Từ ngày 2-7-2008 đến 5-7-2008, Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản do đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang. Đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang đã tiếp đoàn và cùng làm việc tại các đơn vị của tỉnh.

Ngày 2-7, trên đường đến Mèo Vạc, đồng chí Tạ Ngọc Tấn cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại xã Sủng Trà. Sau khi nghe lãnh đạo xã Sủng Trà báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân địa phương, đồng chí Tổng Biên tập phát biểu ý kiến, chúc mừng xã nhân dịp khánh thành trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Đoàn cũng tới thăm và tặng quà một gia đình người Mông chăn nuôi bò giỏi theo theo mô hình nhà sàn gỗ và cỏ nhập ngoại được trồng trên các vách đá; tham quan hồ treo tại xã Tả Sùng - đây là 1 trong 30 hồ treo được Chính phủ phê duyệt xây dựng năm 2007 nhằm giúp cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ) chống chọi với mùa khô hằng năm. Khát nước đó là căn bệnh kinh niên khủng khiếp của cao nguyên đá đã hàng ngàn năm nay. Với 30 hồ treo được xây dựng theo phương pháp hiện đại, vừa lựa theo địa hình núi đá, vừa chọn nơi phù hợp với các điểm quần tụ dân cư tại các thung lũng sâu rải rác trên địa bàn cao nguyên đá đang trở thành cứu cánh không chỉ cho con người, mà cả vật nuôi, cây trồng và cảnh quan. Hồ treo đang tạo ra một sức sống mới bốn mùa cho cao nguyên đá.

Chiều tối ngày 2-7, Đoàn công tác cùng đồng chí Hoàng Minh Nhất làm việc với lãnh đạo huyện Mèo Vạc. Mèo Vạc là một huyện biên giới, có diện tích là 574,35 km2; dân số 58.944 người; mật độ dân số 102,63 người/km2; cây trồng chính là ngô, dược liệu, tam thất, hồ đào..., vật nuôi chính là bò, dê, ngựa, lợn và gà... Mèo Vạc nổi tiếng với chợ tình Khâu Vai, chè xanh Tát Ngà và rượu ngô Ha Ía...

Trong các ngày 3, 4 và 5-7, Đoàn công tác đi thực tế tại các huyện Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Đồng Văn là huyện biên giới cực bắc của Tổ quốc, có diện tích 446,66 km2 và dân số là 57,715 người. Cây trồng chính là ngô, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, rừng... Vật nuôi chủ yếu là: bò, dê, ngựa, lợn... Đồng Văn nổi tiếng với Cột cờ Lũng Cú được dựng từ thời Lý, phố cổ Đồng Văn, Dinh họ Vương. Huyện Yên Minh ở đông bắc Hà Giang, có diện tích 782 km2, dân số 61.000 người. Cây trồng chính là ngô, lúa, dược liệu, cây ăn quả, rừng sa mộc...; vật nuôi chủ yếu là bò, dê, ngựa, gà, lợn... Huyện Quản Bạ nằm ở phía bắc Hà Giang, có diện tích 550 km2 và dân số 36.000 người. Cây trồng chủ yếu là ngô, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, rau xanh... vật nuôi là: bò, dê, ngựa, ong...

Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện nêu trên) chủ yếu là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Lô Lô, Dao và Hoa... Người Kinh ở đây chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu là cán bộ nông nghiệp, giáo viên, buôn bán dịch vụ theo trục đường giao thông và thị trấn... Cao nguyên Đồng Văn là vùng núi đá có địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt nhất của nước ta. Ở đây thời tiết chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3. Mùa khô chính là mùa thiếu nước nghiêm trọng hàng nghìn đời nay ở cao nguyên đá này.

Đoàn công tác cũng đến làm việc tại huyện Bắc Quang. Đây là một huyện giàu có nằm ở phía Nam của tỉnh Hà Giang, có diện tích 1.583,7 km2; dân số 105.828 người. Huyện có 19 dân tộc chung sống, trong đó, người Tày chiếm 50%, người Kinh 25%... Bắc Quang có đất đai màu mỡ, thuận lợi cho trồng cây nguyên liệu giấy, cây dược liệu, cây ăn quả (chiếm tới 75% diện tích trồng cam của tỉnh), lúa chất lượng cao..., có rừng chè cổ thụ. 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm; 95% thôn bản có đường ô tô; 95% hộ gia đình sử dụng điện lưới; 100% địa bàn xã có chợ; 98% trụ sở xã và trạm y tế được xây dựng 2 tầng...

Kết thúc chuyến đi thực tế và làm việc tại Hà Giang, Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản về Hà Nội với nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc về một miền biên cương thân yêu nơi địa đầu Tổ Quốc./.