Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Bộ Công Thương.

TCCSĐT - Sáng 9-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Công Thương Việt Nam (14-51951- 14-5-2011) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ, đại diễn lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi lẵng hoa và thư chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã điểm qua những dấu mốc quan trọng của ngành Công Thương qua các thời kỳ. Bộ trưởng nhấn mạnh: trải qua 60 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức và lao động ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong hơn 25 năm đổi mới, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều công trình công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, các trung tâm điện lực, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các tổ hợp khí - điện - đạm Nam Côn Sơn - Cà Mau, các nhà máy phân bón, hóa chất, cơ khí chế tạo, các xí nghiệp dệt may, da giầy, công nghiệp chế biến… đã đáp ứng những sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế.

Hiện nay toàn ngành Công Thương đã đóng góp quan trọng trong tổng GDP cả nước, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Tốc độ tăng giá trịsản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 13,78% năm. Các thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độtrung bình đạt 17,34% mỗi năm giai đoạn 2006 - 2010, riêng năm 2010 tăng trưởng 26,4%. Ngành Công Thương đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, thép, hoá chất, phân bón, sản phẩm cơ khí...và phục vụ tiêu dùng như dệt may, giày dép, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm. Về phát triển công nghiệp: đã xây dựng và hình thành được một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu và đánh giá về những đóng góp của Ngành Công Thương. Thủ tướng cho biết: trong công cuộc đổi mới, Ngành Công Thương đã tiếp tục phát huy, nêu cao vai trò vị trí của mình đối với sự phát triển chung của đất nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra. Đến nay, toàn ngành đã đóng góp quan trọng nhất và lớn nhất vào tổng GDP và thu ngân sách hàng năm của cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Công nghiệp phát triển ổn định, vững chắc và có tốc độ tăng trưởng cao. Ngành nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất, cơ khí… và những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát… Các sản phẩm công nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như đóng góp ngày càng tăng cho xuất khẩu. Xuất khẩu liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 gấp 92 lần năm 1986. Cơ cấu hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực, phong phú về mẫu mã, chủng loại, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến ngày càng tăng. Nhập siêu trong những năm gần đây từng bước được kiểm soát và có xu hướng giảm dần. Đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương với 150% tổng GDP; điều đó khẳng định, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng: hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để góp phần vào sự nghiệp chung, Ngành Công Thương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục quản lý, điều hành và tham mưu có hiệu quả với Chính phủ và Trung ương về những vấn đề đặt trong lĩnh vực công thương, đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành nói riêng và cả nước nói chung trong nưm 2011 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng phát biểu: “Những thành tựu trên của Ngành Công Thương đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác cho Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp - hai bộ tiền nhiệm của Bô Công Thương ngày nay. Và hôm nay, các đồng chí lại vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng ghi nhận thành tích của các đồng chí trong 4 năm vừa qua. Tôi xin biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, ngành lao động của Ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong 60 năm qua và tin tưởng rằng, toàn ngành sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo hơn nữa, phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, cùng cả nước hoàn thành xuất sắc những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra”.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của ngành công thương Việt Nam luôn gắn liền với những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa với Thủ tướng: toàn thể CBCNVC và người lao động Ngành Công Thương sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra cho ngành, cùng cả nước hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2010, trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2011, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, phấn đấu đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Công Thương./.
 
 Thủ tướng đề nghị, toàn thể CBCNVC và người lao động Ngành Công Thương
tập trung làm tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Triển khai có hiệu quả các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng đặt ra.

Hai là, triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 02/NQ ngày 9-11-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Kết luận số 02-KL/TW ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội năm 20011.

Ba là, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu và các máy móc thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng (như năng lượng, lọc hóa dầu, hóa dược, luyện kim, hóa chất, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng…) để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng xuất khẩu; phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng phát ngành và năng lực cạnh tranh.

Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; vừa khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu; chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Năm là, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật nhằm ổn định thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại. Phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng hệ thống bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sáu là, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như trong các Ủy ban liên Chính phủ. Tăng cường tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế- thương mại song phương và khu vực.

Bảy là, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm.