Thủ tướng chúc Tết nhân sĩ, trí thức, kiều bào và người nghèo
*Chiều 26-01, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu kiều bào dự Chương trình Xuân quê hương 2019. Đoàn gồm 100 kiều bào tiêu biểu, đại diện cho khoảng 4,5 triệu kiều bào ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Gặp gỡ các kiều bào, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Việt kiều có mặt trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong đội tuyển bóng đá Việt Nam, tham gia trong các ngành kinh tế... và bày tỏ, bằng ý chí và quyết tâm một lòng, chúng ta nhất định sẽ “bứt phá” thành công.
Tại cuộc gặp, bà con kiều bào bày tỏ phấn khởi trước thành tựu ngoạn mục của đất nước thời gian qua, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến bà con. “Đến thăm quốc gia nào, Thủ tướng cũng gặp gỡ bà con kiều bào”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Đại diện cộng đồng kiều bào ở Campuchia cảm ơn Chính phủ đã có ý kiến, làm việc với phía Campuchia để giúp đỡ giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt ở Campuchia, qua đó, giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn.
Một Việt kiều trẻ ở Mỹ, đã khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực an minh mạng, chia sẻ về kinh nghiệm, nỗ lực vươn lên của mình và bày tỏ vui mừng trước việc Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề an ninh mạng; đồng thời khẳng định sẽ đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện Hội người Việt Nam tại Séc cho rằng cùng với lượng kiều hối rất lớn đạt khoảng 16 tỷ USD năm 2018, thì “mỏ vàng lộ thiên” lớn nữa là tri thức của kiều bào. Ai cũng mong mỏi trở về, đóng góp cho quê hương, đất nước. Ông mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách, biện pháp tốt hơn để thu hút kiều bào về đóng góp trí tuệ cho sự phát triển đất nước.
Cùng quan điểm, bác sỹ Lê Thúy Oanh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hungary, người nổi tiếng với phương pháp cấy chỉ, mong muốn đưa phương pháp chữa bệnh này được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam.
Một số ý kiến kiều bào đề xuất lập Quỹ đầu tư của Việt kiều khi mà dự án đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam còn khiêm tốn hay tháo gỡ khó khăn về vấn đề xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể bà con kiều bào, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Thủ tướng khẳng định luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và mong muốn có nhiều chương trình với nội dung ngày càng phong phú hơn, đặc sắc hơn để đáp lại tình cảm sâu sắc, những đóng góp của bà con, không chỉ về nguồn lực mà cả về trí tuệ, tài năng trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật hay cả bóng đá…
“Dù là tổ tư vấn kinh tế tư vấn của Thủ tướng, dù là thủ môn bóng đá hay các ngành kinh tế thì đều có bà con Việt Kiều”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ với bà con về những kết quả kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, Thủ tướng cho biết, chúng ta nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất của khu vực và thế giới, tốc độ tăng trưởng ổn định và gắn với nâng cao đời sống nhân dân.
“Người dân đói nghèo, bệnh tật, không ai chăm sóc thì có giàu lên để giải quyết vấn đề gì. Từ vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, vùng dân tộc thiểu số đều được quan tâm. Một năm chúng ta xuất ra mười mấy nghìn tấn gạo để hỗ trợ vùng khó khăn, không để tình trạng bà con thiếu đói, đứt bữa, lạt muối… Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đi rất nhiều và tuyệt đối không để bà con đói, đó là nguyên tắc chúng tôi đưa ra trong chỉ đạo, điều hành, anh nào, cấp ủy, chính quyền ở đó mà để người dân đói thì phải mất chức”, Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã tốt hơn. Không khí làm ăn đầu tư của nhiều bà con Việt kiều đã sôi động hơn. Thủ tướng chia sẻ, trong các chuyến công tác tại nước ngoài, lãnh đạo các nước đều đánh giá cao cộng đồng người gốc Việt. Trong các cuộc gặp lãnh đạo các nước, ông đều đề nghị quan tâm, bảo vệ quyền lợi của bà con người Việt.
Trong các thành tựu mà đất nước đạt được thời gian qua, Thủ tướng khẳng định, có sự đóng góp của bà con kiều bào với nhiều cách thức khác nhau. Đến nay, có trên 200 dự án của bà con Việt kiều với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Và một trong những đóng góp thấy rõ nhất là có nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều chung sức phát triển đất nước.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi bà con luôn quan tâm giữ gìn văn hóa Việt Nam trong từng “căn nhà, góc bếp”, nhiều người thành công trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đặc biệt một số người trưởng thành trong chính trường ở nước sở tại. “Tôi đánh giá cao vai trò của nhiều kiều bào trẻ, có trình độ, kiến thức tiên tiến, đang thể hiện sức trẻ, nhiệt huyết, về nước khởi nghiệp”.
Thủ tướng cho biết phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, trong đó đặc biệt có chữ “bứt phá” và mong muốn bà con Việt kiều, Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng hai chữ “bứt phá”. Tức là, năm 2019 phải hơn 2018 trên các phương diện.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, bằng ý chí và quyết tâm một lòng xây dựng đất nước, người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung sức thì nhất định “bứt phá” sẽ thành công.
Thủ tướng mong bà con phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, thương yêu lẫn nhau. Bà con hãy tìm mọi cách sáng tạo, hiệu quả nhất, phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của mình để thúc đẩy, quảng bá thương hiệu Việt, tiêu thụ, bán hàng hóa của Việt Nam tại các siêu thị, cửa hàng, kênh phân phối ở nước sở tại. Thủ tướng và các bộ sẵn sàng hỗ trợ bà con trong quá trình này.
Thủ tướng cũng mong bà con tìm các nguồn vốn các nhau trong cộng đồng để đầu tư vào Việt Nam và khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, lắng nghe, giải quyết các vướng mắc.
Đối với một số địa bàn bà con còn gặp khó khăn, đặc biệt là điều kiện pháp lý, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán với nước sở tại để tạo điều kiện cho bà con có thể ổn định cuộc sống.
**Chiều 26-01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, chúc Tết các Giáo sư Vũ Khiêu, Hoàng Tụy và Nguyễn Văn Hiệu.
Tới thăm Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà văn hóa Vũ Khiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Giáo sư khỏe mạnh, đồng thời đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Giáo sư trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam.
Giáo sư Vũ Khiêu, năm nay 103 tuổi, đã viết hàng trăm tác phẩm, công trình khoa học về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiều lĩnh vực khác như triết học, đạo đức, văn hóa.
Thủ tướng đã tới thăm hỏi, chúc Tết Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người có rất nhiều đóng góp cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ với Thủ tướng, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn đang nghiên cứu và hoàn thiện một đề án liên quan đến vấn đề chống ngập, dài khoảng 1 nghìn trang để đóng góp cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tới thăm và nói chuyện với Giáo sư Hoàng Tụy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của Giáo sư cho ngành Toán học của Việt Nam.
Năm 1964, Giáo sư Hoàng Tụy phát minh phương pháp lát cắt Tụy, được coi là mốc đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục. Giáo sư có hơn 100 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực của toán học.
*** Sáng 26-01, trong không khí cùng cả nước chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết 10 hộ gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Thủ tướng đã tới thăm, tặng quà, chúc Tết cụ Nguyễn Thị Hơn, tại thôn Tượng Cước, xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, 94 tuổi, Mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng và con là liệt sỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại tượng đài Tổng Bí thư tại Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tưởng nhớ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại nhà thờ bà ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhà thờ được hoàn thành cách đây 14 năm, đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật ghi nhận công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan cùng những ảnh hưởng của bà và dòng họ Hoàng tới sự nghiệp sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe lãnh đạo tỉnh Hưng Yên báo cáo nhanh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. Theo đó, năm 2018 là năm thứ hai tỉnh Hưng Yên thực hiện tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tính đến hết năm, thu ngân sách của tỉnh đạt gần 13.200 tỷ đồng, bằng gần 110% dự toán được giao, tăng 1.150 tỷ đồng so với năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng và đạt kết quả đáng mừng về mọi mặt trong năm 2018, trong đó có thu ngân sách.
Nhấn mạnh Trung ương luôn quan tâm tới Hưng Yên, Thủ tướng yêu cầu tỉnh thời gian tới cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng ở Hưng Yên một trung tâm đại học của nước ta./.
Thủ tướng phát lệnh thông tuyến nối hai cao tốc quan trọng  (26/01/2019)
Bắc Ninh 3 ‘cao’, 2 ‘ít’ trong thu hút FDI  (26/01/2019)
Việt Nam 'đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại nhân dân'  (26/01/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay