Giới báo chí nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả của Ðảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác tích cực, nhiệt tình của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, các địa phương, sự tin cậy và ủng hộ của công chúng báo chí và nhân dân cả nước.
 
Năm năm qua (2005 - 2010) những người làm báo Việt Nam phấn khởi, tự hào trực tiếp tham gia, đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức vào việc tuyên truyền, cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và các sự kiện lịch sử quan trọng, to lớn của đất nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội.

Tính đến tháng 12-2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí, gồm: 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí;  địa phương 114 tạp chí); một hãng thông tấn quốc gia; hai đài phát thanh, truyền hình quốc gia, một đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, hơn 600 đài cấp huyện, hàng nghìn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng nghìn trang thông tin điện tử... Cả nước có 17.763 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn: viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ báo chí khác. So với năm 1986, thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần.

Nhìn chung, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều  mặt: tăng loại hình và số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, hệ phát thanh, kênh truyền hình, nhà in, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức và hiện đại hóa công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí cả ở trong nước và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống báo chí.

Bằng các hình thức, phương pháp, thể loại phong phú, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới. Trong việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, báo chí đã thông tin kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Hệ thống báo chí cả nước ngày càng khẳng định vai trò là diễn đàn  của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực, góp phần to lớn vào việc tổng kết các bài học của công cuộc đổi mới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Báo chí đã phát hiện kịp thời các vấn đề đang đặt ra trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập trong các chính sách, quyết định của các cơ quan có trách nhiệm; phản ánh kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất những giải pháp hợp lý nhằm khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế,  không ngừng nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả kinh tế - xã hội của các chính sách của Nhà nước.

Các cơ quan báo chí đã giới thiệu với đông đảo công chúng nhiều tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật có giá trị nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thông tin, văn hóa của nhân dân; phục vụ kịp thời các ngày lễ, các sự kiện lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm báo chí, nhiều đợt thông tin, tuyên truyền tiếp tục khai thác, phản ánh đề tài chiến tranh cách mạng, thu hút sự quan tâm của cả xã hội như: Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20, các cuốn nhật ký chiến trường của Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Giá, Hoàng Kim Giao và nhiều anh hùng liệt sĩ khác.

Báo chí đã tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả, thực sự trở thành vũ khí sắc bén của Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc tiêu cực đã được các cơ quan báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng, nhờ đó ngăn chặn được những hành vi xâm hại tiền bạc, tài sản của công, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất nước. Nhiều nhà báo và tập thể báo chí đã dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm, theo đuổi tới cùng để xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức xã hội, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Hệ thống báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo in và mạng in-tơ-nét, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được tăng cường một bước, góp phần tích cực thực hiện chính sách đối ngoại của Ðảng  và  Nhà  nước,  thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Các sự kiện, vấn đề cũng như các thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật của thế giới đã được báo chí nước ta phản ánh phong phú, kịp thời hơn, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Nâng cao nhận thức chính trị, định hướng tư tưởng, văn hoá cho nhân dân.

Trong nhiệm kỳ lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội từ trung ương tới địa phương đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng về công tác báo chí và về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và Nghị quyết Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam, không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, hoàn thành thắng lợi phương hướng và nhiệm vụ do Ðại hội VIII đề ra, góp phần tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của báo chí Việt Nam trong năm năm qua.

Việc quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng về công tác báo chí và về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đã được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Tổ chức hoặc phối hợp với các cấp ủy Ðảng, các cơ quan báo chí quán triệt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, sơ kết việc thực hiện Thông báo kết luận số 162-TB/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa IX), quán triệt và tổ chức thực hiện các Thông báo kết luận số 41 và 68 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý báo chí, qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của hội viên - nhà báo về vai trò và trách nhiệm của báo chí và những người làm báo trong tình hình mới. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức sơ kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/T.Ư của Ban Bí thư (khóa IX) về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm đánh giá những mặt làm được và những tồn tại, yếu kém trong hoạt động Hội các cấp và đề ra những giải pháp  thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 37, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Ðợt sơ kết này còn góp phần nâng cao nhận thức của hội viên và cán bộ Hội về vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với giáo dục trách nhiệm công dân và chín điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Ban Thường vụ Hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động trong toàn Hội hưởng ứng Cuộc vận động. Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như nghiên cứu các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên hệ với phong cách và đạo đức làm báo của Bác, tổ chức hội thảo, kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác. Trung ương Hội đã tổ chức Hội thảo toàn quốc "Người làm báo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với hơn 100 tham luận được lựa chọn từ hàng nghìn tham luận đọc tại các cuộc hội thảo của các cấp Hội trong cả nước...

Ban Chấp hành khóa VIII xác định hoạt động nghiệp vụ là một trong những chương trình công tác trọng tâm toàn khóa của nhiệm kỳ, luôn luôn được duy trì và có nhiều đổi mới, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển chung của báo chí nước nhà. Hội đã xây dựng và hoàn thiện Ðề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho các Hội Nhà báo ở Trung ương và địa phương giai đoạn 2006 - 2010, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được triển khai thực hiện trong năm năm qua. Việc thực hiện Ðề án  đã mang lại hiệu quả thiết thực, được hội viên hoan nghênh,  giúp các nhà báo có thêm điều kiện đi sâu viết những đề tài khó và góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí về những đề tài này, đồng thời  làm cho hội viên gắn bó với Hội hơn.

Ðề án Giải báo chí quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 3-2007) đã được thực hiện có hiệu quả. Giải được tổ chức hằng năm, lễ trao giải diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, là  dịp tôn vinh những người làm báo có tác phẩm xuất sắc, đồng thời cũng là dịp  biểu dương những đóng góp của giới báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; uy tín của Giải ngày càng  cao, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội còn phối hợp hoặc tham gia với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức thành công nhiều giải báo chí chuyên ngành hoặc chuyên đề. Hầu hết Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên chi hội trực thuộc Trung ương đều tổ chức giải báo chí nhằm tôn vinh các nhà báo có những tác phẩm báo chí đúng, trúng, kịp thời, có giá trị về chính trị, tư tưởng và giá trị văn hóa.

Từ thực tế hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua có thể rút ra một số bài học chủ yếu sau:

Một là, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội  - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, vì vậy hoạt động của Hội phải  luôn bám sát sự lãnh đạo của Ðảng, các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước về công tác báo chí và công tác Hội; ở địa phương và các tổ chức cơ sở của Hội còn phải bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Ðó là yếu tố hàng đầu bảo đảm mọi thành công của Hội.                  

Hai là, quyết định thành công trong hoạt động Hội là sự đoàn kết, nhất trí trong cơ quan lãnh đạo Hội. Nhiệm kỳ vừa qua Ban Chấp hành, Ban Thường vụ  đoàn kết nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế và nền nếp làm việc của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành, mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều được bàn bạc dân chủ, công khai, đạt được sự nhất trí cao. Lãnh đạo Hội và các cơ quan chức năng của Hội thường xuyên gắn bó với cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kiến nghị của các cấp Hội, hội viên nên đã có những điều chỉnh kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tại các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội cũng vậy, nơi nào nội bộ lãnh đạo Hội đoàn kết, giữa lãnh đạo Hội và lãnh đạo các cơ quan báo chí có sự phối hợp tốt thì ở đó hoạt động Hội đạt hiệu quả tốt, báo chí phát triển.

Ba là, sự chủ động, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm  của các đồng chí lãnh đạo Hội, các đồng chí cán bộ  Hội chuyên trách các cấp. Những nơi nào cán bộ Hội nhiệt tình, năng động, chịu khó tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động thì ở đó vai trò của Hội được đề cao, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tranh thủ được sự giúp đỡ và tạo điều kiện hoạt động của lãnh đạo chính quyền và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí cả về  tinh thần và vật chất để Hội triển khai các hoạt động. Nhiều đồng chí cán bộ chuyên trách, mặc dù thu nhập thấp hơn nhiều so với công tác ở cơ quan báo chí nhưng đã sẵn sàng nhận sự điều động sang làm công tác Hội và đã hết lòng vì hoạt động của Hội. Trong khi đó, ở một số địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi, nhưng cán bộ Hội không nhiệt tình nên vai trò của Hội chưa rõ.

Nhìn lại chặng đường sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, báo chí nước ta nói chung và Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng cùng đội ngũ nhà báo cả nước đã có bước trưởng thành to lớn quan trọng về mọi mặt, đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý về hoạt động báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ðó là những điều kiện có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho sự phát triển của hệ thống báo chí cũng như việc thực hiện thành công những nhiệm vụ công tác to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn bộ hoạt động của Hội trong 5 năm qua, đề ra giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội, tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, nâng cao nhận thức về trách nhiệm chính trị - xã hội, nghĩa vụ công dân của báo chí và người làm báo, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ mới 2010 - 2015, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta.