TCCS - Mười bảy tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc(*) gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tỉnh còn nhiều huyện nghèo nằm trong diện đặc biệt khó khăn của cả nước. Mặc dù vậy, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai nghiêm túc, sâu rộng tới các tổ chức đảng, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân. Qua 3 năm thực hiện, nhiều cá nhân điển hình, nhiều mô hình mới xuất hiện...

Học Bác từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất

"Mỗi người, mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi tháng làm theo một đức tính của Người". Đó là tâm niệm và ước vọng của hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức và đồng bào các dân tộc. Điều đó, cũng lý giải vì sao Cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng như thế.

Cái khó của miền núi, trung du khi triển khai cuộc vận động là hầu hết các tỉnh đều nghèo, còn gặp khó khăn về nhiều mặt như đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa có những mặt hạn chế; dân trí thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém... nhưng ở đây "cái khó lại làm ló cái khôn". Các địa phương đều chọn cách đi và giải pháp vừa phù hợp với điều kiện chung nhưng lại vừa đúng với đặc thù riêng, với trọng tâm, trọng điểm thiết thực, cụ thể, trực tiếp tạo chuyển biến và sức bật cho chính mình.

Đảng bộ thành phố Bắc Giang cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động ngay từ những tháng đầu tiên, gắn với phong trào thi đua "Làm việc tốt theo gương Bác Hồ" với chủ đề "Mỗi người, mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi tháng làm theo một đức tính của Người". Cán bộ, đảng viên viết đăng ký thực hiện Cuộc vận động với các nội dung: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đoàn kết thân ái, nêu cao tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; mở sổ nhật ký làm theo lời Bác để ghi lại những việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Hằng tháng, chi bộ tổng hợp nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện, lựa chọn những việc làm tiêu biểu của tập thể, cá nhân ghi vào Nhật ký làm theo lời Bác của chi bộ. Riêng năm 2009, Đảng bộ thành phố Bắc Giang có 27.875 việc làm tốt của tập thể, 32.697 việc làm tốt của cá nhân được đăng ký, và có 786 sổ nhật ký làm theo Bác của tập thể; 1.387 sổ nhật ký làm theo lời Bác của cá nhân với 6.571 việc tốt được ghi chép lại.

Bắc Ninh, xây dựng chuẩn mực đạo đức theo gương Bác ở các cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực, gắn với các quy định, quy chế được thực hiện của chi bộ, cơ quan, đoàn thể... Hiện có 2.140/2.263 chi, đảng bộ niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và nơi sinh hoạt và theo đó thực hiện, để nhân dân giám sát. 2.060 chi bộ (100%) thực hiện đưa giáo dục phê bình, tự phê bình về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vào nền nếp sinh hoạt của chi bộ; hiện lồng ghép với cải cách thủ tục hành chính ở địa phương. Thí điểm mô hình cán bộ chủ chốt(1) các cấp đăng ký và thực hiện nêu gương về đạo đức, lối sống theo gương Bác, từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất. Đội ngũ này cam kết thực hiện các nội dung đăng ký nêu gương trước cơ quan, đơn vị, chi bộ, cấp ủy và chịu trách nhiệm trước tập thể về nội dung đăng ký nêu gương.

Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ đều tổ chức hội nghị chi bộ, đảng bộ, góp ý kiến cho bản đăng ký "Làm theo Bác" của từng cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức và của đơn vị. Đảng bộ thành phố Sơn La có 35 đảng bộ cơ sở và gần 2.000 đảng viên có bản đăng ký "làm theo" Bác Hồ bằng những phong trào và công việc cụ thể nhất. Năm 2009, có 90% số tổ chức cơ sở đảng tổ chức Hội nghị biểu dương 50 tập thể, 180 cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến làm theo Bác, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở". Các tổ chức cơ sở đảng gắn việc đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ với việc thực hiện Cuộc vận động, từ đó, giúp cá nhân tự điều chỉnh nhận thức, hành vi, trau dồi và nâng cao đạo đức cách mạng.

Theo gương Bác là phải về với dân hơn để phục vụ tốt nhân dân...

Các đảng bộ Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn gắn Cuộc vận động với việc đưa cán bộ, đảng viên về "gần dân" theo phương châm "3 cùng", "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng gắn bó suốt đời), với dân. 100% số xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của những địa phương này đều được tăng cường cán bộ các ban, ngành của tỉnh, huyện. Đội ngũ cán bộ này vừa trực tiếp làm, vừa tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đến đồng bào, vừa là người hướng dẫn, tổ chức "cầm tay chỉ việc", giúp đồng bào từ việc lớn đến việc nhỏ: từ tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức đời sống sinh hoạt... đến xây dựng Đảng. Họ chịu trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của các xã, bản do mình phụ trách. Mọi tiêu chí đánh giá cán bộ, đề bạt, khen thưởng... đều căn cứ vào những công việc cụ thể của họ ở cơ sở, kết hợp với sự đánh giá của đồng bào.

Với cách làm này, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh khác không chỉ đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào mà còn đạt được kết quả đáng kể về nhiều mặt kinh tế, xã hội; an ninh quốc phòng. Công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có kết quả. Điện Biên, Lai Châu đã bước đầu xóa xong những cơ sở "trắng" về đảng viên trên địa bàn.

Qua thực tiễn, "Ba cùng với dân" chính là cách thức tuyên truyền, vận động, giáo dục một cách hiệu quả nhất ở vùng cao. Bởi người dân ở những nơi này chỉ nghe và tin theo Đảng, theo Chính phủ, khi mục sở thị "người của Đảng, của Chính phủ" hằng ngày ở ngay bên cạnh, sống giản dị, chịu khổ, chịu cực vì sự đổi đời của họ. Đồng cam, cộng khổ gắn bó với dân, giúp dân vượt qua đói nghèo đó là cách làm theo Bác có hiệu quả và trực tiếp nhất. Điều cần ghi nhận là việc làm vì dân của đội ngũ này chính là "chiếc cầu nối" bền chặt giữa Đảng với dân; giữa dân với Đảng. Đồng bào dành niềm tin yêu cho họ, nghe theo họ nói, làm theo những việc họ làm... Đó chính là một trong những chuẩn mực khách quan nhất để đánh giá kết quả và sức lan tỏa của Cuộc vận động. Tư tưởng đạo đức của Người, thông qua lời nói, việc làm của đội ngũ cán bộ "ba cùng" mà dần dần thấm sâu trong tâm hồn và hành động của đồng bào.

Chẳng hạn, việc "Bốn cùng" với đồng bào La Hủ ở xã Pa ủ (Mường Tè, Lai Châu) của Thượng tá Phạm Văn Ty, đồn trưởng đồn Biên phòng 309, người có công lớn trong việc mở đường lên vùng cao Pa ủ cũng như giúp đồng bào La Hủ thoát khỏi đói nghèo "làm cảm động cả núi rừng"! Cách đây năm năm, Pa ủ là một xã trong diện "bốn không": không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế; hệ thống chính trị cơ sở mỏng và yếu, đời sống đồng bào các dân tộc trong xã vô cùng khó khăn. Đến nay, đời sống đồng bào, đặc biệt người La Hủ ở Pa ủ đã khấm khá hơn rất nhiều, chỉ còn 40% số hộ đói vào lúc giáp hạt. Đáng mừng hơn, trong số 60% số hộ dân còn lại, có gần 10% đã được công nhận thoát nghèo. Số người nghiện cũng giảm nhiều, chủ yếu là người già, không còn sức lao động; hệ thống chính trị ở xã đã được kiện toàn, từng bước hoạt động hiệu quả.

Để "Dân vận khéo", đảng viên phải đi trước...

"Dân vận khéo" là mô hình được tỉnh Yên Bái triển khai trong Cuộc vận động. Nhờ mô hình dân vận khéo, Yên Bái đã tạo bước đột phá trong giáo dục - đào tạo, làm thay đổi được thứ hạng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 - 2009 từ 62 lên 50 (theo bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố trong cả nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo); công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ đói nghèo của tỉnh giảm 4%/năm. Các tổ chức chính trị - xã hội ở Yên Bái lồng ghép các nội dung của Cuộc vận động với hoạt động của tổ chức mình theo phương châm "5 xây", "5 chống"(2). ý kiến đóng góp của nhân dân với tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng tích cực, chân thành, thẳng thắn hơn. Chất lượng hiệu quả các buổi tiếp dân ngày càng nâng cao, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời. Qua 3 năm, toàn Đảng bộ Yên Bái thi hành kỷ luật 19 tổ chức đảng, 727 đảng viên với các hình thức từ khiển trách tới khai trừ..., đã giữ vững lòng tin của nhân dân. Nhờ công tác "Dân vận khéo", Yên Bái đã xây dựng được nhiều điểm sáng, nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trong "làm theo Bác".

Ví dụ, huyện Mù Căng Chải, một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất của Yên Bái, sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, tư tưởng, đạo đức của Bác đã thấm sâu trong tâm hồn mỗi người dân, từ đó làm thay đổi nhận thức và việc làm hằng ngày của họ. Chẳng hạn, người Mông trước đây thường tổ chức đám cưới 2 ngày thì nay chỉ còn một ngày; không để lâu người chết trong nhà (người Mông có tục lệ để người chết ở trong nhà dăm, bảy ngày); đồng bào biết thu gom rơm, rạ để làm thức ăn dự trữ cho gia súc; biết vươn lên làm giàu chính đáng bằng nghề truyền thống và dịch vụ... Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Mù Căng Chải đạt 3,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực 330 kg/người/năm; năm 2009, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 100% kế hoạch; tạo nhiều việc làm cho người lao động...

Năm 2009, Đảng bộ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) đã nhận được 5.028 ý kiến của quần chúng nhân dân tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên, công chức. Ở Vĩnh Phúc, nhân dân tham gia giám sát, góp ý kiến về các việc làm của cán bộ, đảng viên đều đặn, thường xuyên qua các sinh hoạt thôn, xóm, xã, phường... Nhân dân chấm điểm việc làm của cán bộ, đảng viên một cách công khai, minh bạch. Vì vậy, cán bộ, đảng viên càng có ý thức gương mẫu từ lời nói tới hành động của mình. Và, tỉnh Vĩnh Phúc có 45 tập thể, 69 cá nhân tiêu biểu được Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tuyên dương, khen thưởng.

Làm theo Bác, nhiều Hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Tiêu biểu là các ông Vi Văn Phích: 1.040 m2 đất; ông Nông Văn Nam: 650 m2 đất ruộng; Lê Công Bền: 665 m2 đất vườn; Vi Văn Pói: 600 m2 đất rừng hồi; ông Dương Công Thỏa: 230 m2; 5 hội viên xã Tri Lễ hiến 830 m2; 6 hội viên xã Tú Xuyên hiến 760 m2./.
 

(*) Gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh

(1) Cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ từ trưởng phòng (và tương đương) trở lên trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trở lên (gọi tắt là cán bộ chủ chốt các cấp).

(2) "5 xây": xây dựng tinh thần yêu quê hương, đất nước, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu; xây dựng ý thức trách nhiệm, trọng dân, gần dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng tinh thần làm chủ tập thể, yêu thương, hợp tác chặt chẽ với đồng chí, đồng nghiệp; xây dựng tinh thần cầu thị, dám nghĩ, dám làm, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; xây dựng tác phong, lối sống có văn hóa, vận động gia đình và mọi người chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của #ảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. "5 chống": chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, chủ quan, thỏa mãn, làm việc cầm chừng; chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô cảm trước những điều bức xúc trong xã hội; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương; chống lười biếng, lãng phí, vô tổ chức kỷ luật; chống tham nhũng, tiêu cực, nói không đi đôi với làm, chạy theo lợi ích cá nhân.