Ngày 17-4, Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) của Nhật Bản tuyên bố họ đặt mục tiêu trong vòng ba tháng tới sẽ giảm rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 (Fukushima-1), trong vòng 6-9 tháng làm mát các lò phản ứng trong điều kiện ổn định và kiểm soát nồng độ phóng xạ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch TEPCO Chư-nê-hi-xa Ca-chư-ma-ta (Tsunehisa Katsumata) cho biết công ty đã đề ra lộ trình từng bước nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay, trong đó bước đầu tập trung nhằm ngăn chặn sự phát nổ của khí hyđrô trong các lò phản ứng bằng cách bơm khí nitơ, đồng thời tránh thải nước nhiễm xạ ra môi trường xung quanh.

Đánh giá về kế hoạch trên của TEPCO, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ban-ri Cai-ê-đa (Banri Kaieda) cho rằng đây là một bước đi quan trọng, giúp chuyển cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay từ giai đoạn khẩn cấp sang giai đoạn ổn định. Bộ trưởng Cai-ê-đa cũng cho biết trong vòng từ 6 đến 9 tháng tới, chính phủ có thể đánh giá lại khu vực an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân, có thể là ngoài phạm vi bán kính 20 km. Nhà chức tránh đã khuyến cáo người dân sơ tán khỏi phạm vi bán kính hơn 30 km xung quanh nhà máy.

Cùng ngày, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton), hai bên đã khẳng định lại quan hệ đối tác trong nỗ lực tái thiết Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần, đồng thời nhất trí về một sáng kiến mới phối hợp các thành phần công- tư của hai nước trong tiến trình tái thiết.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Ta-kê-a-ki Ma-chư-mô-tô (Takeaki Matsumoto), bà Hi-la-ri Clin-tơn khẳng định Mỹ "trước sau như một ủng hộ Nhật Bản xây dựng lại đất nước sau cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có này". Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản cam kết Tô-ki-ô sẽ tiếp tục công bố đầy đủ thông tin về nỗ lực giải quyết tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Ông cho biết Nhật Bản sẽ lập kế hoạch tái thiết và mong muốn hợp tác với Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới để có thể đẩy nhanh tiến trình.

Hai ngoại trưởng cũng đã nhất trí về một sáng kiến mới khắc phục hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần, theo đó chính phủ, giới doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ hai nước phối hợp hỗ trợ tiến trình tái thiết ở Nhật Bản.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan) sau đó, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng Nhật Bản sẽ tự mình xây dựng lại đất nước và tiếp tục giữ vị thế cường quốc kinh tế quan trọng trong những thập kỷ tới.