TCCSĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, ngày 24-5-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Troen và gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu của Na Uy gồm Kongsberg, DVL-GL, Pharmaq, Vard, Juton, Scatec Solar.
* Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Na Uy tươi đẹp, cảm ơn Quốc hội Na Uy đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm. Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen đánh giá cao chuyến thăm chính thức Na Uy lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Tone Troen cũng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Na Uy thời gian qua nói chung và giữa Quốc hội hai nước nói riêng; nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển tới Chủ tịch Quốc hội Na Uy lời chào trân trọng của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và mời Chủ tịch Quốc hội Tone Troen thăm Việt Nam.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Wilhelmsen Troen. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Tone Troen đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) về xóa đói giảm nghèo và khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này; nhất trí trong thời gian tới Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, giám sát và thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA). Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và sự cần thiết sớm ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội Na Uy ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, hợp tác kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin là những lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; đồng thời cho biết Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Na Uy, hoạt động lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam, đề nghị Na Uy tạo điều kiện mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng điện tử...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Na Uy thời gian qua đã dành sự hỗ trợ phát triển hiệu quả cho Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ song phương chuyển từ quan hệ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác phát triển bình đẳng, cùng có lợi, đề nghị Quốc hội Na Uy ủng hộ các cơ chế đối thoại, tham vấn chính trị, đối ngoại và các phương thức hợp tác mới, có hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên là ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, kinh tế biển xanh và phát triển bền vững. Đồng thời cảm ơn và đề nghị Quốc hội Na Uy tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng hơn 20.000 người Việt Nam tại Na Uy, sinh sống ổn định và hòa nhập với sở tại, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, qua đó phát huy cầu nối quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết và gắn kết giữa hai nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Tone Troen nhất trí việc cùng nỗ lực duy trì hòa bình, đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

** Trao đổi tại cuộc gặp, lãnh đạo các tập đoàn Na Uy cho rằng thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, rộng mở; mong muốn Chính phủ Việt Nam đảm bảo sân chơi công bằng, bình đẳng để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn trong đầu tư vào Việt Nam.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo một số công ty hàng đầu của Na Uy. Ảnh: TTXVN

Ông Morten Foyn, Giám đốc điều hành (CEO) của Jotun cho biết, tập đoàn bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 25 năm trước, và năm 1997 tập đoàn mở nhà máy sơn ở Bình Dương, hoạt động rất hiệu quả với tổng doanh thu 120 triệu USD. Hiện tập đoàn đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy nữa về phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 2 năm tới với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, ông Geir Haoy, CEO của Kongsberg Group nhìn nhận, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với mức tăng trưởng nhanh, ổn định. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy công nghệ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề cá, hợp tác kinh tế biển. Ông tin tưởng Việt Nam - Na Uy có thể hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng, phát triển đại dương bền vững thông qua việc lập bản đồ đại dương, nghiên cứu đáy biển, giám sát đáy biển, phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, nghề cá.

Ông Morten Nordstad, Chủ tịch Pharmaq, tập đoàn hàng đầu thế giới về sức khỏe cá và vaccine, chuyên hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản cho biết, tập đoàn có 2 văn phòng nghiên cứu và phát triển, một ở Oslo và văn phòng thứ hai là ở Việt Nam. Mùa Thu năm ngoái, vaccine thứ hai của Pharmaq đã được Việt Nam cấp phép và 18 triệu con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiêm vaccine của tập đoàn. Ông cho biết kế hoạch sắp tới của Pharmaq là sản xuất thêm nhiều vaccine cho cá tra, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho đội ngũ, kỹ thuật viên Việt Nam. Tập đoàn cũng dự định triển khai thêm phòng thí nghiệm chẩn đoán mới cho thủy sản của Việt Nam.

Ông Raymond Karlsen, CEO của Scatec Solar, tập đoàn vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Na Uy chiều 24-5, cho biết Việt Nam hiện là một trong những nước đi đầu trong xu hướng sử dụng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo. Khoản đầu tư 500 triệu USD là vào dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời với công nghệ mới nhất. Tập đoàn bày tỏ mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo ra khu vực. Ông hy vọng Việt Nam sẽ có chính sách mới ưu đãi về thuế cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, khẳng định đã triển khai ngay thỏa thuận hợp tác trị giá 500 triệu USD với đối tác Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi trọng mọi thành phần kinh tế, coi trọng đầu tư nước ngoài, với môi trường đầu tư ngày càng cởi mở, đó là nguyên nhân để Việt Nam có sự tăng trưởng cao thời gian qua. Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp Na Uy sẽ tiếp tục đầu tư, làm ăn ở Việt Nam tốt như các tập đoàn có mặt hôm nay. Bày tỏ ấn tượng với ý kiến của CEO Kongsberg, Thủ tướng cho biết kinh tế biển là một lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm. Thủ tướng đề nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trao đổi thêm với doanh nghiệp về vấn đề này.

Hoan nghênh ý kiến của doanh nghiệp Na Uy, Thủ tướng đánh giá cao các tập đoàn với công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thiết bị, sản phẩm tại Việt Nam. Thủ tướng chia sẻ nếu làm được điều này thì có thể kỳ vọng về một trung tâm sản xuất của Na Uy tại Việt Nam, và đó là sự kết hợp giữa nền kinh tế 5 triệu dân (Na Uy) với nền kinh tế gần 100 triệu dân có thị trường rộng lớn, là sự kết hợp “Made by Na Uy và Made in Việt Nam”. Thủ tướng cho rằng những vấn đề thảo luận hôm nay rất thiết thực cho sự phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh “Việt Nam cảm ơn và hoan nghênh các bạn, tạo mọi điều kiện cho các bạn thành công”, đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp “lời nói đi đôi với hành động sớm”./.