TCCSĐT - Ngày 12-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019; thị sát công trình xây dựng metro tại Thành phố Hồ Chí Minh; làm việc với lãnh đạo thành phố.

* Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch thành phố, sáng 12-4, Đại học Hoa Sen phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 (Vietnam Tourism Human Resources Forum). Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, Diễn đàn đầu tiên năm 2019 có chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại sự kiện này.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương trọng điểm về du lịch. Diễn đàn thu hút trên 300 đại biểu là các bộ, ban, ngành liên quan, các sở du lịch trong cả nước, các đơn vị đào tạo ngành du lịch trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp du lịch.

Các nội dung thảo luận tại Diễn đàn xoay quanh 3 chủ đề chính: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch và hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Thời gian qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn ngành. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến Đại học, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp).

Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 câu hỏi và một số gợi ý chiến lược đối với vấn đề nguồn nhân lực của ngành du lịch.

Đánh giá cao các tham luận tại Diễn đàn có tính ứng dụng thực tế cao, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” và nêu vấn đề: Chúng ta đã băn khoăn nhiều về việc liệu có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành du lịch hay không. Tuy nhiên, câu hỏi sát sườn Ngành du lịch chúng ta liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng, không những trong nước mà cả quốc tế tham gia và lĩnh vực này hay không, Thủ tướng đặt câu hỏi tại diễn đàn.

Theo Thủ tướng, các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực. Thủ tướng cho rằng, những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này. Bởi đây chính là những nhà tuyển dụng tốt nhất với môi trường làm việc, văn hóa công ty được đánh giá cao so với các công ty ở các ngành, lĩnh vực khác.

Thủ tướng cho rằng, câu hỏi này không chỉ dành cho các doanh nghiệp du lịch mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước bởi đây là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu.

“Các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc, mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, môi trường kinh doanh của ngành du lịch, môi trường ngành du lịch nói chung có tác động đến khả năng thu hút nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này.

Câu hỏi thứ 2 của Thủ tướng tại Diễn đàn liên quan đến mục tiêu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của cả nước.

“Chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ “mũi nhọn”, làm gì để thu hút được lao động có kỹ năng tham gia vào du lịch, làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Mở rộng nội hàm của chủ đề “nguồn nhân lực du lịch”, Thủ tướng phân tích, vấn đề này không chỉ ở các công ty du lịch mà còn ở chính những người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch.

“Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị mà con người mang lại qua chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp, Thủ tướng chỉ rõ: Việc tiếp cận chủ đề nguồn nhân lực cho du lịch còn hướng đến các mục tiêu của phát triển bền vững, thông qua việc góp phần giải quyết ba mục tiêu mà Tổ chức Du Lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đang nỗ lực giải quyết: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm…

Đặt vấn đề, Đảng và Nhà Nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu, Thủ tướng đặt câu hỏi với các bộ, ngành “đã làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch Việt Nam?”.

Thủ tướng cũng thông tin đến Diễn đàn về việc Diễn đàn kinh tế thế giới công bố chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017, Việt Nam đã tăng 8 bậc so với năm 2015, đứng thứ 67 trên toàn cầu. Đặc biệt trong lĩnh vực nguồn nhân lực và thị trường lao động, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể (đứng thứ 37), và đã tăng lên 18 bậc.

Khẳng định, du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu, Thủ tướng chỉ rõ: Phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch, bởi lẽ sự tương tác về phương diện văn hóa và con người sẽ đóng vai trò quyết định đối với sức cạnh tranh cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng tin tưởng, với 100 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, nguồn nhân lực của chúng ta là hoàn toàn không thiếu cả về lượng lẫn về chất. “Điều cốt yếu là làm sao chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam”, Thủ tướng nói và đề cập đến yêu cầu xây dựng một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp; đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch. Thủ tướng cũng đề nghị các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật trở lại giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành, nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực mang tầm quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

** Cùng ngày, trong chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có chuyến thị sát, kiểm tra tiến độ tại công trường tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thuộc dự án metro Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Tuyến metro số 1 là tuyến đầu tiên trong mạng lưới tám tuyến metro của Thành phố Hồ Chí Minh đã được quy hoạch với tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị thành phố đạt khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.

Dự án metro số 1 có bốn gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của thành phố, bao gồm ba gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện. Dự án đã được khởi công từ tháng 8-2012. Đến thời điểm này, khối lượng thi công toàn dự án đạt được 63,49% tổng khối lượng với khoảng 31,3 triệu giờ công lao động an toàn. Kết quả này đạt được là nhờ sự quyết tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố đối với việc giải quyết các vướng mắc của các gói thầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát tại điểm công trường nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát thành phố của dự án; xuống hầm tham quan, nghe báo cáo tiến độ thi công và trò chuyện với đội ngũ công nhân, kỹ sư, người lao động tại công trường.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tập thể các bộ, ngành, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng tập thể cán bộ, công nhân, người lao động tại công trường. Nhấn mạnh dự án này là công trình metro đầu tiên của nước ta được triển khai xây dựng sau quá trình chuẩn bị khẩn trương, trách nhiệm của các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đây cũng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, nhất là kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Thủ tướng cũng đánh giá cao quyết tâm cao của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai các hạng mục thi công và đạt được khối lượng công việc hoàn thành trên 63% với trên 2.000 công nhân, người lao động đang ngày đêm làm việc tại công trường.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu thông xe kỹ thuật vào năm 2020 và đưa vào vận hành tuyến metro số 1 tuyến metro đầu tiên của Việt Nam vào năm 2021.

Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai công trình quan trọng này; đồng thời biểu dương đội ngũ tư vấn giám sát và các lực lượng thi công đã đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thi công an toàn các hạng mục của công trình.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự Nhật Bản và Cơ quan hợp tác Nhật Bản JICA đã hỗ trợ nguồn lực để triển khai công trình quan trọng này bảo đảm đúng tiến độ và với trách nhiệm cao nhất.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chính thức giao việc điều chỉnh tổng dự toán của dự án cho Thành phố Hồ Chí Minh để thành phố chủ động triển khai kịp thời, bảo đảm nguồn lực cho công trình.

Thủ tướng mong muốn với tinh thần là biểu hiện hợp tác đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản, Dự án metro tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm an toàn, chất lượng, và đúng tiến độ.

** Sau chuyến thị sát công trình xây dựng tuyến Metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố để xem xét việc triển khai cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái đinh cư và bàn giao mặt bằng phục vụ phát triển hạ tầng của thành phố.

Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Theo báo cáo của Thành phố, trong quý I/2019, với những điều kiện thuận lợi và tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế Thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 21,5%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%. Thu ngân sách có hiệu quả, ước đạt 98.365 tỷ đồng, tăng 7,18% so cùng kỳ, đạt 24,65% dự toán (cùng kỳ đạt 24,11% dự toán).

Tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Thành phố cho rằng cần xác định rõ các công đoạn của quy trình, cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các nội dung công việc trong từng công đoạn; xác định khung thời gian tối đa để hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án kể từ ngày có thông báo thu hồi đất; xác định khung thời gian tối đa để hoàn thành việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng dự án.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quý I, trong đó có tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,64%; thu ngân sách gần 1/4 kế hoạch năm; đầu tư nước ngoài đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội) với nhiều dự án có chất lượng; năng suất lao động bình quân gấp gần 3 lần cả nước; bộ máy Thành phố được bổ sung cán bộ. An ninh trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Một số vụ án ma túy lớn được lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Thủ tướng cũng đánh giá cao lãnh đạo Thành phố đã có tinh thần tiên phong, dẫn đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch, thu hút nhân tài trong và ngoài nước; tích cực triển khai nhiều giải pháp trong đó có Nghị quyết 54 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ. Thành phố đang đi đầu về ứng dụng công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Chỉ ra một số tồn tại của Thành phố như dịch vụ du lịch chưa đạt kết quả cao; thu hút FDI cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo còn khiêm tốn, Thủ tướng yêu cầu khắc phục điều này. Dù đã phát hiện, triệt phá đường dây buôn bán ma túy lớn, nhưng Thành phố còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về xã hội, nguy cơ Thành phố trở thành điểm trung chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Thủ tướng cũng cho rằng cải cách hành chính, tính minh bạch còn chưa mang lại hiệu quả cao, còn “sức ì” trong bộ máy nhà nước khiến người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng. Bên cạnh đó, Thành phố chưa cho thấy sức bật mới, vai trò trung tâm của Thành phố trong vùng miền Tây và miền Đông Nam bộ, vai trò kết nối trong vùng.

Thời gian tới, Thủ tướng kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh bám sát tinh thần tiên phong, dẫn đầu. Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là yêu cầu của Đảng bộ và nhân dân Thành phố mà còn là trách nhiệm của Thành phố đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thủ tướng đề nghị thành phố “phải tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển, để có thể so sánh với các thành phố khác khu vực châu Á”.

Thủ tướng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh phải là địa phương đi trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, Chính phủ điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các thành phố khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố triển khai quyết liệt, hiệu qủa Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết 48 của Quốc hội, các Kết luận của Trung ương để tạo sự bứt phá, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và kinh tế đất nước.

Cùng với đó là tiếp tục là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực ASEAN.

Thành phố cũng cần quan tâm đến các vấn đề xã hội, nông nghiệp phát triển nông thôn, môi trường. Trong đó, Thủ tướng nêu lên vấn đề nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà ở cho hộ gia đình chính sách (hiện đã đạt 98%)... Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Nam Định, Hưng Yên và một số tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Thành phố, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm giải quyết ngay kiến nghị của Thành phố, ngay trong tuần tới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Về đề xuất của của Thành phố Hồ Chí Minh về cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố, Thủ tướng bày tỏ quan điểm của Chính phủ ủng hộ thành phố với tư cách Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành tại buổi làm việc, đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ tới, làm cơ sở để Chính phủ đưa ra Nghị quyết của Chính phủ, giúp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế này.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã đi thăm Trung tâm điều hành đô thị thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh./.