Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-02-2019)
TCCSĐT - Sáng 06-02 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ D. Trump đọc Thông điệp Liên bang năm 2019 tại phiên họp của lưỡng viện Quốc hội. Đây là một hoạt động thường niên quan trọng của người đứng đầu Nhà Trắng, trong đó đưa ra tầm nhìn, phương hướng và chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ trong năm.
Thông điệp Liên bang 2019: Tiếp tục khẳng định mục tiêu vì lợi ích nước Mỹ
Tổng thống Mỹ D. Trump đọc Thông điệp liên bang năm 2019 tại lưỡng viện Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Thông điệp liên bang năm 2019 của Tổng thống D. Trump được thực hiện trong bối cảnh chính phủ Mỹ vừa có thời gian đóng cửa lâu nhất trong lịch sử (35 ngày), đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11-2018, khoản ngân sách cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico đến nay vẫn bế tắc. Trong bối cảnh đó, mở đầu bài Thông điệp Liên bang 2019, Tổng thống D. Trump kêu gọi một kỷ nguyên hợp tác mới nhằm phá vỡ “hàng thập niên” bế tắc chính trị ở Mỹ, với vấn đề gây chia rẽ nhất hiện nay là nhập cư và an ninh biên giới.
Về vấn đề nhập cư đang gây chia rẽ chính trường Mỹ, Tổng thống D. Trump bày tỏ mong muốn nước Mỹ có một hệ thống nhập cư “an toàn, hợp pháp, hiện đại và vững chắc”. Tổng thống D. Trump khẳng định sẽ cho xây dựng một bức tường biên giới. Đây là một rào chắn bằng thép “trong suốt, chiến lược và thông minh”, chứ không đơn giản chỉ là một bức tường kiên cố. Trong bối cảnh khoản ngân sách cho bức tường biên giới chưa đạt được, Tổng thống D. Trump cho biết, chính phủ Mỹ tăng cường 3.750 binh sĩ tới khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico để đối phó với những đoàn người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2019, Tổng thống D. Trump còn đặc biệt nhấn mạnh đến thành quả kinh tế đạt được trong vòng 2 năm kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng năm 2016. Theo đó, nước Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế chưa từng có, với 5,3 triệu việc làm mới được tạo ra, trong đó riêng lĩnh vực chế tạo công nghiệp chiếm 600.000 việc làm; mức tăng tiền lương cao nhất trong nhiều thập niên. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng gấp đôi, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Số người tham gia lực lượng lao động cũng cao nhất trong lịch sử với 157 triệu người.
Bên cạnh các vấn đề đối nội, Tổng thống D. Trump cũng đề cập đến chính sách đối ngoại cùng những nỗ lực ngoại giao và quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, qua đó khẳng định mong muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ và chấm dứt các cuộc chiến kéo dài ở nước ngoài.
Về vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống D. Trump khẳng định các cuộc đàm phán thương mại tích cực giữa Washington và Bắc Kinh là để chấm dứt hành vi “đánh cắp” việc làm và tài sản của người Mỹ. Tổng thống D. Trump cũng đề nghị Quốc hội Mỹ cho ông quyền hạn tự do hơn để áp đặt các chương trình thuế, cũng như thông qua Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), thỏa thuận thay thế cho Hiệp định NAFTA trước đây.
Đề cập cuộc chiến tại Afghanistan, Thông điệp nêu rõ cuộc đàm phán giữa Mỹ và lực lượng Taliban diễn ra “mang tính xây dựng” và đang đạt được nhiều tiến triển, qua đó Mỹ để ngỏ khả năng giảm sự hiện diện của Mỹ tại nước này. Tổng thống D. Trump cũng cam kết sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, trong bối cảnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần như đã bị đánh bại.
Về tình hình Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống D. Trump khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo này, đồng thời sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vào ngày 27 và 28-02 tới.
Kết thúc bài phát biểu kéo dài trong 82 phút, Tổng thống D. Trump khẳng định lại quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” và bày tỏ sự lạc quan vào tương lai Mỹ: nước Mỹ “phải là niềm hy vọng, tương lai, ánh sáng giữa tất cả các quốc gia khác trên thế giới”. Với chương trình nghị sự “không phải là của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mà là chương trình của nhân dân Mỹ”, Tổng thống D. Trump tiếp tục thể hiện mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Sau khi kết thúc bài diễn văn quan trọng, Tổng thống D. Trump đã nhận được phản ứng tích cực của nhiều thành viên nội các. Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cho rằng, trong 2 năm đầu cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã củng cố nước Mỹ về đối nội và đối ngoại, theo đó đặt lợi ích của người dân Mỹ lên hàng đầu và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin nhận định, các chính sách hỗ trợ người lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống D. Trump mang lại mức lương cao hơn cho người lao động Mỹ và giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp M. Whitaker cho rằng, Thông điệp Liên bang năm nay của người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra một tầm nhìn đầy hy vọng và lạc quan cho nước Mỹ. Theo ông, một nước Mỹ với khu vực biên giới phía Nam an toàn hơn sẽ là một nước Mỹ ít tội phạm hơn, ít tệ nạn ma túy hơn và mang lại mức tiền lương tốt hơn cho người lao động. Chung quan điểm trên, theo Bộ trưởng Thương mại W. Ross, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống D. Trump, các chính sách sẽ mang lại hy vọng cho những người lao động Mỹ bị bỏ quên. Theo ông W. Ross, các chính sách đối ngoại và quốc phòng mạnh mẽ của Tổng thống D. Trump sẽ khôi phục vị thế dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế.
Mặc dù vậy, Thông điệp Liên bang năm nay đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Dân chủ. Nghị sĩ S. Abrams - cựu ứng cử viên của đảng này tranh chức thống đốc bang Georgia - chỉ trích Tổng thống D. Trump gây ra tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong thời gian dài nhất trong lịch sử. Bà S. Abrams còn cho rằng, nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn chính là nhờ những người nhập cư chứ không phải là bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Còn Chủ tịch Hạ viện N. Pelosi thì chỉ trích Tổng thống D. Trump không để Quốc hội Mỹ thực thi chức năng giám sát của cơ quan lập pháp được quy định trong Hiến pháp.
Nhìn chung, đánh giá về Thông điệp liên bang lần thứ hai của Tổng thống D. Trump, dư luận cho rằng, đây là một trong những bài diễn văn mang đậm tính chính trị nhất của các Tổng thống Mỹ trong những năm gần đây, trong bối cảnh hai chính đảng lớn nhất ở Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc về hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế có liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân Mỹ. Do đó, tất cả những điều này đều có thể khiến Tổng thống D. Trump phải chịu sức ép rất lớn cũng như phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi ông đang hướng tới mục tiêu giành thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa trong cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp vào cuối năm 2020 tới.
Tiến trình Brexit vẫn chưa có tiến triển
Thủ tướng Anh T. May phát biểu ở phiên chất vấn tại Hạ viện ngày 30-01-2019. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất hồi tháng 11-2018, Thủ tướng Anh T. May đã phải trình một “Kế hoạch B” trước Quốc hội nước này, đưa ra những đề xuất sửa đổi đối với tiến trình Brexit. Sau đó, các nghị sĩ Anh đã nhất trí tạo thêm cơ hội và thời gian để bà T. May tiếp tục thương thảo với giới chức EU để sửa đổi văn kiện trên nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit mới, cân bằng và đáp ứng yêu cầu của nước Anh.
Trong bối cảnh đó, ngày 07-02, Thủ tướng T. May đã đến Brussels (Bỉ) để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm cứu vãn một Brexit không thỏa thuận giữa Anh và EU. Tuy nhiên, chuyến đi lần này của bà T. May không được lạc quan bởi Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker vẫn khẳng định với Thủ tướng Anh rằng, EU sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit.
Hiện nay, vấn đề biên giới Ireland vẫn là trở ngại chính trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU. Thủ tướng Anh đang nỗ lực muốn đàm phán lại với EU nhằm tìm một giải pháp thay thế cho điều khoản “rào chắn” liên quan biên giới Anh - Ireland sau Brexit. Điều khoản “rào chắn” vốn là điều khoản nhằm giữ biên giới mở giữa Ireland (nước thành viên của EU) và Bắc Ireland (của Anh) sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, điều khoản này đã bị các nghị sỹ Anh thẳng thừng bác bỏ vì họ cho rằng, điều khoản “rào chắn” sẽ khiến Anh bị mắc kẹt trong liên minh thuế quan của EU vĩnh viễn.
Vì thế mà đến nay, các bên vẫn chưa thể thu hẹp những quan điểm khác biệt liên quan đến thỏa thuận Brexit. Các nhà phân tích nhận định, một khi chính phủ của Thủ tướng T. May vẫn không thể thống nhất về một thỏa thuận rời EU hoặc một lập trường chung về mối quan hệ trong tương lai với EU, nước Anh sẽ rời EU trong tình thế hỗn loạn. Nếu điều này xảy ra, các chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng khi hàng hóa nhập khẩu từ EU có thể bị tắc nghẽn vì những quy trình kiểm tra hải quan, gây thiệt hại kinh tế với cả Anh và EU là không nhỏ.
Trước nguy cơ “cuộc khủng hoảng Brexit” chính thức xảy ra, các nhà phân tích cho rằng, chính phủ và các doanh nghiệp của cả Anh và EU cần chuẩn bị ngay các kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp Anh rời EU không thỏa thuận.
Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 02-02, Mỹ đã ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Tổng thống D. Trump tuyên bố, tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan. Theo Tổng thống D. Trump, Mỹ đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Đáp lại, ngày 02-02, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, nước này cũng quyết định ngừng tuân thủ INF nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 08-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tháng 10-2018, Tổng thống D. Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Đến tháng 12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là ngày 02-02.
Tuy nhiên, Nga lại tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729”, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Nga cho rằng, phía Mỹ dựng cớ để rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới. Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Việc Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ của INF từ ngày 02-02 như đã thông báo trước đó, đồng thời chính thức “kích hoạt” quá trình rút khỏi thỏa thuận này trong vòng 6 tháng, tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra thì chưa thể lường trước được. Do đó, nhiều nước đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ngày 09-02, Đại sứ Nga tại Mỹ A. Antonov cho rằng, Mỹ đang có ý định phá vỡ cấu trúc kiểm soát vũ khí vốn được xây dựng nhiều năm qua giữa hai nước đồng thời khẳng định ý tưởng giành vị thế chi phối quân sự toàn cầu của Mỹ sẽ không thể thực hiện. Đại sứ A. Antonov nhắc lại việc Tổng thống V. Putin đã ra chỉ thị rõ ràng cho Bộ Quốc phòng liên quan tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn nguy cơ phá vỡ sự bình đẳng chiến lược và cho rằng các biện pháp của Nga không tốn kém, cũng không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang, thay vào đó cho phép duy trì sự cân bằng quân sự - chiến lược. Nga đã làm mọi điều có thể để cứu vãn hiệp ước INF. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đề xuất các biện pháp minh bạch chưa từng có, vượt xa khuôn khổ hiệp ước.
Hiện Nga và Mỹ vẫn còn có 6 tháng nữa để tìm kiếm giải pháp “cứu” INF thông qua đối thoại. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, với lập trường cứng rắn hiện nay thì đối thoại Nga - Mỹ về INF được dự đoán là sẽ rất khó khăn.
Macedonia ký nghị định thư gia nhập NATO
Ngoại trưởng Macedonia N. Dimitrov. Ảnh: Reuters
Ngày 06-02, Macedonia đã ký nghị định thư gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một bước đi quan trọng trên hành trình chính thức trở thành thành viên khối quân sự này sau khi giải quyết ổn thỏa vấn đề đổi tên nước với Hy Lạp. Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg cho biết, đây là một ngày lịch sử, mở đường cho Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO sau khi thỏa thuận này được tất cả các nước thành viên phê chuẩn.
Từ nhiều năm qua, việc Macedonia gia nhập NATO và EU đã gặp trở ngại do sự phản đối của Hy Lạp liên quan đến tranh cãi giữa hai nước về tên gọi của Macedonia trong hơn 27 năm qua. Năm 1991, tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia nổ ra khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM). Tuy nhiên, Hy Lạp - nước thành viên của EU và NATO - đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan đến tên gọi của nước này. Do một tỉnh miền Bắc Hy Lạp cũng mang tên “Macedonia”, Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng. Hy Lạp phản đối việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là “Macedonia”. Hy Lạp cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi này nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala. Athens coi vùng đất này là di sản văn hóa tôn nghiêm. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề tranh cãi này.
Khi Macedonia gia nhập Liên hợp quốc với tên chính thức là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thừa nhận rằng, đây chỉ là tên tạm thời. Một số giải pháp được đưa ra bao gồm sử dụng tên “New Macedonia” hoặc “Northern Macedonia”. Tuy nhiên, người dân Hy Lạp cho rằng tên gọi đất nước Balkan này hoàn toàn không được phép có từ “Macedonia”.
Nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài giữa Hy Lạp và Macedonia liên quan đến tên gọi “Macedonia”, hồi tháng 5-2018, Hy Lạp và Macedonia đã tiến hành cuộc đối thoại, với kết quả là hai bên nhất trí đổi tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Mặc dù vậy, thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả Macedonia và Hy Lạp do bên nào cũng đều cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia. Nhưng cuối cùng, vào ngày 17-6-2018, Hy Lạp và Macedonia đã ký thỏa thuận lịch sử Prespes giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước và một số quan chức Liên hợp quốc, EU. Theo thỏa thuận trên, Macedonia lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO. Quốc hội Macedonia sau đó cũng đã thông qua thỏa thuận lịch sử này. Tháng 9-2018, người dân Macedonia đã bỏ phiếu thông qua việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, nhờ vậy đã khai thông được bế tắc trong tiến trình nước này gia nhập NATO và EU.
NATO và EU tin tưởng việc Macedonia trở thành thành viên sẽ củng cố sự ổn định ở khu vực Balkan, bất chấp sự phản đối của Nga về việc mở rộng của liên minh này trong khu vực./.
Bắc Ninh: Tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (11/02/2019)
Bắc Ninh: Tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (11/02/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019  (10/02/2019)
Hơn 47.000 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp Tết  (10/02/2019)
Bứt phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu  (10/02/2019)
Tưng bừng khai hội đầu xuân  (10/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên