Thông cáo chung Việt Nam - Bra-xin
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Bra-xin Lu-ít I-na-xi-u Lu-la đa Xin-va đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 7 năm 2008.
Tổng thống Lu-ít I-na-xi-u Lu-la đa Xiu-va đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp đón và hội đàm; hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lu-la đa Xin-va diễn ra một năm sau chuyến thăm Bra-xin của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5-2007), thể hiện quyết tâm và cam kết chung tăng cường quan hệ song phương trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Tại cuộc hội đàm, hai vị đứng đầu Nhà nước đã kiểm điểm lại những vấn đề chính trong quan hệ song phương cũng như đa phương và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bra-xin và Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, cũng như các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề xã hội…
Hai Bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp đạt được trong chuyến thăm chính thức Bra-xin của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5-2007), nhất là Tuyên bố chung Cấp cao khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Bra-xin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng các chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Xen-xu A-mô-rim (2-2008), cùng một số quan chức cấp cao Chính phủ và Thượng viện Bra-xin, đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác cũng như đối thoại song phương và thiết lập các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển và công bằng xã hội, nhằm mục tiêu chống đói nghèo, xóa mù chữ và chống phân biệt xã hội; nhắc lại cam kết áp dụng các chính sách phù hợp với điều kiện của mỗi nước nhằm củng cố sự liên kết xã hội và đẩy mạnh sự hội nhập tích cực của Bra-xin và Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tổng thống Lu-ít I-na-xi-u Lu-la đa Xin-va và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh việc sớm áp dụng Nghị định thư về hợp tác sản xuất và sử dụng ê-ta-nôn, được ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Bra-xin (2-2008). Việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này dựa trên cơ sở những kinh nghiệm phong phú của Bra-xin về sản xuất nhiên liệu sinh học quy mô lớn, cũng như sự quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam trong việc phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo.
Hai vị Nguyên thủ Nhà nước nhấn mạnh các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước còn chưa được khai thác. Hai bên hoan nghênh việc kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng gấp gần 8 lần trong giai đoạn từ 2003 đến 2007. Hai Nguyên thủ bày tỏ hài lòng về kết quả của cuộc Hội thảo kinh doanh được tổ chức nhân chuyến thăm và khuyến khích các doanh nghiệp của hai nước tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan trọng của sự hợp tác về giáo dục - đào tạo, coi đó là một kênh quan trọng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Bra-xin và Việt Nam. Trên tinh thần đó, hai vị Lãnh đạo Nhà nước đánh giá cao những cố gắng của trường Đại học Hà Nội trong việc giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha ở Việt Nam và xúc tiến dạy tiếng Việt ở Bra-xin.
Hai bên nhấn mạnh sự quan tâm của mình đối với tình hình kinh tế hiện nay trên thế giới; nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng xem xét lại hệ thống sản xuất lương thực trên thế giới cũng như tầm quan trọng của việc sớm kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha; nhấn mạnh các mục tiêu chính của Vòng đàm phán là nhằm xóa bỏ sự biến dạng trong thương mại nông sản và mở rộng hơn nữa tự do hóa trong lĩnh vực này vì lợi ích của các nước đang phát triển, cũng như bảo đảm mức độ tự do hóa tương tự trong đàm phán NAMA (tiếp cận thị trường đối với những mặt hàng phi nông sản), có tính tới sự đối xử đặc biệt dành cho các nước đang phát triển. Căn cứ vào cam kết sâu rộng của Việt Nam khi gia nhập WTO, Bra-xin ủng hộ Việt Nam được miễn trừ các nghĩa vụ tự do hóa theo Vòng đàm phán Đô-ha trong nông nghiệp, NAMA, và dịch vụ. Bra-xin quyết định thành lập nhóm công tác kỹ thuật để xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Hai bên tái khẳng định cam kết của hai Chính phủ đối với quá trình cải tổ Liên hợp quốc, kể cả Hội đồng Bảo an, ủng hộ việc tăng các ghế thường trực và không thường trực cho các nước đang phát triển nhằm làm cho cơ quan này có tính đại diện, công bằng và hiệu quả hơn. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về sự cần thiết khởi động các cuộc đàm phán liên chính phủ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm đạt được các mục tiêu trên.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chân thành cám ơn Chính phủ Bra-xin đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009; khẳng định Việt Nam ủng hộ Bra-xin ứng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010-2011 và trở thành Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Đông Nam Á và Nam Mỹ, coi đó là một nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy đối thoại Nam - Nam. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị cấp Bộ trưởng MERCOSUR - ASEAN lần thứ nhất được tổ chức tại Bra-xi-li-a vào tháng 11-2008 nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai Tổ chức khu vực. Tổng thống Lu-la đa Xin-va và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò của các hoạt động trong khuôn khổDiễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC).
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết các văn bản hợp tác sau: Bản ghi nhớ về việc thành lậpỦy ban Hỗn hợp giữa hai Chính phủ; Hiệp định khung về Hợp tác Khoa học - Công nghệ; Bản ghi nhớ về Hợp tác trên lĩnh vực thể thao; và Bản ghi nhớ về Hợp tác chống đói nghèo.
Tổng thống Lu-ít I-na-xi-u Lu-la đa Xiu-va bày tỏ sự cám ơn chân thành về sự đón tiếp nồng nhiệt mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Tổng thống và Đoàn đại biểu cấp cao Bra-xin trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này.
Tổng thống Lu-ít I-na-xi-u Lu-la đa Xin-va trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Bra-xin và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao./.
Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2008
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống Bra-xin Lu-ít I-na-xi-u Lu-la Đa Xin-va  (10/07/2008)
Đợt hai kỳ thi đại học, cao đẳng - các hội đồng thi đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối  (10/07/2008)
Bổ nhiệm Thứ trưởng một số Bộ  (10/07/2008)
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sẽ tham dự hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (10/07/2008)
Tổng sản phẩm trong nước  (10/07/2008)
Tình hình thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2008  (10/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên