1. Tổng thống Ê-qua-đo cam kết đẩy nhanh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa

Ngày 10-8-2009, ông Ra-fa-en Cô-rê-ra, Tổng thống Ê-qua-đo, 46 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sớm diễn ra tháng 4-2009. Tại lễ nhậm chức ở Quốc hội, trước sự chứng kiến của 10 lãnh đạo các nước thành viên Liên minh Các nước Nam Mỹ (UNASUR), Tổng thống Ra-fa-en Cô-rê-ra cam kết sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cải tổ Hiến pháp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó ưu tiên lợi ích người nghèo. Ông khẳng định tiếp tục đẩy nhanh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do ông khởi xướng, nhằm thiết lập công bằng, bình đẳng, phát triển và không phân biệt chủng tộc ở Ê-qua-đo. Về đối ngoại, Tổng thống Ra-fa-en Cô-rê-ra nêu rõ, Ê-qua-đo tiếp La-tinh, nhất là với các nước UNASUR và Liên minh Bô-li-vi-a cho châu Mỹ (ALBA).

2. Các nước Bắc Mỹ cam kết hành động tích cực và hợp tác

Ngày 10-8-2009, Hội nghị cấp cao các nước Bắc Mỹ lần thứ 5 đã bế mạc với việc thông qua "Tuyên bố chung các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ". Trong đó, lãnh đạo 3 nước, gồm Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Thủ tướng Ca-na-đa S. Ha-pơ và Tổng thống nước chủ nhà Mê-hi-cô F. Can-đe-rôn cam kết sẽ hành động tích cực và hợp tác để đối phó dịch cúm A (H1N1), phục hồi kinh tế, chống buôn lậu ma túy và chống biến đổi khí hậu. Về vấn đề phục hồi kinh tế, tuyên bố chung nhấn mạnh trao đổi thương mại giữa ba nước cần được mở rộng và tránh bảo hộ mậu dịch. Ba nhà lãnh đạo tin tưởng hội nghị cấp cao sắp tới của Nhóm 20 (G-20) tại Mỹ và hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu vào cuối năm nay tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch), sẽ giúp giải quyết phần nào cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như đẩy mạnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

3. Vê-nê-du-ê-la tăng cường quan hệ thương mại với Ác-hen-ti-na

Ngày 11-8-2009, nhân chuyến thăm chính thức Vê-nê-du-ê-la của Tổng thống Ác-hen-ti-na C.Phéc-nan-đéc, tại Thủ đô Ca-ra-cát, hai nước đã ký 22 thỏa thuận hợp tác kinh tế ước tính trị giá 1,1 tỉ USD. Trước đó, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét có cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ liền với Tổng thống C.Phéc-nan-đéc. Các thỏa thuận trên được ký trong bối cảnh Vê-nê-du-ê-la đang tìm thị trường nhập khẩu thay thế Cô-lôm-bi-a sau khi quyết định đình chỉ quan hệ với nước này do Bô-gô-ta cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự sẽ đe dọa an ninh và sự ổn định tại Mỹ La-tinh. Trước đó, Tổng thống Hu-gô Cha-vét tố cáo quân đội Cô-lôm-bi-a thâm nhập lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la qua đường sông Ô-ri-nô-gô, đồng thời kêu gọi lực lượng quân đội Vê-nê-xu-ê-la chuẩn bị sẵn sàng đối phó nếu xảy ra xung đột. Vê-nê-xu-ê-la đã quyết định chấm dứt chương trình bán dầu giá ưu đãi cho Cô-lôm-bi-a từ ngày 9-8-2009. Từ trước tới nay, Vê-nê-xu-ê-la là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cô-lum-bi-a với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 7 tỉ USD năm 2008.

4. Thủ tướng Nga V.Pu-tin tuyên bố ủng hộ Áp-kha-di-a

Ngày 13-8-2009, trong chuyến thăm Áp-kha-di-a, Thủ tướng Nga V.Pu-tin cam kết rằng quân đội Nga ủng hộ Áp-kha-di-a trong bất kỳ tình huống xung đột mới nào với Gru-di-a. Nga đã, đang và sẽ ủng hộ Áp-kha-di-a về kinh tế, chính trị và cả quân sự nếu thấy cần thiết. Trong 2 năm 2010-2011, Nga sẽ chi 10,9 tỉ rúp (tương đương 350 triệu USD) để phát triển kinh tế ở Áp-kha-di-a. Thủ tướng Nga V.Pu-tin cũng yêu cầu Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) công nhận nền độc lập cho Áp-kha-di-a nếu như các giám sát viên của họ được cử tới đây. Áp-kha-di-a và Nga không phản đối các quan sát viên nước ngoài từ các tổ chức khác nhau, trong đó có Liên hợp quốc và OSCE, nhưng việc này phải dựa trên cơ sở các thỏa thuận tương ứng được đưa ra cùng với việc các bên phải công nhận chủ quyền của Áp-kha-di-a.

5. Khai mạc Diễn đàn hòa bình Chê-xu lần thứ 5

Ngày 12-8-2009, Diễn đàn hòa bình Chê-xu (Jeju) lần thứ 5, một trong những hội thảo an ninh quốc tế có quy mô lớn nhất, đã khai mạc tại đảo Chê-xu (Hàn Quốc), với sự tham dự của 500 chuyên gia và các quan chức chính phủ từ 14 nước trên thế giới. Diễn đàn lần này diễn ra trong 3 ngày với chủ đề "Tầm nhìn chung vì thịnh vượng và lợi ích chung trong thế kỷ XXI". Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình thế giới, các vấn đề nóng đang nổi lên ở khu vực, trong đó có an ninh và cơ chế hòa bình cho khu vực Ðông Á. Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận này, Thủ tướng Hàn Quốc Han Xê-ung Xô (Seung-soo) kêu gọi mở rộng hợp tác đa phương trong khuôn khổ Ðông - Bắc Á nhằm tiến tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng Ðông Á. Ông cho rằng, Ðông Á đang được nhìn nhận như biểu tượng của châu Á đang lên, và vì thế tiến trình hợp tác đa phương tại khu vực này sẽ có tác động tới nhiều khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và hợp tác liên Triều cũng được đưa ra thảo luận. Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết của việc Triều Tiên tham gia tiến trình hòa bình khu vực, thúc đẩy phi hạt nhân hóa cũng như việc nối lại đàm phán sáu bên.

6. Thỏa thuận quân sự song phương giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a

Ngày 12-8-2009, đoàn đại biểu Cô-lôm-bi-a đã tới Oa-sinh-tơn để thương lượng về những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận quân sự song phương, theo đó Mỹ sẽ được phép sử dụng 7 căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a. Nếu tiến triển thuận lợi, cuộc thương lượng về thỏa thuận nói trên sẽ là cơ sở để chính phủ hai nước chính thức ký kết. Thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a là sự mở rộng của cái gọi là “Kế hoạch Cô-lôm-bi-a” mà hai nước đã khởi động từ năm 2000 với mục tiêu chính thức là chống buôn lậu ma túy. Nhiều nước cánh tả và các phong trào tiến bộ tại Mỹ La-tinh cho rằng, việc làm này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa xung đột giữa Cô-lôm-bi-a với một số quốc gia láng giềng như Vê-nê-xu-ê-la hay Ê-cu-a-đo.

7. ASEAN và Ấn Ðộ ký Hiệp định thương mại tự do

Ngày 13-8-2009, tại Băng-cốc (Thái-lan), Ấn Ðộ và Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) sau hơn 6 năm đàm phán. Hiệp định này sẽ loại bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng điện tử, hóa chất, dệt may và máy móc sản xuất, chiếm hơn 80% tổng thương mại hàng hóa song phương. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Thuế đối với những mặt hàng trên sẽ được giảm xuống mức 0% trong giai đoạn 2013-2016. Ðối với những mặt hàng thuộc danh mục "nhạy cảm cao", như dầu cọ và cà-phê, sẽ được giảm thuế trong khoảng mười năm, nhưng với mức độ rất nhỏ. FTA giữa Ấn Ðộ và ASEAN không bao gồm các sản phẩm phần mềm và công nghệ thông tin (IT), vốn là thế mạnh của Ấn Ðộ. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Ðộ, sau Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Ðộ và ASEAN đạt 47 tỉ USD trong năm 2008.

8. Liên minh châu Âu (EU) mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Mi-an-ma

Ngày 13-8-2009, Liên minh châu Âu (EU) đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Mi-an-ma như bổ sung danh sách các cá nhân và các chủ thể Mi-an-ma không được cấp thị thực nhập cảnh vào EU và bị phong tỏa tài sản. Động thái này được EU đưa ra hai ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng hòa bình và phát triển Mi-an-ma, Thống tướng Than Xuề (Than Shwe) đã ký lệnh đặc biệt giảm án cho thủ lĩnh đối lập A-ung Xan Xu Ki (Aung San Suu Kyi), 64 tuổi. Theo lệnh này, mức án dành cho bà A-ung Xan Xu Ki là 18 tháng quản thúc tại gia, giảm so với mức án 3 năm tù giam vì tội "vi phạm lệnh quản thúc tại gia" trước đó. EU áp đặt cấm vận Mi-an-ma từ năm 1996, sau đó năm 2007 lại đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt mới. Tháng 4 vừa qua, EU gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt quốc gia châu Á này. Sau đó 1 ngày, ngày 14-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố báo chí về tình hình Mi-an-ma. Tuyên bố tái khẳng định những tuyên bố trước đó của Hội đồng Bảo an về tình hình Mi-an-ma, bày tỏ lo ngại sâu sắc về bản án đối với bà A-ung Xan Xu Ki. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh cam kết về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mi-an-ma và tương lai của Mi-an-ma thuộc về tất cả người dân nước này.

9. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEM) khai mạc tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan

Ngày 13-8-2009, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEM) chính thức khai mạc tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan với sự tham dự của bộ trưởng và quan chức kinh tế, thương mại 10 nước thành viên ASEAN, với chủ đề "Cùng tiến bước và làm việc hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN". Tại hội nghị, các đại biểu xem xét tiến trình thành lập thị trường chung thống nhất theo khuôn khổ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015; xác lập khung cơ chế hoạt động trong giai đoạn quá độ sau năm 2015, đề ra các sáng kiến và nghiên cứu tính khả thi của quy chế hợp tác phát triển Liên minh Hải quan cùng các hình thức hợp tác khác nhằm nâng cao sức mạnh của hiệp hội; thảo luận quy định khung về khu vực thương mại tự do, trong đó có việc lập ra cơ chế giám sát các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN về Thương mại hàng hóa, đặc biệt là lịch trình cắt giảm thuế. Sáng cùng ngày, đại biểu các nước ASEAN và các nền kinh tế khác ở châu Á đã tham dự Hội chợ Thời trang và Thương mại châu Á ở ngoại ô Băng-cốc.

10. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu có hiệu lực

Ngày 14-8-2009, bà Pon-thi-va Na-ca-xai (Pornthiva Nakasai), Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 41, cho biết, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã nhất trí rằng, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN sẽ bắt đầu có hiệu lực muộn nhất là từ tháng 10-2008, là thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan. Theo bà Pon-thi-va, các nước ASEAN còn đồng ý áp dụng một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại khu vực, như thiết lập Khung tạo thuận lợi thương mại ASEAN, thành lập Ủy ban tham vấn chung về tạo thuận lợi cho thương mại ASEAN, mở trang web thương mại ASEAN.

11. Nga và Đức thúc đẩy đối tác chiến lược trong kinh tế

Ngày 14-8-2009, tiếp Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đang thăm Nga, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép tuyên bố, thông qua việc củng cố các mối quan hệ kinh tế chiến lược song phương, Nga và Đức có thể giúp các nền kinh tế và người dân hai nước khắc phục hậu quả và vượt lên từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Bà Méc-ken xác nhận, mục tiêu cuộc gặp tập trung vào các vấn đề kinh tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng Nga và Đức sẽ tận dụng mọi cơ hội xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Giới phân tích nhận định, các thỏa thuận vừa được hai nhà lãnh đạo Đức và Nga cam kết tuy không có ý nghĩa nhiều về kinh tế đối với Nga nhưng có thể giúp bà Méc-ken giải quyết được khó khăn về kinh tế - xã hội ở Đức và có ý nghĩa rất quan trọng đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc" của Nga.

12. Trụ sở của NATO tại thủ đô Áp-ga-ni-xtan bị tiến công

Ngày 15-8-2009, một chiếc xe bom đã phát nổ ngay phía ngoài cổng chính trụ sở NATO ở thủ đô Ca-bun đúng vào thời điểm chỉ còn 5 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ở Áp-ga-ni-xtan, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 91 người bị thương. Đây là vụ tấn công lớn nhất nhằm vào NATO ở ngay trong lòng thủ đô của Áp-ga-ni-xtan trong sáu tháng nay. Tổ chức Ta-li-ban đã nhận trách nhiệm việc này và tuyên bố mục tiêu tiến công là trụ sở NATO và Đại sứ quán Mỹ ở Ca-bun. Trụ sở NATO tại Ca-bun là nơi ở và làm việc của chỉ huy hàng đầu của Mỹ - Tướng Xten-ly Mác Crít-tồ (Stanley McChrystal). Trụ sở này cũng nằm cạnh Đại sứ quán Mỹ và nằm chung một con đường với Dinh Tổng thống Áp-ga-ni-xtan. Vụ đánh bom ngay cổng trụ sở NATO là vụ tấn công lớn đầu tiên vào thủ đô Ca-bun kể từ vụ 8 chiến binh Ta-li-ban tấn công đồng loạt 3 tòa nhà của chính phủ ở trung tâm thành phố hồi tháng 2, khiến 23 người chết. Áp-ga-ni-xtan hiện đã phải hứng chịu một loạt các vụ bạo lực ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng. Các binh lính Mỹ, NATO và Áp-ga-ni-xtan đang được triển khai để bảo vệ các điểm bỏ phiếu, đặc biệt là ở những khu vực do các chiến binh kiểm soát./.