử, số đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa 13 sẽ là 7 đại biểu. Hội nghị cũng thống nhất lập danh sách 79 người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá 15, trong đó có 1 người tự ứng cử.

* Bình Dương: thống nhất lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Hội nghị cũng thống nhất lập danh sách chính thức 94 ứng cử viên HĐND tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 trong số 103 người được Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ do có 7 người có đơn xin thôi không tiếp tục ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và có 02 trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp dứơi 50%. Như vậy danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội đủ vừa theo số lượng được qui định là 10 của tỉnh cùng với 03 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về tỉnh để bầu lấy 08 đại biểu; danh sách ứng cử đại biểu ứng cử HĐND tỉnh thừa 01 đại biểu theo qui định để dự phòng theo qui định danh sách là 93 người để bầu lấy 63 đại biểu HĐND tỉnh.

* Lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương: Hội nghị đã nhất trí thông qua danh sách 182 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, giảm một người so với con số 183 ứng cử viên sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Theo danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, gồm: 11 người thuộc các cơ quan của Đảng; 100 người hoạt động chuyên trách thuộc các cơ quan Quốc hội; 3 người thuộc cơ quan Chủ tịch nước; 20 người thuộc Chính phủ; 16 người thuộc lực lượng vũ trang (quân đội, công an); 2 người thuộc khối tư pháp; 30 người thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

* Bắc Ninh: đã chốt danh sách chính thức 8 người ứng cử ĐBQH và 79 người tham gia ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016.

* Lào Cai: thống nhất danh sách chính thức 8 người ứng cử ĐBQH khoá XIII, trong đó có 4 nữ, 4 dân tộc (dân tộc Mông 2 người, dân tộc Giáy 2 người) và tuổi trẻ có 3 người. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng đã biểu quyết nhất trí danh sách chính thức 82 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016, trong đó có: 33 nữ (40,2%); 63 người là đảng viên (76,8%); 19 người ngoài đảng (23,2%); 12 người tái cử (14,6%); tuổi trẻ có 28 người (34,1%); dân tộc thiểu số có 53 người (64,6%).

* Thái Nguyên: lập danh sách gồm 8 người, 100% ứng cử viên đều là đảng viên, ứng cử viên người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 25%, 100% ứng cử viên có trình độ chuyên môn, học vấn từ cử nhân trở lên. Như vậy, cùng với 3 ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII do Trung ương giới thiệu, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh Thái Nguyên là 11 người. Cùng với danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH khoá XIII, danh sách chính thức số lượng người ứng cử HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016 đã được thông qua gồm 119 người (giảm so với danh sách ban đầu 26 người), trong đó nữ chiếm tỷ lệ 40,3%, trẻ tuổi 20,1%, ngoài Đảng 15,9%, dân tộc thiểu số 39,4%.

* Cần Thơ: lập danh sách chính thức có 11 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII để bầu 07 đại biểu, kể cả 03 ứng cử viên Trung ương và giới thiệu 76 ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố để bầu lấy 54 đại biểu.

* Bạc Liêu: lập danh sách chính thức 9 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII, với thành phần cơ cấu: nữ, chiếm 22,22%; người ngoài đảng, chiếm tỷ lệ 11,11%; đại biểu trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ 22,22%; đại biểu tái cử, chiếm tỷ lệ 11,11%. Hội nghị cũng đã thống nhất danh sách 78 ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016, về thành phần cơ cấu: nữ, chiếm tỷ lệ 28,20%; dân tộc, chiếm tỷ lệ 7,69%; đại biểu trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ 11,54%; người ngoài đảng, chiếm tỷ lệ 11,54%.

* Tây Ninh: lập danh sách 8 ứng cử viên vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và 84 ứng cử viên HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có 1 trường hợp tự ứng cử.

* Quảng Ninh: đã biểu quyết thông qua danh sách 8 người ứng cử ĐBQH khoá XIII và 114 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XII.

* Đắk Nông: lập danh sách chính thức 9 ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIII.

* Quảng Bình: đã lập danh sách chính thức 8 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 76 ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

* Ninh Thuận: thống nhất danh sách 8 người trong tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; tỉ lệ số người ứng cử thuộc diện nữ chiếm 37,5%, dân tộc thiểu số 12,5%, trẻ tuổi 50%, ngoài Đảng 12,5 %, tái cử 12,5%. Cùng với 2 người của Trung ương giới thiệu về ứng cử, tỉnh Ninh Thuận lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (số đại biểu Quốc hội khóa XIII được bầu tại tỉnh Ninh Thuận là 6 đại biểu).

* Phú Yên: thống nhất chốt danh sách giới thiệu 8 ứng cử viên là người đang công tác và cư ngụ tại địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 82 người là ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Các ứng viên này đều có trình độ đại học trở lên, không có người tự ứng cử và hầu hết được cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100%. Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Yên đã thành lập 2 Ban bầu cử đại biểu Quốc Hội, 15 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và 811 tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu.

* Trà Vinh: lập danh sách chính thức 8 ứng cử đại biểu Quốc hội và 76 ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Trà Vinh.

* Hải Dương: nhất trí với danh sách chính thức 90 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương khoá XV và cũng đồng ý cho rút 11 người. 100% ứng cử viên được cử tri tín nhiệm cao, có nhận xét tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong số 90 người ứng cử chính thức thì tỷ lệ nữ chiếm 32,2 % (29/90), người ngoài đảng chiếm 20% (18/90) và người trẻ tuổi dưới 35 ( chiếm 16,7%) (15/90). Nhiệm kỳ này, tỉnh Hải Dương có 13 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh, trong đó TP.Hải Dương có 2 điểm. Dựa trên số dân hơn 1,7 triệu người, số đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2011- 2016 được bầu là 64 người.

* Thanh Hoá: thống nhất danh sách ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh Thanh Hoá gồm 26 người; trong đó, ứng cử viên do Trung ương giới thiệu là 6 người, cư trú và làm việc tại địa phương là 20 người. Trong đó đại biểu nữ 8 người ( chiếm 40%), đại biểu trẻ 7 người ( 35%), đại biểu là người ngoài đảng 4 người ( 20%); đại biểu là người dân tộc thiểu số 5 người ( 25%). Lần bầu cử này, tỉnh Thanh Hoá được bầu 16 đại biểu Quốc hội, có 6 người do Trung ương giới thiệu, đại biểu ở địa phương là 10 người. Hội nghị cũng đã thống nhất chốt danh sách 157 ứng cử viên tham gia bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2011-2016; trong nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh Thanh Hoá bầu 95 đại biểu.

* Nghệ An: thống nhất danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh Nghệ An là 17 người; đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 135 người.