Trong điều kiện mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, giá cả trong nước đang có xu hướng tiếp tục tăng, chuyển dần sang một mặt bằng giá mới. Để bảo đảm cho quá trình chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường và mặt bằng giá mới không ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, Chính phủ đã và đang tích cực, chủ động sử dụng các biện pháp và công cụ điều tiết vĩ mô phù hợp với kinh tế thị trường và tình hình cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 30-11-2007, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc điều hành giá cả, thị trường cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý. Chính phủ yêu cầu:

- Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện khẩn trương và triệt để Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31-10-2007 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, thị trường cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý.

- Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa (cả về số lượng, chất lượng và thị hiếu) cho sản xuất và tiêu dùng; không để xảy ra thiếu hàng, gây sốt giá vào dịp cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý. Chủ động phối hợp với các bộ liên quan áp dụng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp hỗ trợ cần thiết về vốn, thông tin, thủ tục hành chính, cơ chế nhập khẩu tiểu ngạch và các biện pháp phù hợp khác để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực, thực phẩm, ga, thuốc chữa bệnh và các hàng tiêu dùng thiết yếu khác, phục vụ đời sống nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành lượng gạo xuất khẩu năm 2007 theo đúng kế hoạch đề ra; cùng các Bộ ngành chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng trong nước với giá hợp lý.

- Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường, giá cả trên địa bàn, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong phạm vi địa phương, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và bão lũ; đẩy mạnh quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu trốn thuế, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho nhân dân trong dịp lễ Nô-en, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2008.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng khó khăn, những người thuộc diện chính sách tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh vừa qua để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, nhất thiết không để người dân bị thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh, giống để sản xuất.

- Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường hàng hóa và tiền tệ, thực hiện các giải pháp kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và các biện pháp kiềm chế tăng giá vào dịp cuối năm, khi tiền lương, tiền thưởng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng tăng cao, lượng kiều hối về nhiều... Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống tín dụng, tiền tệ.

- Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường chứng khoán phi tập trung, không để xảy ra biến động vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc không được dự báo trước; khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ Đề án kiểm soát thị trường chứng khoán phi tập trung để sớm phát hiện và xử lý những biến động ảnh hưởng xấu đến thị trường. Tiếp tục triển khai lộ trình xóa bao cấp qua giá để trong năm 2008, giá dầu, giá than (trừ than cho sản xuất điện) được thực hiện theo cơ chế thị trường; thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho những người nghèo và các doanh nghiệp bị tác động do điều chỉnh giá; giải quyết dứt điểm bù khoản lỗ xăng dầu phát sinh năm 2007 cho các đầu mối nhập khẩu.

- Bộ thông tin và Truyền thông chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu và ủng hộ các giải pháp điều hành của Chính phủ; khắc phục tình trạng thông tin sai, thông tin một chiều gây tâm lý bất an trong nhân dân và làm trầm trọng thêm những khó khăn trong quản lý thị trường và giá cả.

- Các cơ quan Chính phủ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước...) theo chức năng được giao, chủ động cung cấp các thông tin về tình hình thị trường, giá cả, các chủ trương, biện pháp điều hành của Chính phủ cho các Tổng biên tập, các phóng viên báo, đài. Giải thích rõ bản chất và nguyên nhân biến động giá tiêu dùng trong thời gian qua, giải pháp bù lỗ để ổn định giá xăng dầu, nội dung và phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam và của quốc tế... Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương điều chỉnh phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của nước ta cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là về cơ cấu “rổ hàng hóa”.

- Bộ Công Thương chỉ đạo Tổ điều hành thị trường trong nước thực hiện họp hàng tuần, nắm chắc tình hình sản xuất, lưu thông, cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các chủ trương, biện pháp điều hành thị trường, giá cả có hiệu quả; đồng thời, tham dự và cung cấp thông tin trong các buổi giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức./.
N.H