1. Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh

Ngày 10-8-2009, tại Hà Nội diễn ra Ðại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài dưới sự chủ trì của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hơn 200 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 40 đại biểu của các cơ quan trung ương và địa phương, gần 80 đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong nước về tham dự Đại hội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 32 đại biểu. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Technocom, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn U-crai-na được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác về lĩnh vực có liên quan

2. Phát động "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" năm 2009

Ngày 10-8-2009, tại thị xã Gia Nghĩa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Ðác Nông tổ chức phát động "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" năm 2009 (từ ngày 10-8 đến 10-9-2009). Hiện cả nước có ba triệu nạn nhân chất độc da cam, đi-ô-xin, trong đó có khoảng 150 nghìn trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nhiều nạn nhân là thế hệ con cháu. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2004 đến nay, các phong trào hành động cụ thể của toàn xã hội đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân chất độc da cam từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tại buổi lễ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao nhiều suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Ðác Nông. Nhân dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã đến tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Ðác Nông và ủng hộ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh với số tiền 550 triệu đồng.

3. Thành lập Ban Tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam

Ngày 10-8-2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định số 1173/QÐ-TTg, về việc thành lập Ban Tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ban Tổ chức gồm 19 thành viên là lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc cùng với lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và cơ quan Chính phủ liên quan; trong đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử làm Trưởng ban. Theo quyết định, Ban Tổ chức có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam trình Ban Chỉ đạo phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt. Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Ủy ban Dân tộc để chỉ đạo, điều hành công việc.

4. Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Từ ngày 11-8 đến ngày 15-8-2009, sau năm ngày làm việc khẩn trương, sáng 15-8, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc. Tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của các dự án Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Cơ yếu; vấn đề tên gọi của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; và cho ý kiến lần đầu vào ba dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Trọng tài thương mại và Luật Bưu chính. Nghe báo cáo về một số vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là Công ty Tiên Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh); báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH 11 ngày 30-9-2004 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, kiểm sát.

5. Thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo quốc gia

Ngày 12-8-2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các thành viên trong Ban Chấp hành đánh giá kết quả bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng giảm nghèo trong thời gian tới. Chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt..., tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, để tiếp tục làm tốt công tác này, quan trọng nhất là gắn Chương trình giảm nghèo với các chương trình khác như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo một triệu lao động nông thôn, đào tạo khuyến nông - lâm - ngư nghiệp. Chương trình Trái phiếu Chính phủ tập trung vốn cho các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế ở 61 huyện nghèo. Quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả nguồn vốn quý giá này.

6. Ðàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc

Từ ngày 12-8 đến ngày 14-8-2009, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Trung Quốc Vũ Ðại Vĩ đã tiến hành cuộc gặp tại Hà Nội. Hai bên đã trao đổi các biện pháp đẩy nhanh việc hoàn tất Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc để ký trước cuối tháng 12-2009; thúc đẩy xây dựng Hiệp định về cùng hợp tác khai thác, phát triển du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu, thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân. Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế hiện hành, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; tích cực trao đổi về việc tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác như tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường biển, dự báo sóng biển... Hai bên đồng ý xây dựng cơ chế thích hợp nhằm kịp thời xử lý các tranh chấp trên biển.

7. Công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009

Ngày 13-8-2009, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Báo cáo sơ bộ kết quả cho biết, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009 là 85.789.573 người, với sai số thuần là 0,3% (thu thập được qua phúc tra). Như vậy, Việt Nam là nước đông dân thứ ba ở Ðông - Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Sau mười năm, dân số Việt Nam tăng thêm 9.470.000 người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Theo kế hoạch, kết quả toàn bộ của cuộc Tổng điều tra sẽ được tổng hợp bằng công nghệ quét (scanning) và công bố vào tháng 9-2010.

8. Hội nghị Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 13-8-2009, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 14 (khóa VI), xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận sáu tháng cuối năm 2009 và lấy ý kiến đóng góp các dự thảo Báo cáo trình Ðại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, đồng chí Huỳnh Ðảm cho biết, đến ngày 29-7-2009, cả nước đã hoàn thành tổ chức Ðại hội Mặt trận Tổ quốc cấp xã, huyện, tỉnh. Ðại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần nâng cao nhận thức đường lối, chiến lược của Ðảng về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Các Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp ý kiến các dự thảo Báo cáo trình Ðại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở đó Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thụ, hoàn chỉnh để công bố, lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

9. Hội nghị Chủ tịch và Tổng Thư ký các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Ðông - Nam Á

Ngày 13-8-2009, tại Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Chủ tịch và Tổng Thư ký các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Ðông - Nam Á do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị được tổ chức hằng năm, luân phiên tại các quốc gia trong khu vực. Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Hội nghị lần này dự định thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nổi lên các chủ đề: quản lý thảm họa, chăm sóc sức khỏe, thách thức của biến đối khí hậu… là những vấn đề mang tinh thần nhân văn cao cả và có tính thời sự thiết thực vì nó sẽ hỗ trợ kịp thời cho cuộc sống của những người dân khó khăn hoặc những người gặp hoạn nạn ở bất kỳ quốc gia nào. Đây là dịp thuận lợi để các Hội quốc gia trong khu vực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, củng cố tổ chức và tăng cường khả năng hỗ trợ, ứng phó trước thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ, sự giúp đỡ vì hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước. Năm nay, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có một số chủ đề chính thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia: ứng phó và cứu trợ các thảm họa, chăm sóc sức khỏe, ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu.

10. Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lao động Việt- Lào

Sáng 14-8-2009, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động giữa hai nước. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam và ông On chăn Tham-ma-vong, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào chủ trị Hội nghị. Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm có khoảng 20.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lào theo các dự án hợp tác hoặc lao động thời vụ. Đây là yếu tố tích cực góp phần tăng cường sự hiểu biết, thể hiện sự hợp tác trên nhiều mặt; đặc biệt là cụ thể hóa Hiệp định Hợp tác lao động tháng 6-1995 và Nghị định thư sửa đổi bổ sung Hiệp định ngày 8-4-1999 giữa hai nước. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Hội nghị lần đầu tiên nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết và thống nhất đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Lào trong những năm tới”.

11. Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 8

Ngày 13-8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến dự Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 8 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 700 đại biểu từ 26 quốc gia cũng đến tham dự hội nghị này. Hội nghị lần này trao giải thưởng quản lý bệnh viện châu Á cho các bệnh viện xuất sắc trong khu vực nhằm tôn vinh các bệnh viện đã thực hiện được những phương pháp thực hành tối ưu. Giải thưởng này đã thu hút 247 phiếu dự thi đại diện cho 62 bệnh viện từ 15 quốc gia. Việt Nam không có bệnh viện nào lọt vào danh sách đề cử của vòng chung kết năm nay. Bên lề Hội nghị còn có hội chợ quốc tế Expo triển lãm các khuynh hướng mới của bệnh viện 2009, giới thiệu những giải pháp mới, các sản phẩm và kỹ thuật được thiết kế cho các nhà lãnh đạo bệnh viện nhằm phát huy chất lượng điều trị. 60 diễn giả giới thiệu những kinh nghiệm về quản lý bệnh viện trên thế giới, giúp các đại biểu tham dự trau dồi kỹ năng, mở rộng tư duy và tăng cường khả năng chuyên môn..

12. Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX

Sáng 14-8, tại Hà Nội, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 23, ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều mục tiêu quan trọng của đất nước đã được thực hiện. Những kết quả của Hội nghị sẽ được trình Bộ Chính trị ra kết luận, làm cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

13. Trung Quốc thả tàu và các ngư dân Việt Nam

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi có ý kiến của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 14-8, tàu cá QNg-95031 do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự điều khiển chở 25 ngư dân Quảng Ngãi đã từ Trung Quốc trở về huyện Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) an toàn. Tuy nhiên, tàu thuyền, ngư cụ và trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản của ngư dân huyện Lý Sơn vẫn còn bị giữ ở Trung Quốc. Ngay trong sáng 14-8, đại diện Quỹ hỗ trợ nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo huyện Lý Sơn, các đồn biên phòng đã đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân vừa trở về. Quỹ hỗ trợ nghề cá Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho mỗi ngư dân 2 triệu đồng. Trước đó, ngày 11-8-2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết, cơ quan hữu quan của Trung Quốc thông báo cho Ðại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh là phía Trung Quốc đã thả tàu cá QNg 95031 và toàn bộ ngư dân Việt Nam, gồm cả 12 ngư dân của hai tàu cá Quảng Ngãi mà họ đã tạm giữ trước đó. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn tồn tại./.