Nhân kỷ niệm 187 năm ngày sinh của Ph.Ăng-ghen (1820-2007), ngày 27-11-2007, tại Hà Nội, Viện Kinh điển Mác - Lê-nin thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị khoa học trong một số tác phẩm cuối đời của Phri-đrích Ăng-ghen (1883-1895)”. Đây là Hội thảo nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Ăng-ghen cả về lý luận khoa học và hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực đối với chủ nghĩa Mác nói chung cũng như giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam nói riêng.

Phát biểu Đề dẫn, PGS.TS khoa học Trần Nguyễn Tuyên, Viện trưởng Viện Kinh điển Mác - Lê-nin nêu rõ: Ph.Ăng-ghen là một nhà cách mạng và tư tưởng thiên tài, một người bạn chiến đấu thân thiết nhất của C.Mác, cùng với C.Mác sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong 58 năm tự học, hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu lý luận và hoạt động xã hội, bằng sự uyên bác và mẫn cảm cộng với khả năng phân tích và sự tổng hợp thực tiễn lịch sử để khám phá lý luận, Ph.Ăng-ghen đã tạo nên một phong cách tư duy độc đáo của riêng mình. Và chính bằng phương pháp tư duy khoa học đó, mà Ph.Ăng-ghen, một mặt, thống nhất với quan điểm lý luận của C.Mác, mặt khác, lại làm phong phú thêm những lý luận thiên tài của C.Mác.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung thảo luận về những đóng góp lý luận khoa học quan trọng của Ph.Ăng-ghen trong các lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị, con người, gia đình, nhà nước hay phương pháp luận nghiên cứu bảo vệ, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác.

Ph.Ăng-ghen đã tổng kết quá trình ra đời và phát triển của triết học mác-xít trên cơ sở kế thừa và bổ sung những nhân tố tích cực, đồng thời cải tạo những nhân tố tiêu cực của các nhà triết học thời kỳ khai sáng như Sác-lơ Mông-te-xki-ơ (1689-1755), I-ma-nu-en Can-tơ (1724-1804), Ghê-oóc Vim-hem Phri-đrích Hê-ghen, Lút-vích Phoi-ơ-bắc...; trình bày một cách có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử và đưa ra phương pháp luận, con đường và nguyên tắc phát hiện quy luật khách quan lịch sử. Ông cũng chỉ ra, muốn nghiên cứu các quy luật phát triển của xã hội thì phải tìm và nghiên cứu động lực của sự phát triển, xác định mâu thuẫn cơ bản thúc đẩy xã hội tiến lên. Căn cứ vào lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản và mâu thuẫn xã hội giữa xã hội hóa lực lượng sản xuất và chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản, Ph.Ăng-ghen cho rằng, tất cả các cuộc đấu tranh giải phóng, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, xét đến cùng đều là “sự phát triển của những lực lượng sản xuất và của những quan hệ trao đổi”.

Thực hiện di chúc của C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã dốc phần lớn sức lực cũng như trí tuệ của mình trong những năm cuối đời vào việc chỉnh lý, biên tập xuất bản tập 2 (1885), tập 3 (1894) của bộ Tư bản và chứng minh lý luận của Mác “không chỉ là một quá trình thuần túy lô-gíc mà là quá trình lịch sử”[1]. Sau khi C.Mác qua đời, những nước tư bản phát triển nối tiếp nhau hoàn thành cách mạng công nghiệp, sản xuất phát triển mạnh, tư bản được tích lũy với quy mô lớn. Thông qua sự phân tích các hình thức liên kết mới (các-ten, tờ-rớt...) trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Ph.Ăng-ghen đã đưa ra nhận định khoa học quan trọng rằng: đến nay, cạnh tranh tự do tư bản chủ nghĩa đã được thay thế bằng độc quyền.

Để khẳng định vai trò quan trọng của giai cấp nông dân trong liên minh công nông, Ph.Ăng-ghen đã viết chuyên luận “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, trong đó, một mặt, phê phán sai lầm trong cương lĩnh ruộng đất của Đảng xã hội dân chủ Pháp và Đức; mặt khác, lý giải vị trí quan trọng của nông dân trong liên minh công nông khi tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vừa đúng 5 tháng, trước khi qua đời, Ph.Ăng-ghen đã hoàn thành Lời tựa cho tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850 của C.Mác viết ngày 6-3-1895. Đây được xem là một đóng góp quan trọng của Ph.Ăng-ghen về sách lược của chính đảng vô sản.

Tại Hội thảo, GS, TS Triết học Hoàng Chí Bảo, một lần nữa, khẳng định: C.Mác - Ph.Ăng-ghen và V.Lê-nin là những vĩ nhân, những nhân cách cao thượng cả về lý luận và thực tiễn. Bằng nghị lực và tài năng của mình, bằng lao động kiên trì và miệt mài nhiều năm, Ph.Ăng-ghen đã hoàn chỉnh phần còn lại của bộ Tư bản như chính C.Mác đã làm. Bởi thế, không có Ph.Ăng-ghen thì không có chủ nghĩa Mác như chúng ta đã biết. Và như V.I.Lê-nin đã khẳng định: tình bạn của C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã vượt lên trên tất cả những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại về tình bạn của nhân loại. Và, giai cấp vô sản hoàn toàn có quyền tự hào về tình bạn cao đẹp đó, cho nên Ph.Ăng-ghen chính là cây đàn thứ hai, là cái tôi thứ hai của C.Mác. Sự khiêm tốn của Ph.Ăng-ghen chính là nhân cách cao thượng. Đây là cống hiến vĩ đại cho di sản chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Từ bỏ giai cấp tư sản đại tư bản, Ph.Ăng-ghen trở thành người phát ngôn của giai cấp vô sản, giành cả cuộc đời đấu tranh cho giai cấp vô sản và trung thành đến tận cuối đời với sự nghiệp đó. Năm tháng sẽ qua đi, thời gian sẽ qua đi nhưng cuộc đời của Ph.Ăng-ghen mãi là bài học sinh động và cao quý cho hậu thế về sự trung thành đến cùng với mục tiêu, lý tưởng và sự nghiệp của giai cấp vô sản cách mạng. Vì vậy, đọc chủ nghĩa Mác - Lê-nin chúng ta không chỉ thấy ở đó sự vĩ đại về khoa học mà còn thấy cả những giá trị đạo đức của nhân loại.

Với sự đóng góp trên nhiều lĩnh vực cho chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam và thế giới luôn ghi nhớ tên tuổi của Ph.Ăng-ghen, những cống hiến vĩ đại của ông cả về mặt lý luận khoa học cũng như hoạt động thực tiễn.



[1] C.Mác và Ăng-ghen, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 25, phần 2, tr 655