Đồng chí Phùng Chí Kiên với căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn và Đội cứu quốc quân I
TCCSĐT - Là chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được giao nhiệm vụ phụ trách quân sự của Đảng, Tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân I. Đạo đức cách mạng sáng ngời cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi giữ nguyên giá trị, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đội du kích Bắc Sơn - tiền thân của Đội Cứu quốc quân I
Cuối năm 1939, đầu năm 1940, tình hình thế giới đứng trước thảm họa phát-xít và chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở châu Âu, sau khi thôn tính Ba Lan và một số nước khác, tháng 6-1940, phát-xít Đức bất ngờ tấn công và nhanh chóng đè bẹp nước Pháp, buộc chính phủ Pháp phải đầu hàng. Ở châu Á, lợi dụng tình hình Pháp bại trận, phát-xít Nhật đã âm mưu hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương, trong đó, trước mắt là xâm chiếm Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch trên, đêm 22-9-1940, phát-xít Nhật từ miền Nam Trung Quốc, vượt biên giới đánh thẳng vào Lạng Sơn và các căn cứ của Pháp. Quân Pháp chống đỡ không nổi, tháo chạy theo đường 1B từ Lạng Sơn qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Ở các đồn Na Sầm, Lộc Bình, quân Pháp nghe tin cũng hốt hoảng tháo chạy qua Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nắm bắt thời cơ trên, đêm 27-9-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ Bắc Sơn, khoảng gần 600 quần chúng cách mạng và tự vệ Bắc Sơn đã nổi dậy bao vây tiến đánh đồn Mỏ Nhài và chiếm quận lỵ Bắc Sơn, giải tán chính quyền địa phương, thành lập chính quyền cách mạng. Đây là thắng lợi quan trọng đầu tiên của khởi nghĩa vũ trang kể từ khi Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng trong những năm 1939-1940.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được châu lỵ Bắc Sơn, dân quân, tự vệ và quần chúng cách mạng không được tập hợp lại để tiếp tục củng cố mà lại phân tán về nhà khiến phong trào khởi nghĩa bị giảm sút và đứng trước nguy cơ bị địch quay lại khủng bố. Trước tình hình trên, Trung ương Đảng họp ra chỉ thị phải nắm lấy phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 16-10-1940, Ban chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn do đồng chí Trần Đăng Ninh, thay mặt Xứ ủy Bắc kỳ chủ trì triệu tập một hội nghị có gần 100 đảng viên và quần chúng cách mạng họp ở Làng Đon Úy (xã Vũ Lăng) bàn về nhiệm vụ cấp bách đối phó với tình hình mới khi Nhật - Pháp tạm thời thỏa hiệp và cùng quay sang chống phá cách mạng. Hội nghị đã nhất trí phải nhanh chóng củng cố và xây dựng khu căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn, tổ chức đội du kích tự vệ để bảo vệ thành quả cách mạng và khu căn cứ, đồng thời làm nòng cốt cho nhân dân tiến hành đấu tranh chống địch khủng bố.
Ngay sau Hội nghị, chiều 16-10, Đội Du kích Bắc Sơn đầu tiên được thành lập gồm 20 chiến sĩ. Việc ra đời và những hoạt động của Đội Du kích Bắc Sơn đã củng cố vững chắc khu căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn, tạo tiền đề cho Trung ương Đảng sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, tháng 7-1941, đã cử nhiều đoàn cán bộ cao cấp từ căn cứ địa Cao Bằng “Nam tiến” về Bắc Sơn - Võ Nhai - Thái Nguyên mở rộng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng mọi mặt, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Phùng Chí Kiên - người Tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn và Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1
Đồng chí Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, sinh ngày 18-5-1901 tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Mới 15 tuổi (năm 1916) anh đã đi làm công nhân ở nhà máy xe lửa Tràng Thi (Vinh), rồi làm thư ký cho một thương nhân ở ga Yên Lý. Đây là bước khởi đầu quan trọng để Phùng Chí Kiên sớm được tiếp xúc với đời sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đầu năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng nhiều thanh niên ưu tú khác được bí mật đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và tham gia hoạt động cách mạng. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được tham dự lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ cách mạng do chính Nguyễn Ái Quốc mở và trực tiếp giảng dạy. Sau khi học xong khóa huấn luyện chính trị, Phùng Chí Kiên đã được Nguyễn Ái Quốc gửi sang học ở Trường Quân sự Hoàng Phố Trung Quốc, tham gia chỉ huy, chiến đấu trong lực lượng Hồng quân Trung Quốc chống quân đội Tưởng Giới Thạch. Tháng 12-1930, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu với Quốc tế Cộng sản cử đi đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) khóa 1932-1934..
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, cuối năm 1939, đồng chí trở về Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động cách mạng dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với việc phát hiện, bồi dưỡng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên đã thực sự trở thành một cán bộ lãnh đạo chính trị - quân sự vững vàng và đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến lớn có lợi cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc quyết định chuẩn bị trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để chuẩn bị và tăng cường cho việc xây dựng cơ sở cách mạng ở trong nước, Nguyễn Ái Quốc gấp rút tổ chức huấn luyện đội ngũ cán bộ cốt cán đang hoạt động ở Quảng Tây để đưa về Cao Bằng và các vùng chiến khu cách mạng khác. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiệm vụ tổ chức huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự của Đảng lúc này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho Phùng Chí Kiên trực tiếp phụ trách, cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh(1)... Các bài giảng về chính trị, quân sự do Phùng Chí Kiên phụ trách biên soạn và giảng dạy đã góp phần trang bị, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản cho trên 40 cán bộ cốt cán về nước hoạt động. Các bài giảng này sau đó được tập hợp xuất bản thành cuốn sách “Con đường giải phóng” và đã trở thành cẩm nang quý báu cho nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy học tập, vận dụng. Với kinh nghiệm dày dặn những năm học tập, hoạt động tại Trung Quốc và tham gia chiến đấu trong đội ngũ quân giải phóng Trung Quốc chống phát-xít Nhật cùng quân đội Tưởng Giới Thạch, Phùng Chí Kiên đã biên soạn thành tài liệu “Về chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc'' để huấn luyện cán bộ lãnh đạo chỉ huy quân sự của Đảng.
Từ ngày l0 đến ngày l9-5-1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã ra Nghị quyết thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh). Về nhiệm vụ quân sự, Hội nghị quyết định xây dựng những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và ra Nghị định: “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc(2).
Căn cứ vào tình hình ở vùng Bắc Sơn - Võ Nhai và Cao Bằng là những chiến khu cách mạng được xây dựng từ nhiều năm nay lại đang có đội du kích tập trung của Đảng hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã chọn đây là nơi thí điểm xây dựng những cơ sở Việt Minh đầu tiên của Đảng. Đối với khu căn cứ Bắc Sơn, Hội nghị quyết định giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng du kích, cử đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn và Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn(3).
Tháng 7-1941, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng từ Cao Bằng được tăng cường về Bắc Sơn nhằm tiếp tục củng cố, phát triển Đội Du kích lên một trình độ mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tại đây, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt Trung ương Đảng đã quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đội Du kích, đồng thời tuyên bố đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn do đồng chí Phùng Chí Kiên làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, làm Chính trị viên(4). Đây chính là Đội Cứu quốc quân I - một trong những đơn vị tiền thân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, Phùng Chí Kiên đã tích cực bắt tay vào xây dựng, củng cố lại các cơ sở cách mạng ở căn cứ Bắc Sơn, phát triển các tổ chức đảng và đoàn thể cách mạng như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, thành lập các tổ, đội tuyên truyền đi vận động và giác ngộ quần chúng, đồng thời tổ chức được một số lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày về Chương trình Việt Minh cho các tổ chức cách mạng ở Bắc Sơn.
Đội Cứu quốc quân I (từ 32 người khi mới thành lập), dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Phùng Chí Kiên và các cán bộ cốt cán của Đảng, đã không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, trở thành nòng cốt quan trọng để xây dựng và bảo vệ khu căn cứ Bắc Sơn, là cơ sở tiếp tục xây dựng và phát triển các tổ đội tự vệ, du kích tại các địa phương khác trong vùng. Đặc biệt, Đội Cứu quốc quân I đã bảo vệ an toàn các đồng chí Trung ương và cán bộ phụ trách các khu vực, địa phương về dự cuộc họp quán triệt Hội nghị Trung ương 8 do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập tại Khuổi Cười (xã Tân Lập).
Giữa lúc phong trào cách mạng ở Bắc Sơn đang phát triển mạnh, trung tuần tháng 7-1941, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng hơn 4.000 quân mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Trước sức mạnh gấp nhiều lần của kẻ thù, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Đội Cứu quốc quân l và các tổ du kích, tự vệ trong chiến khu chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt địch, đẩy lùi một số cuộc càn quét của địch, bảo vệ an toàn cho các đồng chí Ủy viên Trung ương và cán bộ cốt cán thoát khỏi vòng vây của địch. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệnh, để bảo toàn đội vũ trang non trẻ. Ban Chỉ huy Đội Cứu quốc quân l đã quyết định rút các tiểu đội Cứu quốc quân về căn cứ mới. Một cánh quân do Hoàng Văn Thái chỉ huy đã rút sang biên giới Việt-Trung an toàn. Cánh thứ hai do Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri chỉ huy, ngày 21-8-1941, khi về đến Khau Pàn (Ngân Sơn - Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, chặn đánh quyết liệt. Phùng Chí Kiên đã tình nguyện trụ lại bắn chặn địch, tạo điều kiện cho các đội viên Cứu quốc quân chạy thoát và đã anh dũng hy sinh.
Đồng chí ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, một trí tuệ lãnh đạo của Đảng đang độ sung sức chín muồi và hứa hẹn một tài năng chính trị - quân sự đầy triển vọng. Đây là một tổn thất lớn của cách mạng nói chung, của lực lượng vũ trang nói riêng.
Một số kinh nghiệm chỉ đạo công tác quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Phùng Chí Kiên
Một là, xây dựng lực lượng vũ trang trước hết phải xây dựng tổ chức, cán bộ và cán bộ phụ trách phải đi trước một bước.
Là học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người dìu dắt và có nhiều thời gian gần gũi bên Người, Phùng Chí Kiên đã thấm nhuần và vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Để xây dựng được lực lượng, trước hết phải xây dựng tổ chức mạnh, hoạt động có nguyên tắc, có kỷ luật chặt chẽ với những người chỉ huy, phụ trách có lập trường cách mạng vững vàng, có kinh nghiệm và tri thức quân sự. Những ý tưởng phác thảo về nguyên tắc tổ chức lực lượng vũ trang của Phùng Chí Kiên sau đó đã trở thành những cơ sở quan trọng để Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) ra Nghị định “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc''. Bản điều lệ quy định về mục đích, phương pháp tổ chức, điều lệ kết nạp đội viên, trách nhiệm, tập luyện, vũ khí, kỹ thuật của tiểu tổ du kích cứu quốc(5).
Hai là, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển, lực lượng vũ trang cách mạng phải dựa chắc vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu.
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy Đội Cứu quốc quân l, Phùng Chí Kiên đã luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ phải tuyệt đối chấp hành nghiêm kỷ luật quân dân, tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ nhân dân, làm tốt công tác dân vận, ra sức giúp đỡ nhân dân, đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc ở Bắc Sơn. Vì vậy, dù trong điều kiện khó khăn nào, Đội Cứu quốc quân vẫn luôn được nhân dân tin cậy và cưu mang.
Ba là, ra sức huấn luyện, phát triển về trình độ kỹ chiến thuật và tăng cường bảo đảm trang thiết bị, vũ khí. Đi đôi với việc giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự, Phùng Chí Kiên đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Đội Cứu quốc quân không ngừng học tập, rèn luyện, tăng cường bổ sung về vũ khí, trang bị. Nhờ đó, trình độ tác chiến của Đội không ngừng được nâng lên, đủ sức đương đầu với mọi kẻ thù, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng và chiến khu cách mạng.
Bốn là, nhận thức rõ xây dựng, bảo vệ vững chắc chiến khu cách mạng là cơ sở để kiện toàn, phát triển lực lượng vũ trang và ngược lại, lực lượng vũ trang phát triển vững mạnh là yếu tố cơ bản để xây dựng, bảo vệ vững chắc chiến khu, Phùng Chí Kiên đã hết sức coi trọng vấn đề kết hợp xây dựng, bảo vệ chiến khu cách mạng với củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mang tính sống còn đối với phong trào cách mạng.
Đây là những kinh nghiệm được đúc kết từ chính thực tiễn chỉ đạo cách mạng của Đảng ta mà đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những bậc lãnh đạo tiền bối đã góp phần tổng kết và làm phong phú thêm./.
___________________________________
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr 25, 26.
(2) Văn kiện Đảng 1930-1945, tập 3, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1978, tr 224.
(3) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử các đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 146, 149.
(4) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử các Đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 146, 149.
(5) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quán sự Việt Nam, Lịch sử các đội quân tiền thân..., Sđd, tr.146.
Kết thúc phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ quốc hội  (20/09/2010)
Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại hội đồng AIPA-31  (20/09/2010)
Thường vụ Quốc hội góp ý vào việc sửa đổi 2 luật  (18/09/2010)
Chủ tịch nước rời Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc  (18/09/2010)
Kinh tế tri thức và thực hiện phát triển kinh tế tri thức ở nước ta  (18/09/2010)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay