Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Trong 2 ngày 13 và 14-5, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long ”. Dự Hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các viện, trường trong cả nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó 32% là đất nông nghiệp, hằng năm đồng bằng sông Cửu Long có mức đóng góp khoảng 18% GDP, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của vùng trong những năm qua là đi đôi với mở rộng diện tích thông qua khai hoang, cải tạo đồng ruộng, tăng vụ là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Tuy nhiên, do tình trạng cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu và manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất và chất lượng lúa gạo vẫn loay hoay một chỗ, chưa cạnh tranh được với Thái Lan. Nơi đây vẫn là nghèo khó và trình độ khoa học kỹ thuật thấp. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với hàm lượng “chất xám” trong hàng hóa thấp đã đẩy giá thành trong sản xuất nông nghiệp cao; chất lượng nông sản thấp và tính cạnh tranh thị trường kém, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long lại đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và dịch hại...
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã đưa ra nhũng dự báo, cảnh báo, đồng thời cũng nêu những giải pháp, những kiến nghị thiết thực. TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2009 diện tích sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là 3,8 triệu ha, tuy nhiên từ nhiều năm qua năng suất lúa vẫn dao động ở mức 5-6 tấn/ha. Dự báo sản lượng lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, thậm chí tới năm 2030, cũng chỉ ở mức 21 triệu tấn/năm như hiện nay.
Ông Francesco Goletti, Công ty Tư vấn ACI tính toán, nếu hiện nay một hộ gia đình nông dân đồng bằng sông Cửu Long có 1ha trồng lúa làm hai vụ sẽ cho thu nhập khoảng 32 triệu đồng/ha. Cộng thêm các khoản khác thu nhập có thể đạt 50 triệu đồng/năm. Ở vào thời điểm này, con số đó rất hấp dẫn, nhưng từ năm 2010 trở đi sẽ rất khó đạt vì diện tích lúa có thể bị thu hẹp do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở vùng này rất nhanh. “Nếu không áp dụng các biện pháp tăng năng suất và tăng giá trị của hạt lúa, cây ăn quả, thủy sản... có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực” - ông Goletti cảnh báo.
TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, cho rằng, việc đầu tư cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long hiện giờ tuy chậm nhưng vẫn còn kịp, vì thế đề nghị Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% thời hạn 5-10 năm cho nông dân vay mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. “Chủ trương kích cầu ngắn hạn như hiện nay sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì nông dân là những “doanh nghiệp siêu nhỏ”, khó tiếp cận được nguồn vốn. Với việc vay vốn ưu đãi ngắn hạn như vậy họ sẽ mua sắm vội vã không có sự chọn lựa, có thể mua nhầm sản phẩm kém chất lượng” - TS Dũng phân tích.
Còn TS Phan Hiếu Hiền, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu bây giờ đầu tư cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long công nghệ trước thu hoạch và sau thu hoạch với số tiền khoảng 400 triệu USD chỉ sau hai năm sẽ lấy lại vốn. Hơn nữa, qua đó sẽ đưa nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trở thành nước nông nghiệp tiên tiến. Hai công nghệ mà TS Hiền đề cập là kỹ thuật san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng laser và máy sấy lúa. Trong đó, kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng laser sẽ giúp giảm lượng nước tưới tới 50%, giảm 70% công lao động, tăng diện tích đất hữu hiệu thêm 5-7% và năng suất sẽ tăng thêm 0,5 tấn/ha. Còn máy sấy lúa sẽ giúp hạt lúa khi xay xát đạt độ ẩm đủ tiêu chuẩn, giảm hao hụt, giảm tỷ lệ hạt gãy... Ước tính mỗi năm chúng ta thiệt hại tới 180 triệu USD do lúa bị hao hụt vì độ ẩm không đạt chuẩn. Đầu tư hai công nghệ này có thể tốn kém ban đầu nhưng hiệu quả thấy rõ và sử dụng lâu dài được.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, dẫn chứng, với biện pháp thu hoạch thủ công như hiện nay, tỷ lệ thất thoát rất cao. Trong khi đó, nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sẽ không mất khoảng 300.000 tấn lúa/năm. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu khoảng 13.000-15.000 máy gặt đập liên hợp, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 3.000 chiếc. Mặc dù vậy hiện nay muốn mua cũng không dễ vì máy do Việt Nam sản xuất không nhiều, do đó cần cho các doanh nghiệp sản xuất máy vay để mở rộng sản xuất cung cấp cho nông dân.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long phải theo hướng đa dạng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp, gắn với các vấn đề như: quản lý nguồn nước, việc làm ngoài nông nghiệp, phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu... Theo đó, nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế thất thoát sau thu hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp...
Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh như: lúa gạo, cây ăn trái, cá da trơn... Muốn vậy, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất dựa trên yêu cầu phát triển của ngành ở từng huyện, xã và có tính khả thi; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi trường; giữa các địa phương trong việc xây dựng, giám sát thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, cần có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) để người nông dân nâng cao năng lực sản xuất.../.
Hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ đối với nông dân Đồng Nai  (15/05/2009)
Hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ đối với nông dân Đồng Nai  (15/05/2009)
Báo Đảng địa phương tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (15/05/2009)
Điều hành chính sách tài chính năm 2008 - vững tin hơn về kinh tế vĩ mô trong năm 2009  (14/05/2009)
Điều hành chính sách tài chính năm 2008 - vững tin hơn về kinh tế vĩ mô trong năm 2009  (14/05/2009)
Trở ngại đối với chính sách hướng Ðông của EU  (14/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên